Xác định xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi về đích NTM năm 2019, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU định hướng xây dựng Cam Lộ trở thành huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và cảnh quan môi trường xanh-sạch -đẹp, giai đoạn 2021-2025.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, đến nay huyện Cam Lộ cơ bản đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao, phấn đấu đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2024.
Thực hiện phương châm dựa vào sức dân để lo cuộc sống cho dân, dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân làm nên NTM, NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện Cam Lộ đã tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” bằng cách làm từ đồng ruộng vào nhà, từ nhà ra khu dân cư, huy động đầu tư có hiệu quả mọi nguồn lực đảm bảo thực chất và chất lượng. Tính đến cuối tháng 11/2023, huyện Cam Lộ có 131/133 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, đạt 98,5%: 127/133 tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt 95,5%.
Năm 2022, huyện Cam Lộ có 4 xã là Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Hiếu được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong năm 2023 này, địa phương đang hoàn thiện hồ sơ xét công nhận 2 xã Cam Thủy và Thanh An đạt chuẩn NTM nâng cao.
Kế hoạch năm 2024, toàn huyện sẽ dành nguồn lực ưu tiên đầu tư cho xã Cam Tuyền là xã cuối cùng đạt chuẩn xã NTM nâng cao. Về xây dựng xã NTM kiểu mẫu, đến nay huyện Cam Lộ có 8/12 tiêu chí đạt chuẩn, đạt 66,7%.
Định hướng của huyện Cam Lộ xây dựng xã Cam Chính đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng xã thông minh gắn với phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng xã Cam Thành đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; xây dựng xã Cam Nghĩa đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường; xây dựng xã Cam Hiếu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Toàn huyện hiện có 37/80 thôn, khu phố đạt chuẩn kiểu mẫu mức 1 trở lên, đạt 45,7%; dự kiến đến cuối năm 2024 có thêm 6 thôn đạt chuẩn mức 1, đạt 53,1%. Về tiêu chí huyện NTM nâng cao, đến nay Cam Lộ đạt 6/9 tiêu chí; 3/9 tiêu chí còn lại đang chờ xét duyệt.
Đặc trưng xây dựng NTM kiểu mẫu ở huyện Cam Lộ giai đoạn 2021-2025 được xác định là theo hướng nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Để thực hiện mục tiêu đó, thời gian qua, UBND huyện Cam Lộ tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện thí điểm một số mô hình sản xuất cây, con chủ lực để đánh giá, nhằm rút ra những mặt ưu, nhược điểm và bổ sung các giải pháp, biện pháp, hoàn thiện quy trình sản xuất, kịp thời khuyến cáo nông dân nên nhân rộng hay thu nhỏ quy mô sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, hiệu quả kinh tế. Chương trình mỗi xã một sản phẩm toàn huyện Cam Lộ hiện có 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP chất lượng 3, 4 sao, chiếm 30% tổng sản phẩm OCOP của tỉnh.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu xây dựng huyện Cam Lộ trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh Quảng Trị, theo quy hoạch, đến năm 2025 huyện Cam Lộ xây dựng vùng chuyên canh cây dược liệu diện tích 500 ha, gồm: 100 ha chè vằng; 200 ha cây an xoa; 50 ha cà gai leo; 100 ha tràm năm gân và 50 ha các loại cây dược liệu khác.
Trước mắt, Cam Lộ đã xây dựng được vùng chuyên canh cây dược liệu hơn 200 ha làm nguyên liệu cho các nhà máy, cơ sở sản xuất, chế biến sản phẩm dược liệu trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người huyện Cam Lộ đạt 63 triệu đồng/người/năm, trong đó khu vực nông thôn đạt 56 triệu đồng/ người/năm.
Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm xuống còn 3,1%. Trong phong trào chỉnh trang nông thôn, xây dựng NTM, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, thống nhất từ huyện đến cơ sở và trong cộng đồng dân cư; năm 2023 Nhân dân đã hiến hơn 12.350 m2 đất để mở rộng lòng, lề đường giao thông nông thôn; đóng góp hơn 1,6 tỉ đồng để đối ứng các công trình và hơn 2,1 tỉ đồng gồm ngày công, hiện vật quy đổi; trồng mới hơn 39,6km các loại hoa, cây cảnh phục vụ chỉnh trang nông thôn và 3,4 km điện sáng nông thôn.
Đến nay, toàn huyện trồng được 98 km đường hoa, cây cảnh; xây dựng 273km hệ thống điện “Thắp sáng đường quê”, tạo điểm nhấn xây dựng làng quê sáng - xanh - sạch - đẹp, yên bình, đáng sống.
Phát huy những kết quả đạt được trong xây dựng NTM, thời gian tới huyện Cam Lộ tiếp tục xây dựng huyện NTM kiểu mẫu phát triển toàn diện và bền vững gắn với đô thị hóa, hạ tầng KT-XH đồng bộ và kết nối; trong đó, kinh tế nông nghiệp phát triển từng bước hiện đại, giá trị gia tăng cao. Các giá trị văn hóa-lịch sử được bảo tồn và phát huy trở thành động lực phát triển KT-XH. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng cao, gắn với xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng-xanhsạch-đẹp.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)