Nhằm triển khai sản xuất vụ hè thu 2023 đảm bảo kịp thời vụ, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết nắng hạn được dự báo khắc nghiệt trong năm nay, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, phối hợp với các địa phương động viên người dân tập trung các phương tiện máy móc làm đất, xuống giống. Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG.
-Thưa bà! Bước vào vụ hè thu năm 2023, tình hình biến đổi khí hậu gây ra nắng hạn được dự báo ảnh hưởng như thế nào đối với kế hoạch sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh?
-Theo báo cáo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70 - 80%. Ở Quảng Trị, lượng mưa tháng 3 và tháng 4/2023 chỉ đạt từ 10 - 70% trung bình nhiều năm (TBNN) cùng kỳ. Lượng dòng chảy trên các sông suối và hồ chứa giảm thấp. Cụ thể từ tháng 1-4/2023, lượng dòng chảy thượng lưu sông Bến Hải tại trạm thủy văn Gia Vòng phổ biến đạt từ 20,2- 60,4% so với TBNN cùng kỳ. Dự báo nền nhiệt độ các tháng đến trong năm 2023 có xu hướng cao hơn TBNN, nắng nóng có khả năng xảy ra nhiều hơn và gay gắt hơn, số ngày nắng nóng trong năm 2023 xuất hiện nhiều hơn so với năm 2022. Với các nhận định tác động đến khí tượng, thủy văn của hiện tượng El Nino như trên, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn có nguy cơ xảy ra trong thời gian tới và kéo dài qua năm 2024.
Với tình hình thời tiết được dự báo nắng hạn sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch sản xuất nông nghiệp. Trước mắt, vụ hè thu 2023 dự báo có gần 1.000 ha lúa có khả năng thiếu hụt nước vào giai đoạn giữa và cuối vụ do nắng nóng, nhiệt độ cao làm bốc hơi nhanh nguồn nước tại các hồ thủy lợi cũng như lượng nước được tưới trên đồng ruộng. Ngoài ra, nắng nóng, khô hạn cũng làm trễ thời vụ gieo cấy, chăm sóc, dẫn đến thời vụ thu hoạch cũng muộn hơn, nguy cơ ảnh hưởng do mưa lũ cuối vụ là rất lớn.
-Trước tình hình dự báo nắng hạn, bà có thể cho biết các giống lúa phù hợp được cơ cấu vào bộ giống lúa sản xuất hè thu nhằm đạt năng suất, sản lượng cao nhất?
-Để ứng phó với tình hình nắng hạn, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tập trung ứng dụng đồng bộ các giải pháp khoa học công nghệ nhằm ứng phó với diễn biến bất lợi của thời tiết. Trên cơ sở kinh nghiệm triển khai sản xuất từ những năm trước và thực tiễn sản xuất trên địa bàn, ngành đã chú trọng lựa chọn, khuyến cáo các địa phương đẩy mạnh cơ cấu các giống lúa ngắn ngày và cực ngắn theo thông báo lịch thời vụ và cơ cấu giống của Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành để đưa vào sản xuất.
Đặc biệt giống phải đạt các tiêu chuẩn về phẩm cấp theo quy định, tuyệt đối không sử dụng các giống lúa đã thoái hóa, cảm nhiễm với sâu bệnh hại, thóc thịt làm giống. Ưu tiên sử dụng các giống có khả năng chịu hạn để tiết kiệm lượng nước tưới nhưng vẫn cho năng suất, sản lượng cao, như giống: HN6, ĐD2, Khang dân, Hà phát 3, An sinh 1399, BĐR57, Bắc thơm 7, ADI25, Hana số 7…-Vậy phương án sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu được ngành triển khai thực hiện trong vụ sản xuất hè thu 2023 này như thế nào, thưa bà?
-Xác định vụ hè thu 2023 và năm 2024, 2025 sẽ diễn ra nắng nóng, khô hạn, thiếu nước và xâm nhập mặn, nhất là đối với cây lúa. Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ động tham mưu xây dựng phương án sản xuất, ứng phó với nắng nóng, khô hạn giai đoạn 2023-2025 trình UBND tỉnh phê duyệt để có cơ sở thực hiện. Đối với vụ hè thu 2023, ngành tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, cụ thể như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình, các giải pháp ứng phó với khô hạn và xâm nhập mặn; tình hình dự tính, dự báo về dịch bệnh, nguồn nước, diễn biến khí hậu thời tiết để người dân chủ động thích ứng.
Thứ hai, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Phương án 6745/PA-UBND về tổ chức sản xuất năm 2023 và Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh về việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn tỉnh Quảng Trị. Chủ động áp dụng đồng bộ các giải pháp nhằm tổ chức sản xuất đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch ngành năm 2023.
Thứ ba, phát động toàn dân ra quân làm thủy lợi ngay từ đầu vụ hè thu, thường xuyên nạo vét kênh, mương, khơi thông dòng chảy. Tận dụng mọi nguồn nước hiện có để đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo cấy vụ hè thu đảm bảo lịch thời vụ. Theo dõi, cập nhật dự báo khí tượng, thủy văn, quan trắc để có giải pháp ứng phó, chỉ đạo kịp thời trong sản xuất nông lâm thủy sản. Có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, ưu tiên nguồn nước cho các giai đoạn sinh trưởng, phát triển nhạy cảm của cây trồng trong vụ hè thu năm 2023. Tăng cường sử dụng nguồn nước tại các sông suối lớn có lưu vực để phục vụ cho công tác chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra.
Thứ tư, tập trung chỉ đạo chuyển đổi hiệu quả 316 ha lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn phù hợp có giá trị kinh tế như: dưa hấu, ngô, đậu xanh... Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng sử dụng giống mới, ngắn ngày, chất lượng cao, kháng sâu bệnh vào sản xuất theo hướng cánh đồng lớn cùng một giống, một quy trình để xuống giống đồng loạt, giảm chi phí trong làm đất, tưới tiêu, chăm sóc và thu hoạch, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác.
Thứ năm, tăng cường tổ chức thực hiện ứng dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn (nông - lộ - phơi, ướt khô xen kẽ, phun mưa, nhỏ giọt...). Chủ động các phương án dự trữ nước, che tủ gốc... để chống hạn cho các cây công nghiệp dài ngày như: hồ tiêu, cà phê và các loại cây ăn quả. Ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt đối với cây lúa giai đoạn làm đòng, trổ bông và cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, tăng cường sử dụng các loại phân bón hữu cơ vào sản xuất, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng các loại phân bón qua lá chuyên dùng, đặc biệt ứng dụng chuyển đổi số (thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ cỏ, sâu bệnh, phân bón...) nhằm mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Khuyến cáo người trồng rau các loại nên sử dụng các vật liệu chống nắng như: phủ rơm, rạ, trấu trên mặt ruộng, làm giàn lưới che, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm (tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa...).
Thứ bảy, cử cán bộ tăng cường bám sát cơ sở, điều tra dự tính dự báo, kịp thời phát hiện dịch bệnh khi mới phát sinh để triển khai các biện pháp bao vây, khống chế, dập dịch hiệu quả. Triển khai thực hiện các biện pháp tổng hợp để nâng cao sức khỏe cây trồng, tăng sức đề kháng của cây trồng, ứng phó với thời tiết bất thuận và sâu bệnh (IPHM, ICM, 1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng...); đảm bảo an toàn trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
-Bà có thể cho biết với nội ngành chăn nuôi, phương án thích ứng biến đổi khí hậu được thực hiện như thế nào?
-Nội ngành chăn nuôi có vai trò rất quan trọng với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh. Vì vậy, sở đã có hướng dẫn người chăn nuôi chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch chăn nuôi phù hợp, có biện pháp chăm sóc chu đáo đàn vật nuôi thích ứng với điều kiện thời tiết. Áp dụng chăn nuôi theo quy trình tiết kiệm nước, cải tạo, sửa chữa chuồng trại để chống nắng, chống nóng nhằm giảm nhu cầu sử dụng nước của vật nuôi. Nếu có điều kiện nên bố trí quạt thông gió, lắp đặt hệ thống phun sương để làm mát chuồng trại trong thời điểm nắng nóng; bố trí đủ quạt điện, tránh tăng độ ẩm trong chuồng nuôi.
Người dân, doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản cần tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chuyên môn về khung lịch thời vụ thả giống. Thực hiện tốt các biện pháp phòng chống nắng nóng và dịch bệnh; chuẩn bị ao/bể chứa, hệ thống giếng khoan để tích trữ nước và cấp vào ao nuôi khi cần. Gia cố bờ ao, đáy ao để tránh rò rỉ, mất nước. Dùng lưới che nắng đối với ao nuôi có điều kiện, thả bèo tây, bèo tấm khoảng 1/3 diện tích ao nuôi nước ngọt để giảm hiện tượng bốc hơi nước trong ao nuôi.
Cuối cùng, đối với sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt như Quảng Trị rất cần tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi hữu cơ, tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để quay vòng sản xuất nhằm giảm chi phí đầu tư, đảm bảo thời vụ, góp phần giảm tổn thất do thiên tai, dịch bệnh gây ra.
-Xin cảm ơn bà!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)