Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại các nước phát triển, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tỷ lệ lớn GDP và là trụ cột bảo đảm sự ổn định, phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế quốc gia.
Trung Quốc dồn trọng tâm cho khu vực tư nhân
Bước vào thế kỷ XXI, khu vực tư nhân tại Trung Quốc đã chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ, với sự ra đời của nhiều tập đoàn lớn như Alibaba, Tencent, Huawei, và Xiaomi. Những doanh nghiệp này không chỉ thống trị thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ, viễn thông và thương mại điện tử.
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 60% GDP, tạo ra 80% việc làm ở thành thị và hơn 70% phát minh, sáng chế trong nền kinh tế Trung Quốc. Các doanh nghiệp tư nhân chiếm phần lớn trong các ngành công nghiệp như sản xuất, dịch vụ, và đặc biệt là công nghệ cao.
Quay trở về quá khứ, lĩnh vực này manh nha xuất hiện tại Trung Quốc sau chính sách “Cải cách và Mở cửa” do nhà lãnh đạo thời đó là Đặng Tiểu Bình khởi xướng vào năm 1978.
Tuy nhiên, cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của doanh nghiệp tư nhân là sự kiện người bán hàng rong 19 tuổi tên Zhang Huamei đăng ký quầy hàng bán cúc áo và đồ chơi ở thành phố cảng Ôn Châu vào năm 1980. Kể từ đó, các doanh nghiệp tư nhân liên tục xuất hiện và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của quốc gia này.
Vào năm 1988, Chính phủ Trung Quốc đã sửa đổi hiến pháp theo hướng tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp tư nhân. Động thái trên đã góp phần thúc đẩy số lượng doanh nghiệp tư nhân tăng vọt, với khoảng 90.581 doanh nghiệp đăng ký hoạt động vào năm đó.
Trong những năm 1990, sự phát triển của khu vực tư nhân trở nên mạnh mẽ hơn sau khi ông Đặng Tiểu Bình tái khẳng định cam kết của chính phủ đối với cải cách kinh tế trong chuyến thăm miền Nam Trung Quốc năm 1992. Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XV năm 1997 đã công nhận kinh tế tư nhân là một phần quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Vào năm 1999, chính phủ nước này cam kết bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của kinh tế cá thể và kinh tế tư doanh. Điều này đã góp phần thúc đẩy số lượng doanh nghiệp tư nhân lên đến 2.028.200 doanh nghiệp vào năm 2001, trong khi số lượng hộ kinh doanh đến 24,33 triệu hộ.
Trong giai đoạn 2002 - 2007, quốc gia tỷ dân tiếp tục tạo điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển bằng việc đưa ra các chính sách khác nhau như: sửa đổi quy định, nới lỏng thị trường, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa phát triển, thúc đẩy quá trình quốc tế hóa của các doanh nghiệp tư nhân, từng bước loại bỏ việc đối xử thiếu minh bạch trong các doanh nghiệp.
Năm 2009, Quốc Vụ viện Trung Quốc triển khai chính sách tạo động lực phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, với các biện pháp, như: tạo môi trường tốt, tăng hỗ trợ tài chính và thuế, hỗ trợ phát triển thị trường... hướng đến mục tiêu vực dậy nền kinh tế vào năm 2012.
Trong giai đoạn 2013 - 2018, Trung Quốc tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, cam kết tạo môi trường thuận lợi cũng như hỗ trợ nhiều hơn nữa cho lĩnh vực này. Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra nhiều định hướng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong các hệ thống cận thị trường, hệ thống quyền tài sản và thương mại.
Trong quãng thời gian từ 2019 - 2021, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Trung Quốc tiếp tục giảm thuế cho các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích phát hành trái phiếu, và cải thiện môi trường pháp lý. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ và nâng cấp công nghiệp. Những chính sách này góp phần đẩy nhanh sự phát triển của kinh tế tư nhân. Năm 2021, số lượng doanh nghiệp tư nhân thành lập mới đã lên tới 8,525 triệu, tăng 11,7% so với năm 2020.
Hàn Quốc chứng kiến sự trỗi dậy của các chaebon
Lĩnh vực tư nhân của Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều thập kỷ qua và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này.
Sau khi Chiến tranh Triều Tiên tạm đình chiến vào năm 1953, Hàn Quốc là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới khi nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trong khi công nghiệp và sản xuất kém phát triển. Tuy nhiên, chính phủ nước này bắt đầu thực hiện những kế hoạch tái thiết đất nước, bao gồm cả việc xây dựng nền kinh tế tư nhân.
Trong giai đoạn này, lĩnh vực kinh tế nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo, trong khi các doanh nghiệp tư nhân bắt đầu xuất hiện nhưng còn lẻ tẻ và phụ thuộc nhiều vào nguồn tài trợ từ Nhà nước.
Vào những năm 1960, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Park Chung-hee, Hàn Quốc nhanh chóng bước vào giai đoạn công nghiệp hóa. Seoul đã thực hiện nhiều chính sách chiến lược nhằm khuyến khích phát triển các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các chaebol (tập đoàn lớn gia đình) như: Samsung, Hyundai và LG. Chính phủ cung cấp vốn vay ưu đãi, bảo vệ ngành công nghiệp nội địa và tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ chốt như sản xuất, hóa chất và thép.
Các chaebol phát triển nhanh chóng nhờ vào sự hỗ trợ này và trở thành động lực chính cho nền kinh tế tư nhân. Trong thời gian này, nhiều công ty Hàn Quốc bắt đầu mở rộng sang xuất khẩu, lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài.
Từ thập niên 1980 đến những năm 1990, nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, và kinh tế tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các chaebol tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển đa ngành và trở thành các tập đoàn toàn cầu. Hàn Quốc được xem là một trong những nền kinh tế hàng đầu châu Á nhờ vào sự thành công trong xuất khẩu hàng hóa công nghiệp và điện tử.
Đồng thời, chính phủ tiếp tục cải cách kinh tế và tự động hóa thị trường, mở cửa nền kinh tế để thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp lợi ích tư nhân mở rộng hoạt động ra toàn thế giới.
Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 đã gây ra tác động tiêu cực lớn đến kinh tế Hàn Quốc. Nhiều chaebol lâm vào khó khăn, nợ nần, và một số tập đoàn lớn như Daewoo đã phá sản. Chính phủ Hàn Quốc buộc phải kêu gọi sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và thực hiện nhiều cải tiến nhằm mục tiêu ổn định kinh tế.
Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới về quản trị doanh nghiệp, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hướng đến đa dạng hóa nền kinh tế, thay vì chỉ dựa vào các chaebol.
Từ sau cơn khủng hoảng tài chính, nền kinh tế Hàn Quốc đã phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tiếp tục duy trì vị thế là một trong những nền kinh tế lớn nhất châu Á. Các chaebol vẫn chiếm ưu thế trong kinh tế tư nhân, nhưng đồng thời các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như các công ty khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ, đã nổi lên như những làn gió mới.
Trong những năm gần đây, Chính phủ Hàn Quốc đã thúc đẩy các ngành công nghệ cao, giới hạn như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng xanh, thúc đẩy sự đổi mới và đa dạng nền kinh tế. Kinh tế tư nhân tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới của Hàn Quốc trên trường quốc tế.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)