Trong những năm qua, xác định tầm quan trọng của nguồn lực đất đai, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã tăng cường công tác quản lý đối với lĩnh vực này, qua đó phục vụ tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không gian, kiến trúc đô thị gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh của địa phương.
Theo thống kê đất đai năm 2020, tổng diện tích đất tự nhiên của toàn thành phố Đông Hà là 7.308,5 ha. Trong đó diện tích đất nông nghiệp là 4.000,8 ha chiếm tỉ lệ 54,74%; đất phi nông nghiệp 3.037,8 ha, chiếm 41,5%; đất chưa sử dụng 269,8 ha, chiếm 3,69%. Xác định công tác quản lý đất đai là vấn đề phức tạp và rất nhạy cảm, để quản lý việc giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất đảm bảo đúng quy định pháp luật, phục vụ tốt sự phát triển của địa phương, Đông Hà đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp. Nhất là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quán triệt, triển khai các quy định pháp luật liên quan đến công tác quản lý đất đai cho đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở.
Đồng thời tổ chức tuyên truyền thường xuyên Luật Đất đai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức công khai kịp thời quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân biết, chấp hành, tham gia ý kiến. Đối với công tác xác định địa giới hành chính, lập và quản lý bản đồ hành chính đã hoàn thành việc hoạch định ranh giới hành chính, có chỉnh lý và bổ sung, điều chỉnh lại theo Quyết định số 513/QĐ-TTg, ngày 2/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời công bố diện tích tự nhiên của các cấp hành chính.
Công tác khảo sát, đo đạc, đánh giá, phân hạng đất được quan tâm. Đã lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của thành phố. Toàn bộ đất đai của Đông Hà đã được đo đạc địa chính, lập bản đồ địa chính chính quy, giúp thành phố, các phường nắm chắc quỹ đất, tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, phục vụ kịp thời việc giao đất, thu hồi đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp trên nên công tác quản lý việc giao, cho thuê, thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Thành phố đã giao và cho thuê cho các đối tượng quản lý, sử dụng 7.308,5 ha, bằng 100% diện tích tự nhiên. Trong đó, giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng 2.660,7 ha và UBND các phường, các tổ chức kinh tế, cơ quan và đơn vị, cộng đồng dân cư sử dụng khoảng 2.326,8 ha; giao UBND các phường, tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác quản lý khoảng 2.321 ha. Việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thu các khoản phí, lệ phí… được thực hiện đúng quy định của nhà nước.
Là đô thị trung tâm tỉnh lỵ, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh nên thị trường mua bán quyền sử dụng đất ở Đông Hà luôn diễn ra sôi động, mang tính tự phát; quỹ đất ngày càng thu hẹp, giá đất tăng cao cùng với ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế nên tình trạng lấn chiếm đất đai, mua bán, chuyển mục đích sử dụng đất trái với quy định pháp luật và tranh chấp đất đai diễn ra ngày càng tăng, phức tạp. Mặt khác công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các công trình, dự án làm phát sinh nhiều đơn thư phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến đất đai, mức bồi thường, bố trí tái định cư.
Thực tế này đặt ra không ít khó khăn cho công tác quản lý đất đai của Đông Hà. Nhất là công tác lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chất lượng chưa cao; quản lý đất đai chưa sử dụng, đất công ích có nơi còn thiếu sót, lỏng lẽo, tình trạng lấn chiếm đất đai còn diễn ra; nhận thức về quyền sử dụng đất của người dân chưa đầy đủ, gây khó khăn trong việc thu hồi đất, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai...
Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, thời gian tới, Đông Hà tăng cường thực hiện các giải pháp để việc quản lý đất đai đi vào nền nếp, chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, các cấp gắn với coi trọng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Việc sử dụng đất phải đảm bảo khoa học, hợp lý, tiết kiệm, đáp ứng được nhu cầu đất thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của thành phố đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Ưu tiên dành quỹ đất phát triển đô thị, thương mại dịch vụ và hoàn thiện hạ tầng giao thông, thiết chế y tế, văn hóa, thể dục, thể thao đồng bộ; phát triển các khu dân cư; tận dụng tối đa diện tích mặt nước, đất chưa sử dụng nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Quản lý, khai thác có hiệu quả quỹ đất tại các khu, cụm công nghiệp. Sử dụng đất nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo môi trường sinh thái và an toàn thực phẩm, nông nghiệp sinh thái kết hợp dịch vụ, du lịch, hoạt động trải nghiệm. Lồng ghép các dự án du lịch sinh thái, công viên, lâm viên sinh thái với nhiệm vụ bảo vệ rừng nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, góp phần sử dụng đất hiệu quả, bền vững…
(Nguồn: Báo Quảng Trị)