Mặc dù thời gian qua tỉnh Quảng Trị rất nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong đó có vấn đề tiếp cận đất đai, tuy nhiên, so với đòi hỏi thực tế của doanh nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục.
Tiếp cận đất đai là 1 trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là chỉ số quan trọng tạo điểm đến hấp dẫn, tin cậy không chỉ thu hút mà còn góp phần giữ chân các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả, lâu dài tại địa phương. Tuy nhiên, kết quả xếp hạng PCI 2021 cho thấy, chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh giảm 23 bậc so với năm 2020, đứng thứ 42/63 tỉnh, thành phố với 6,93 điểm, thấp nhất trong vòng 4 năm trở đây.
Kết quả khảo sát các doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về chỉ số này ở Quảng Trị trong năm 2021 cho thấy: 43% doanh nghiệp tư nhân đánh giá không gặp cản trở về tiếp cận đất đai hoặc mở rộng kinh doanh; 28% doanh nghiệp gặp khó khăn về thiếu quỹ đất sạch; 14% doanh nghiệp gặp khó khăn về tiến độ giải phóng mặt bằng chậm; 30% doanh nghiệp cho rằng thông tin, dữ liệu về đất đai không được cung cấp thuận lợi, nhanh chóng; 18% doanh nghiệp cho rằng thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; 15% doanh nghiệp có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không thực hiện do thủ tục hành chính (TTHC) rườm rà, lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; 23% doanh nghiệp cho biết thực hiện các TTHC về đất đai trong 2 năm qua không gặp bất cứ khó khăn nào về thủ tục.
Đặc biệt, có đến 48% doanh nghiệp nói rằng phải trì hoãn, hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các TTHC về đất đai. Bên cạnh đó, số ngày chờ đợi để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tỉnh là 30 ngày, trong khi nhiều địa phương chỉ từ 7 - 10 ngày (Khánh Hòa, Đắk Nông, Ninh Thuận, Nam Định, Đồng Tháp, Kiên Giang). Chỉ số tiếp cận đất đai giảm mạnh về thứ hạng trong năm 2021 và có xu hướng giảm điểm liên tục trong những năm qua cho thấy doanh nghiệp trên địa bàn chưa hài lòng về công tác quản lý đất đai của tỉnh.
Tiếp cận đất đai và duy trì ổn định trong quá trình sử dụng để phục vụ nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh là điều mà doanh nghiệp luôn mong muốn.Nhưng đất đai là lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp, đối tượng quản lý, sử dụng rất rộng, TTHC còn rườm rà, bất cập. Thời gian qua, các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai trên địa bàn tỉnh xảy ra khá nhiều, với tính chất phức tạp; một số đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đất đai nhằm trục lợi.
Trong bối cảnh hiện nay Quảng Trị đang tập trung thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn trong ngoài nước, thì việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai là một trong những vấn đề được quan tâm và ưu tiên hàng đầu. Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý nhà nước về đất đai được giao nhiệm vụ chủ trì trong thực hiện cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai theo Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 16/8/2021 của UBND tỉnh. Vì thế, sau kết quả công bố của VCCI, đơn vị cần chủ động phân tích, đánh giá tình hình năm 2021, các chỉ tiêu thấp điểm, giảm điểm và nguyên nhân giảm thứ hạng, từ đó xây dựng giải pháp, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai.
Bên cạnh nhiệm vụ quan trọng hiện nay là hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất 5 năm cấp tỉnh (2021 - 2025) trình cấp thẩm quyền phê duyệt, cần tiếp tục rà soát, kiểm tra và công khai quỹ đất chưa sử dụng, đất chưa giao, chưa cho thuê nhằm giúp các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận thông tin về sử dụng đất. Tham mưu thu hồi đất đối với các dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không triển khai hoạt động đầu tư hoặc có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; hỗ trợ các địa phương trong quá trình giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch thu hút nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, theo dõi và đánh giá việc thực thi chính sách về đất đai, kịp thời phát hiện những bất cập để kiến nghị, sửa đổi các quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đơn cử như xem xét, tham mưu cải thiện số ngày chờ đợi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với tình hình chung. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính trong nội bộ ngành để nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục về đất đai cho doanh nghiệp (thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất...) đảm bảo đúng thời gian. Tích cực, chủ động tháo gỡ những phát sinh liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai thông qua đối thoại, gặp gỡ, hướng dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Tăng cường kết nối điện tử liên thông trong giải quyết TTHC về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng với các thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng, trách nhiệm, thái độ của đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC về đất đai để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp mỗi khi có nhu cầu đến cơ quan nhà nước thực hiện TTHC trên lĩnh vực đất đai.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)