Cần quản lý chặt chẽ quy hoạch đất công cộng trong khu đô thị

Lê Trường |

Công tác quy hoạch, sử dụng đất công cộng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua cơ bản được thực hiện đúng quy định. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất công cộng ở trong khu đô thị hiện bộc lộ không ít bất cập. Vấn đề này cần được các cơ quan chức năng, địa phương liên quan sớm triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ và đúng quy định, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân.


Bức xúc vì nhiều diện tích đất công cộng trong khu đô thị bị điều chỉnh

Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 thuộc phường Đông Lương (TP. Đông Hà) được quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ từ sau năm 2000. Theo quy hoạch ban đầu, khu đô thị dành nhiều diện tích đất công cộng ở vị trí trung tâm, xung quanh là các khu đất được phân lô đấu giá.

Đến tìm hiểu tại đường Nguyễn Quang Xá ở Khu phố 1, phường Đông Lương thuộc Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1, phóng viên Báo Quảng Trị nhận được nhiều ý kiến bức xúc của người dân. Ông Ngô Thanh Hùng, một người dân tại đây chia sẻ, mảnh đất mà gia đình ông đang ở có diện tích gần 120 m2 , được chủ cũ đấu giá trúng vào năm 2006 với giá cao nhất là 165 triệu đồng. Sở dĩ có giá cao nhất khi đấu giá là vì mảnh đất này có vị trí đẹp, phía trước có quy hoạch đất công cộng. Sau khi thấy rao bán, vì nghĩ khu vực này có quy hoạch đất công cộng thì chắc sẽ xây dựng công viên, trồng cây xanh, nên ông Hùng đã quyết định mua lại mảnh đất để làm nhà ở ổn định cho đến nay.

Khu đất được khoanh đỏ tại Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 trước đây quy hoạch là đất công cộng, nhưng nay các trụ sở cơ quan nhà nước và trường mầm non tư thục đã được xây dựng - Ảnh: L.T
Khu đất được khoanh đỏ tại Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 trước đây quy hoạch là đất công cộng, nhưng nay các trụ sở cơ quan nhà nước và trường mầm non tư thục đã được xây dựng - Ảnh: L.T

“Thời điểm đó, chấp nhận mua đất giá cao, diện tích nhỏ để mong sau này sống gần khu vực công cộng có nơi vui chơi giải trí, tập thể dục, đi dạo khi về già. Tuy nhiên, từ đó đến nay, đất công cộng theo quy hoạch chẳng những không thấy các công trình được xây mà còn bị chuyển sang xây dựng một trường mầm non án ngữ ngay trước mặt nhà với bức tường rào cao gần 2 m. Khi bắt đầu tiến hành xây dựng trường, hầu hết các hộ dân sống ở đây không ai hay biết. Đến khi việc đã rồi thì chỉ biết chấp nhận”, ông Hùng bức xúc.

Được biết, vào năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã giao đất cho 1 đơn vị tư nhân xây dựng Trường Mầm non Hoa Phượng trên diện tích đất đã quy hoạch đất công cộng ngay phía trước nhà ông Nguyễn Thanh Hùng.

Ngoài ông Hùng, tại Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 còn không ít hộ gia đình cũng có nỗi niềm tương tự. Gia đình ông Trương Đức Phú trước đây sinh sống ổn định trên thửa đất rộng chừng 3.000 m2 tại đường Trường Chinh, phường Đông Lễ (TP. Đông Hà). Tuy nhiên, vì thuộc diện ảnh hưởng xây dựng dự án trụ sở Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh nên gia đình ông chấp nhận giao đất, nhận bồi thường hơn 300 triệu đồng và một lô đất nằm trên đường Duy Tân thuộc Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 với giá hỗ trợ là 84 triệu đồng.

“Khi vận động gia đình nhường đất để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương có thông tin, tại Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 sẽ có đầy đủ cơ sở hạ tầng, trong đó có quy hoạch công viên, sân chơi… Nhưng từ đó đến nay, sinh sống tại đây, tôi không thấy quy hoạch đó trở thành hiện thực. Có chăng thì tại khu vực đất đã quy hoạch đất công cộng phía đối diện nhà tôi hiện chỉ là các trụ sở của Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ, Thư viện tỉnh”, ông Phú cho biết.

Tương tự, gia đình ông Lê Trường Sơn sống tại Khu phố 1, phường Đông Lương thuộc diện thu hồi đất và tái định cư nên được cấp một lô đất tại Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1. Ông Sơn bộc bạch, kể từ khi nhận đất tái định cư đến nay đã gần 17 năm, nhưng hiện ông vẫn không thấy có công viên hay khu vực trồng cây xanh nào trên phần đất đã được quy hoạch như cán bộ phường thông tin trước đó.

“Ngay cạnh gia đình tôi hiện còn một khu đất công cộng rộng hơn 800 m2 . Mong muốn và suy nghĩ của chúng tôi chắc sẽ được nhà nước sử dụng diện tích này để xây dựng công viên, khu vui chơi cho Nhân dân vì trước đó những khu đất có quy hoạch trong khu đô thị đã bị điều chỉnh sang mục đích khác.

Nhưng hiện khu đất này đang được chính quyền lấy ý kiến người dân về việc giao đất để xây trường mầm non. Nếu là sự thật thì quá bất cập. Vì trong 1 khu phố tại 1 khu đô thị, những diện tích đất công cộng đều được bàn giao cho tư nhân để xây dựng 2 trường mầm non ngay sát cạnh nhau liệu có hợp lý không ?”, ông Sơn bức xúc.

Tìm quỹ đất để thay thế diện tích đất công cộng đã điều chỉnh

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Quảng Trị, Dự án Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 do Ban Quản lý cơ sở hạ tầng tỉnh (nay là Trung tâm Phát triển quỹ đất Quảng Trị) lập quy hoạch chi tiết vào năm 2002. Theo bản đồ quy hoạch được vẽ bằng tay lưu tại Sở Xây dựng, phần diện tích đất tại Khu phố 1, phường Đông Lương hiện đã xây dựng Trường Mầm non Hoa Phượng, Sở Nội Vụ, Sở Ngoại vụ, Thư viện tỉnh… trước đây quy hoạch là đất công cộng.

Thời điểm đó, chính quyền TP. Đông Hà đã có ý kiến phản đối việc chuyển đổi diện tích đất công cộng ở Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 để xây dựng các công trình nói trên và yêu cầu giữ lại đất công cộng như đã quy hoạch ban đầu. Tuy nhiên, sau đó diện tích đất này vẫn được tiến hành chuyển đổi với lý do cơ quan chức năng đưa ra: quan điểm đất công cộng cũng có thể dùng xây dựng trường mầm non hay trụ sở cơ quan nhà nước, tất cả đều phục vụ cho người dân. Điều đáng nói là quá trình điều chỉnh, cơ quan chức năng tỉnh đã không lấy ý kiến của người dân ở khu dân cư, dẫn đến gây bức xúc trong Nhân dân.

Liên quan vấn đề nhiều diện tích đã quy hoạch đất công cộng trong khu đô thị bị điều chỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thanh Hải thừa nhận việc điều chỉnh quy hoạch những năm về trước thường xuyên xảy ra và quá trình điều chỉnh nhiều khi không lấy ý kiến tham vấn cộng đồng, điều này một phần do công tác quản lý quy hoạch trước đây chưa thực sự chặt chẽ.

“Đối với việc điều chỉnh quy hoạch tại Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1 đã gây ra nhiều bức xúc trong Nhân dân, việc này trách nhiệm công tác quản lý quy hoạch là có, vì còn nhiều bất cập. Tuy vậy, giờ mà phân tích vấn đề này ra thì mọi chuyện cũng đã xảy ra rồi. Các công trình cũng đã được đầu tư xây dựng bằng vốn nhà nước và làm rõ vấn đề để xử lý chưa hẳn đã là phương án tối ưu và hợp lý”, ông Hải chia sẻ.

Cũng theo ông Hải, để hạn chế tình trạng điều chỉnh quy hoạch đất công cộng trong khu đô thị, quan điểm của Sở Xây dựng là đối với các khu đô thị mới, cần phải giữ nguyên các quy hoạch về đất công cộng. Trừ trường hợp tại những diện tích quy hoạch đó xuất hiện các dự án, công trình có thể tạo động lực giúp đóng góp lớn cho sự phát triển chung của tỉnh thì cần xem xét điều chỉnh. Nhưng đã điều chỉnh thì buộc phải bù lại quỹ đất cho khu dân cư.

Riêng đối với diện tích đất công cộng tại Khu đô thị Nam Đông Hà giai đoạn 1, thời gian tới, căn cứ công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của TP. Đông Hà, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu địa phương rà soát, tìm kiếm quỹ đất để thay thế diện tích trước đó đã điều chỉnh nhằm bù lại cho người dân ở khu đô thị này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tăng tốc xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh ở Đông Hà

Anh Quân |

Thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, hiện nay thành phố Đông Hà  (Quảng Trị) đang đầu tư nhiều lĩnh vực để tăng tốc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng này.

Phụ nữ huyện Gio Linh chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Hoài An |

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Gio Linh (Quảng Trị) tập trung chỉ đạo các cấp hội chủ động triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” gắn kết chặt chẽ với 8 tiêu chí của CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo, tiêu biểu trong xây dựng NTM, nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Qua đó, huy động sức mạnh của toàn dân chung sức xây dựng NTM.

Quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, lấy con người làm trung tâm

PV |

Gặp mặt Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tầm quan trọng của quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị. Thực tế, 75% động lực phát triển trên thế giới là đến từ đô thị.

Lao Bảo, điểm sáng đô thị vùng biên giới Việt Nam-Lào

Thanh Hải |

Lao Bảo là đô thị cửa khẩu quốc tế về phía Việt Nam trên Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) nối Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương bằng đường bộ đi qua các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan, Myanma.