Nhiều lợi ích từ phát triển diện tích trồng cây mắc ca

Lê An |

Sử dụng cây mắc ca theo phương thức trồng phân tán, làm cây che bóng, làm đường bao chắn gió đang mang lại nhiều lợi ích cho người trồng cà phê tại huyện Hướng Hoá (Quảng Trị).

Bởi ngoài tác dụng chắn gió, điều hòa nhiệt độ, độ ẩm vào mùa khô, cây mắc ca còn mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Năm 2017, ông Hồ Văn Cường ở xã Hướng Phùng đưa vào trồng thử nghiệm gần 200 cây mắc ca trên diện tích 1,5 ha cà phê để vừa làm nhiệm vụ che bóng, chắn gió vừa mang lại hiệu quả kinh tế. Bước đầu do thiếu kinh nghiệm nên gần 40% cây bị chết, chỉ còn lại khoảng 120 cây. Sau gần 3 năm trồng và chăm sóc, cây mắc ca bắt đầu cho quả bói và hiện tại đã cho thu hoạch ổn định với năng suất bình quân khoảng 1,5 - 2 tạ quả khô/năm. Quả mắc ca được ông tự chế biến, đóng bao và bán ra thị trường với giá 200.000 đồng/kg, mang lại thu nhập gần 40 triệu đồng/năm.

Cây mắc ca còn được lựa chọn để cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập cho người dân ở Hướng Hóa -Ảnh: L.A
Cây mắc ca còn được lựa chọn để cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập cho người dân ở Hướng Hóa -Ảnh: L.A

Theo ông Cường, việc trồng xen cây mắc ca trong vườn cà phê không những đưa lại hiệu quả kinh tế, mà còn có tác dụng rất tốt trong việc điều hòa tiểu khí hậu vườn cây, hạn chế ảnh hưởng do gió lớn, mưa bão, tăng độ ẩm, giảm nhiệt độ. Qua đó giúp cây cà phê sinh trưởng tốt hơn. Đặc biệt, khác với các loại cây ăn quả khác, trồng cây mắc ca không phải lo về khâu tiêu thụ. Chỉ cần thu hoạch mắc ca, chế biến, đóng gói là có khách hàng đặt mua hết.

“Trồng mắc ca trong vườn cà phê mang lại lợi ích kép, cây chắn gió, tạo bóng nên cà phê ở tầng dưới ổn định, gió mạnh cũng không ảnh hưởng nhiều. Quả mắc ca lại có giá trị kinh tế cao, mang lại nguồn thu nhập khá. Hiện tại tôi đang tiến hành tái canh những diện tích cà phê già cỗi của mình. Trong đó tiếp tục trồng xen canh cây mắc ca để làm cây che bóng”, ông Cường khẳng định.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình, việc tạo hệ thống cây che bóng trong vườn cà phê sẽ giúp điều hòa khí hậu vườn cây, điều tiết sự ra hoa, đậu quả, giảm được bệnh khô cành cũng như cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng khả năng giữ nước, giữ phân cho đất.

Cây che bóng còn giúp kéo dài quá trình chín của quả, tăng độ axít và hàm lượng succrose trong hạt, những yếu tố quan trọng để hình thành các hợp chất thơm, giúp cải thiện phẩm chất của cà phê. Thực tế cho thấy, mật độ cây che bóng phù hợp sẽ tạo môi trường canh tác cà phê bền vững, giúp ổn định năng suất thu hoạch, hạn chế hiện tượng năm được mùa, năm mất mùa.

Ông Bình cho biết, nhằm khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; chủ động ứng dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Đồng thời, đánh giá năng suất, hiệu quả của cây mắc ca trên địa bàn để có kế hoạch đưa cây mắc ca vào quy hoạch, kế hoạch sản xuất giúp nông dân xóa đói giảm nghèo, huyện Hướng Hóa đã triển khai kế hoạch xây dựng mô hình trồng cây mắc ca theo phương thức trồng phân tán, làm cây che bóng, bờ bao xung quanh vườn cà phê nhằm giảm thiểu thiệt hại do gió bão, chắn gió, bão; trong khu vực vườn nhà để cải tạo vườn tạp, tăng thu nhập cho người dân.

Tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 450 triệu đồng. Địa điểm thực hiện dự kiến ở các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Húc, Ba Tầng và thị trấn Khe Sanh...

Theo kế hoạch, huyện sẽ hỗ trợ trồng phân tán 1.500 cây mắc ca trên diện tích 15 ha, tương đương 100 cây/ha. Thời gian thực hiện trong 3 năm, từ năm 2023 - 2025 (mỗi năm hỗ trợ thực hiện trồng 500 cây mắc ca trên diện tích 5 ha). Tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng cây mắc ca cho các hộ trong và ngoài mô hình tại các địa phương.

Đồng thời lựa chọn giống mắc ca có năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh hại, thích nghi với các tiểu vùng sinh thái. Cây giống được sản xuất từ các vườn ươm được cơ quan nhà nước kiểm duyệt và cấp giống đảm bảo quy định. Xây dựng mô hình mắc ca theo hướng nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm mắc ca chất lượng, an toàn. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối là hợp tác xã và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay thì việc trồng các loại cây chắn gió, che bóng cho vườn cà phê đang chứng tỏ là cách làm hiệu quả, mang lại lợi ích nhiều mặt cho nông dân, góp phần duy trì ổn định diện tích cà phê trên địa bàn huyện”, ông Bình khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Dự báo nắng hạn ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp

Tú Linh |

Nhằm triển khai sản xuất vụ hè thu 2023 đảm bảo kịp thời vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn được dự báo khắc nghiệt trong năm nay, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương động viên người dân tập trung các phương tiện máy móc làm đất, xuống giống. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG.

Đẩy mạnh canh tác lúa theo hướng nông nghiệp sạch ở Triệu Phong

Ngọc Trang |

Những năm trở lại đây, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chú trọng canh tác lúa theo hướng nông nghiệp sạch tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng.

Hướng Hóa: Hỗ trợ trồng phân tán 15 ha cây mắc ca

Nguyễn Đình Phục |

UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa ban hành kế hoạch hỗ trợ xây dựng mô hình trồng cây mắc ca phân tán làm cây che bóng, làm đường bao chắn gió và cải tạo vườn tạp trên địa bàn huyện Hướng Hóa giai đoạn 2023 - 2025.

Hội thảo tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca

Anh Vũ |

Ngày 21/9, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam phối hợp huyện Cam Lộ, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tổ chức hội thảo tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mắc ca cho cán bộ và nông dân chủ chốt trên địa bàn.