Ngày 13/4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì cuộc họp bàn giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ ngày 31/3 - 2/4/2022.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT, đợt mưa lũ cực đoan, dị thường gây bất ngờ và vượt ngoài khả năng phòng tránh, ứng phó của người dân và chính quyền địa phương. Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương, đợt mưa lũ đã làm 1 người chết, 3 nhà tốc mái, 820 nhà bị ngập, hàng ngàn héc ta lúa, ngô, rau màu các loại và hàng trăm héc ta nuôi tôm, cá lồng bè bị thiệt hại; nhiều kênh mương, hệ thống thủy lợi bị hư hỏng. Tổng thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi ước tính khoảng 800 tỉ đồng.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng phương án “Khôi phục khẩn cấp sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ bất thường trong vụ đông xuân; triển khai sản xuất vụ hè thu sớm và thu đông 2022". Phương án đề ra các biện pháp kỹ thuật để khôi phục, xử lý diện tích cây trồng, vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng do thiên tai; hỗ trợ kinh phí để xử lý, vệ sinh đồng ruộng trên diện tích cây trồng bị thiệt hại; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi để phục vụ sản xuất vụ hè thu sớm và thu đông sớm năm 2022; khắc phục các công trình thủy lợi, đê điều phục vụ sản xuất... Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện phương án trên 111 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ gần 36,8 tỉ đồng, ngân sách tỉnh bố trí từ nguồn dự phòng trên 37 tỉ đồng, ngân sách huyện trên 9 tỉ đồng, Nhân dân đóng góp khoảng 28 tỉ đồng.
Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng yêu cầu trước mắt các sở, ban, ngành, địa phương cần rà soát, thống kê thiệt hại, đề xuất hỗ trợ khôi phục sản xuất. Công tác kiểm đếm, thống kê thiệt hại phải khách quan, công khai minh bạch, tránh tình trạng sai sót. Cần nghiên cứu nguồn giống phù hợp với lịch thời vụ và đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Thời gian tới, cần chủ động hơn trong công tác ứng phó thiên tai, chú trọng thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh, bên cạnh sự hỗ trợ của trung ương, tỉnh phải dựa vào nguồn lực của địa phương để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân. Tuy nhiên, hiện tại ngân sách của tỉnh gặp khó khăn vì thời gian qua đã chi cho công tác phòng chống dịch. Vì vậy, trước mắt ngành nông nghiệp cần rà soát, thống kê chính xác thiệt hại để có cơ sở đề xuất, xin trung ương hỗ trợ hoặc tạm ứng trước kinh phí và nguồn giống để hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất kịp thời vụ. Khi đã có kinh phí và nguồn giống, Sở Nông nghiệp và PTNT cần sớm ban hành lịch thời vụ để hướng dẫn người dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp Ngân hàng Nhà nước khoanh nợ, giãn nợ nhằm hỗ trợ người dân vùng bị thiệt hại. Giao lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương sớm triển khai thực hiện có hiệu quả công tác khôi phục sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung trong Phương án cho tối ưu, phù hợp để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)