Biến đồi hoang thành nơi có của ăn của để

Minh Long |

Từ vùng đất đồi dốc bỏ hoang, nông dân Hồ Xa Nát, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Ra Ly Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã quyết tâm cải tạo, chuyển đổi, đưa những loại cây trồng, vật nuôi mới, phù hợp vào sản xuất. Đất không phụ công người, sau một thời gian cần cù, chịu khó lao động, anh đã biến vùng đất tưởng chừng “ngủ quên” làm bàn đạp giúp gia đình thoát nghèo, có của ăn của để.


Khi lập gia đình ra ở riêng, hơn 20 năm trước, anh Nát được bố mẹ cho khoảng 6 ha đất đồi bấy lâu bỏ hoang. Lúc bấy giờ, đứng trước quả đồi dốc đầy cỏ dại anh chưa thể hình dung ra mình phải làm gì để sản xuất. Thời gian đầu, để duy trì cuộc sống, anh khai hoang một phần đất trồng lúa rẫy, sắn. Vừa sản xuất theo phương thức cũ, anh vừa tìm hiểu các mô hình kinh tế mới hiệu quả ở địa phương xem họ sản xuất như thế nào.

Nóng lòng vì diện tích đất bỏ hoang còn nhiều, anh động viên vợ trước mắt cải tạo đất dần rồi tìm cây, con phù hợp đưa vào trồng trọt, chăn nuôi. Năm 2008, anh Nát bắt tay vào trồng rừng tràm và cà phê. Thấy một số mô hình cà gai leo ở vùng Lìa phát triển tốt, cho thu nhập khá, anh tiếp tục cải tạo đất để trồng loại cây này. Từ diện tích trồng thí điểm mức độ vừa phải, sau hơn 10 năm học hỏi, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình canh tác, đến nay, anh đã xây dựng thành công mô hình kinh tế vườn - chuồng - rừng (VCR) với gần 3,5 ha rừng, hơn 1 ha cà phê, 3 sào cà gai leo, còn lại là diện tích trồng trẩu. Riêng năm 2023, cà phê và cà gai leo được giá, mang lại thu nhập hơn 80 triệu đồng. Sắp tới, cây tràm cho thu hoạch sẽ mang lại nguồn thu đáng kể cho gia đình anh.

Anh Nát chăm sóc cà gai leo - Ảnh: M.L
Anh Nát chăm sóc cà gai leo - Ảnh: M.L

Cùng với trồng trọt, anh Nát còn tìm hiểu, nghiên cứu giống vật nuôi phù hợp để mở rộng mô hình kinh tế. Đến nay, gia đình anh đã phát triển đàn trâu và dê với tổng đàn 17 con. Nhờ phòng ngừa dịch bệnh đúng cách, các loại vật nuôi trong chuồng trại của nhà anh đều phát triển tốt.

Nắm bắt nhu cầu của nông dân trong xã, năm 2020, gia đình anh đầu tư máy cày và máy xay xát lúa để vừa phục vụ sản xuất của gia đình vừa cày thuê và xay xát lúa cho người dân trong xã. Nhờ đó, gia đình anh có thêm nguồn thu nhập, kinh tế ngày càng khấm khá hơn. Hiện tổng thu nhập của gia đình anh mỗi năm trên 100 triệu đồng. Số tiền này đối với những mô hình kinh tế khác không lớn nhưng với thời gian và công sức vợ chồng anh đã bỏ ra để chinh phục quả đồi mang lại thành quả như hiện nay là điều không dễ.

Anh Nát cho biết: “Để xây dựng được mô hình như hiện nay, chúng tôi phải mất một thời gian dài học hỏi cách làm kinh tế của nhiều hội viên nông dân trong vùng và tự đúc rút kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Dự định trong thời gian tới, gia đình tôi tiếp tục phát triển mô hình VCR để tăng thêm thu nhập”.

Nhờ có nguồn thu nhập ổn định từ trồng trọt và chăn nuôi, gia đình anh Nát xây dựng được ngôi nhà khang trang, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt hiện đại. Các con của anh được đầu tư học hành đàng hoàng. Trong số 3 người con của anh, hiện người con đầu là cán bộ văn hóa tại UBND xã Hướng Sơn, con thứ 2 làm việc tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Từ những thành công trong phát triển kinh tế gia đình, anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật, cách xây dựng mô hình cho các hộ gia đình trong vùng học hỏi và làm theo.

Theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hướng Sơn Hồ Văn Vỹ, anh Nát là một nông dân người dân tộc thiểu số đi đầu, chịu khó khai hoang đất đai và biết cách học hỏi để trồng trọt và chăn nuôi, phát triển mô hình VCR cho hiệu quả kinh tế cao và xây dựng cuộc sống gia đình văn minh, tiến bộ. Nhiều năm liền anh được công nhận là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Anh xứng đáng là tấm gương cho hội viên nông dân xã Hướng Sơn nói chung, nông dân các dân tộc thiểu số nói riêng tại địa phương học tập làm theo.

Thời gian tới, hội sẽ tham mưu cấp trên, tìm các nguồn vốn vay ưu đãi để giúp hội viên nông dân có điều kiện phát triển kinh tế. Đề xuất mở các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi để cung cấp kiến thức, giúp cho các hội viên áp dụng hiệu quả vào các mô hình kinh tế. Qua đó, giúp nhiều hội viên từng bước thay đổi cách thức sản xuất, cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu chính đáng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Triển vọng từ mô hình trồng cây dược liệu dây thìa canh

Thanh Hải |

Từ nhu cầu sử dụng cây dây thìa canh hỗ trợ chữa bệnh tiểu đường tăng cao trong thời gian qua, Cơ sở sản xuất và kinh doanh cao dược liệu Minh Nhi, thôn Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), đưa vào trồng thử nghiệm cây dây thìa canh ở vùng Cùa. Loại cây dược liệu này mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra triển vọng phát triển thêm loại cây dược liệu mới, góp phần xây dựng Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh.

Hỗ trợ 5.000 cây xanh thực hiện Dự án Phủ xanh Việt Nam tại huyện Vĩnh Linh

Nguyên Đồng |

Ngày 28/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Vĩnh Linh phối hợp với hệ thống thời trang FM Style tổ chức ngày hội trồng cây. Đây là nội dung thuộc chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 (1945 - 2024) và tiếp nối Dự án Phủ xanh Việt Nam, FM Style - Triệu cây xanh, triệu ước mơ.

Ra quân vệ sinh môi trường và trồng cây xanh tại đảo Cồn Cỏ

Hà Trang |

Tiếp tục chuỗi các hoạt động truyền thông giảm thiểu rác thải nhựa tại huyện đảo Cồn Cỏ, sáng 25/8, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị, UBND huyện đảo Cồn Cỏ, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Lễ ra quân vệ sinh môi trường, thu gom, phân loại rác và trồng cây xanh bảo vệ môi trường, chắn sóng ven biển tại bãi biển khu vực Bến Nghè. 

Gần 30 năm trồng 'cây hòa bình' trên vùng đất lửa Quảng Trị

Nguyên Linh |

Từ lâu, bà Jerrilyn Brusseau - người đồng sáng lập Tổ chức PeaceTrees Vietnam (Cây Hòa bình Việt Nam) đã xem Quảng Trị là quê hương thứ hai của mình.