Ấn Độ thắt chặt hơn nữa xuất khẩu gạo, đe dọa nguồn cung toàn cầu

Ngọc Châu |

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã áp đặt nhiều hạn chế hơn đối với việc vận chuyển ngũ cốc trong một động thái có thể sẽ tiếp tục siết chặt nguồn cung lương thực toàn cầu.

Theo tuyên bố của Bộ Thương mại Ấn Độ, Chính phủ sẽ ấn định giá sàn là 1.200 USD/tấn đối với gạo xuất khẩu basmati. Chính phủ cho biết điều đó sẽ ngăn cản một số thương nhân cố gắng buôn lậu gạo trắng non-basmati, loại gạo đã bị cấm xuất khẩu, thông qua hải quan dưới vỏ bọc là loại gạo thơm đắt tiền hơn.

Động thái mới nhất diễn ra sau việc áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo đồ vào ngày 25/8, xác nhận một báo cáo trước đó của hãng tin Bloomberg. 

Ấn Độ, quốc gia chiếm thị phần khoảng 40% trong thương mại gạo toàn cầu năm ngoái, hiện đã cấm hoặc đưa ra một số hạn chế đối với việc xuất khẩu tất cả các loại ngũ cốc.

Giá gạo châu Á đã tăng lên mức cao nhất trong gần 15 năm vào đầu tháng này và có thể còn tăng hơn nữa, làm tăng chi phí cho các nhà nhập khẩu như Philippines và một số quốc gia châu Phi. 

Các biện pháp bảo hộ gần đây của Ấn Độ phù hợp với những nỗ lực tích cực nhằm hạ nhiệt giá thực phẩm địa phương trước cuộc tổng tuyển cử vào đầu năm tới, khi Thủ tướng Narendra Modi sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ ba.

BV Krishna Rao, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo, cho biết hôm 26/8 rằng với động thái áp thuế đối với gạo đồ của Ấn Độ, giá gạo trong nước sẽ giảm và điều đó sẽ giúp chính phủ kiểm soát lạm phát lương thực. "Tuy nhiên, giá toàn cầu sẽ tăng và người mua sẽ phải chấp nhận mức tăng này. Cũng sẽ có những cuộc đàm phán lại giữa người mua và người bán về một số hợp đồng".

Gạo là lương thực chính của khoảng một nửa dân số thế giới. Các biện pháp hạn chế của Ấn Độ được đưa ra vào thời điểm chi phí lương thực vẫn tăng cao do cuộc chiến của Nga ở Ukraine và thời tiết bất ổn trên khắp thế giới đe dọa nguồn cung ngũ cốc và hạt có dầu. 

Có những lo ngại rằng các biện pháp đảm bảo an ninh lương thực trong nước của Ấn Độ sẽ ảnh hưởng đến một số quốc gia nghèo hơn vẫn đang vật lộn để phục hồi sau cuộc suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra.

Một công nhân đang chất bao gạo ở Ambala, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
Một công nhân đang chất bao gạo ở Ambala, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg


Gạo đồ chiếm khoảng 1/3 tổng lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ. Quốc gia này đã cấm xuất khẩu gạo tấm và gạo trắng non-basmati, hạn chế vận chuyển lúa mì và đường cũng như hạn chế dự trữ một số loại cây trồng. Ấn Độ cũng đang xem xét bãi bỏ thuế nhập khẩu 40% đối với lúa mì và bán cà chua, hành tây và ngũ cốc từ kho dự trữ nhà nước để cải thiện nguồn cung trong nước.

Chính phủ cho biết các nhà xuất khẩu có thư tín dụng hợp lệ trước quy định mới về gạo đồ vẫn sẽ được phép vận chuyển ngũ cốc. Thuế xuất khẩu loại gạo này sẽ vẫn có hiệu lực cho đến ngày 15/10.

Bộ thương mại Ấn Độ cho biết quyết định ấn định mức giá tối thiểu cho các lô hàng gạo basmati được đưa ra sau khi nhận thấy sự biến động lớn về giá xuất khẩu của loại ngũ cốc này. Trong một số trường hợp, loại thơm thậm chí còn được bán với giá 359 USD/tấn, so với giá xuất khẩu trung bình là 1.214 USD trong tháng này.

Bộ này cho biết các hợp đồng gạo basmati có giá trị dưới 1.200 USD có thể được đánh giá bởi một hội đồng chính phủ và sẽ nộp báo cáo trong vòng một tháng.

(Nguồn: Phụ nữ mới)

Thái Lan: Hạn hán đẩy giá gạo bán buôn năm nay tăng cao

Đỗ Sinh |

Tính đến ngày 4/8, giá gạo thơm lài dao động từ 14.500 đến 16.000 baht (9-10 triệu đồng)/tấn, gạo nếp dao động từ 13.500-14.700 baht/tấn và gạo thơm Pathum Thani dao động từ 12.000-13.000 baht/tấn.

Thị trường nông sản: Giá lúa, gạo trong nước tăng mạnh

PV |

Từ nay đến cuối năm nếu thời tiết không diễn biến bất thường thì sản lượng lúa sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và xuất khẩu.

Cuộc khủng hoảng lúa gạo toàn cầu đang leo thang

Chấn Hưng |

Quyết định cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đang bắt đầu có hiệu ứng domino trên toàn thế giới.

Thủ tướng Chính phủ chỉ thị đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững

PV |

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.