Phụ nữ huyện Gio Linh chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Hoài An |

Thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Gio Linh (Quảng Trị) tập trung chỉ đạo các cấp hội chủ động triển khai thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” gắn kết chặt chẽ với 8 tiêu chí của CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, sáng tạo, tiêu biểu trong xây dựng NTM, nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội. Qua đó, huy động sức mạnh của toàn dân chung sức xây dựng NTM.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Gio Linh Trần Thị Long cho biết, hằng năm, Hội LHPN huyện chỉ đạo các cấp hội khảo sát, xác định các tiêu chí ưu tiên để tập trung chỉ đạo, chọn lựa nội dung, phần việc cụ thể đăng ký với Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng NTM cùng cấp bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Đối với cấp huyện, Hội LHPN huyện đăng ký với BCĐ xây dựng NTM huyện đỡ đầu thôn Sông Ngân, xã Linh Trường từ năm 2021 - 2024, tập trung ưu tiên các nguồn lực, huy động sự góp sức của cán bộ, hội viên phụ nữ trong toàn huyện cùng chung tay giúp đỡ thôn Sông Ngân thực hiện các tiêu chí chưa đạt bằng những hoạt động, việc làm thiết thực, cụ thể, góp phần cùng xã Linh Trường đạt chuẩn NTM vào năm 2024.

Phụ nữ huyện Gio Linh tham gia trồng cây xanh, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường - Ảnh: HA
Phụ nữ huyện Gio Linh tham gia trồng cây xanh, góp phần tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường - Ảnh: HA

Trên tinh thần đó, Hội LHPN huyện đã tổ chức trồng cây xanh, trao tặng thiết bị cho hội trường thôn Sông Ngân với tổng trị giá 20 triệu đồng; phát động ủng hộ và tổ chức bàn giao công trình “Ánh sáng đường quê” trị giá 28 triệu đồng; phối hợp với Ban nữ công LĐLĐ huyện, Hội phụ nữ xã Gio An tặng 4 công trình nhà tiêu vệ sinh, trị giá 12 triệu đồng cho phụ nữ thôn Sông Ngân gặp hoàn cảnh khó khăn…

Một trong các hoạt động thể hiện vai trò nòng cốt của các cấp hội phụ nữ trong tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh đó là phong trào “3 sạch” thông qua các mô hình: “Làng quê an toàn”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Ngôi nhà xanh”; “Đường hoa em chăm”, “Tuyến đường phụ nữ tự quản”; các mô hình “Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nilon”, “Phân loại và xử lý rác thải tại nhà”… đã từng bước làm thay đổi tích cực về diện mạo nông thôn, giúp mỗi người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung sức xây dựng NTM.

Trong năm 2023, Hội LHPN huyện phối hợp với xã Linh Hải tổ chức ra mắt mô hình “Phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình”; truyền thông hướng dẫn kỹ năng phân loại xử lý rác thải tại nhà; trao tặng 130 giỏ đựng rác cho 130 hộ nghèo, hộ cận nghèo, với kinh phí gần 20 triệu đồng. Các cấp hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, thu gom rác thải, hạn chế rác thải nhựa, vệ sinh đường làng, ngõ xóm… thu hút hàng ngàn lượt hội viên tham gia.

Vận động hội viên phụ nữ nhân rộng mô hình “Ngôi nhà xanh-thu gom ve chai gây quỹ”, đến nay có 13 mô hình hoạt động hiệu quả. Một số đơn vị phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát động và hướng dẫn phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, với 1.350 hội viên tham gia; tặng 310 giỏ đựng rác cho người nghèo, tổng trị giá hơn 15 triệu đồng.

Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế được các cấp hội đầu tư thực hiện, thông qua việc tín chấp, phối hợp với các ngân hàng tạo nguồn vốn cho chị em đầu tư sản xuất, kinh doanh; xây dựng các mô hình kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức các hoạt động kết nối, giới thiệu quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng của các địa phương thông qua các hội chợ quê, xây dựng gian hàng, tham gia sản phẩm tại các hội chợ xúc tiến thương mại và tại các sự kiện lớn của tỉnh.

Động viên, hỗ trợ, khuyến khích chị em tích cực chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi mô hình kinh doanh, dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao mức thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo của huyện. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo xây dựng mới 17 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. Đến nay có 235 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm/mô hình.

Các cấp hội cũng đã xây dựng các mô hình phù hợp với lứa tuổi, ngành nghề, sở thích của chị em như: CLB “Gia đình hạnh phúc”, “Quản lý, giáo dục con em và người thân không vi phạm pháp luật tệ nạn xã hội”, “Phụ nữ tiểu thương văn minh lịch sự nói không với thực phẩm bẩn”; “Phụ nữ với ATGT”, CLB Dân vũ thể thao...

Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, kết nối tổ chức hiệu quả các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, nhân đạo từ thiện; hỗ trợ Nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; đảm bảo các vấn đề an sinh xã hội thông qua chương trình “Mẹ đỡ đầu - lan tỏa yêu thương”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, các mô hình kết nối yêu thương, giúp đỡ, đỡ đầu phụ nữ chủ hộ nghèo; xây tặng nhà tình nghĩa, mái ấm tình thương… đã khơi dậy và phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Những kết quả đạt được nổi bật trong việc phụ nữ chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của cán bộ, hội viên phụ nữ trong tiến trình xây dựng huyện Gio Linh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Nhiều lợi ích từ phát triển diện tích trồng cây mắc ca

Lê An |

Sử dụng cây mắc ca theo phương thức trồng phân tán, làm cây che bóng, làm đường bao chắn gió đang mang lại nhiều lợi ích cho người trồng cà phê tại huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Trồng cây Bồ Đề có tuổi thọ cao nhất thế giới tại chùa Bái Đính

PV |

Ngày 25/3, tại chùa Bái Đính (xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình tổ chức lễ đón nhánh cây Bồ đề từ Sri Lanka về trồng tại chùa.

Hiệu quả từ việc trồng cây đót của người dân vùng cao

Nam Phương |

Nhận thấy những giá trị kinh tế mà cây đót mang lại, nên thay vì phải vất vả lên rừng lấy đót mang về bán cho các thương lái như trước đây, một số người dân tại xã Thanh, huyện miền núi Hướng Hóa đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trồng sắn kém hiệu quả sang trồng cây đót. Việc đưa một loại cây rừng, vốn chỉ mọc trong tự nhiên trở thành một loại cây trồng lâu năm được xem là hướng đi mới, góp phần mang lại thu nhập ổn định cho người dân nơi miền Tây Quảng Trị.

Kỳ vọng từ trồng cây trẩu lấy dầu

Lê An |

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 2.950 ha rừng trẩu, tập trung chủ yếu ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Đây là loại cây đa tác dụng, vừa sinh trưởng nhanh, vừa có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao. Việc phát triển cây trẩu trở thành cây trồng lâm nghiệp đang mở ra hy vọng mới, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân vùng cao.