Với mục đích hỗ trợ tối đa để phát triển doanh nghiệp, hôm nay 5/10/2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Trị tổ chức “Ngày hội tư vấn thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam” nhằm hướng dẫn, tư vấn trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp về quy định pháp luật, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đầu tư; giải đáp thắc mắc về hồ sơ, trình tự thủ tục và các quy định cần phải chấp hành; đồng thời tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, ghi nhận những góp ý, sáng kiến, đề xuất của người dân trong cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Trước đó vào giữa tháng 9/2024, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với sự tham gia của 500 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hội nghị là dịp để UBND tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trao đổi, qua đó nắm bắt, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh; đồng thời tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của doanh nghiệp trong triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế, chính sách mới nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Cùng mục đích như Hội nghị đối thoại doanh nghiệp, nhưng để thoát ra khỏi không gian trang trọng và thủ tục lễ tân của nghị trường; tạo sự gần gũi, cởi mở, thân tình trong gặp gỡ, chia sẻ, tương tác hai chiều, UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh chủ trì tổ chức hoạt động “Cà phê doanh nhân” năm 2024. Cà phê doanh nhân là hoạt động “công vụ”, được bố trí kinh phí thực hiện và tổ chức định kỳ vào sáng thứ Ba hằng tuần.
Không chỉ ở cấp tỉnh mà cấp huyện cũng rất quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử như huyện Vĩnh Linh, ngày 29/9/2024 huyện đã tổ chức Hội nghị đối thoại với 300 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm kịp thời có các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Dẫn ra vài sự việc gần đây để thấy rằng doanh nghiệp đang thực sự được Đảng, chính quyền, các cấp các ngành rất quan tâm, hỗ trợ phát triển. Vậy vì sao?
Có thể thấy rằng, trong các thành tố xã hội, lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò hết sức quan trọng. Bởi, ngoài tài nguyên khoáng sản sẵn có trong tự nhiên, phần lớn của cải vật chất - điều kiện tiên quyết thúc đẩy xã hội phát triển là do lực lượng này trực tiếp tạo ra. Nhưng để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì phải có sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền. Đó là xây dựng hành lang pháp lý, ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, thực hiện tốt thủ tục hành chính, định hướng thị trường, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp...
Vậy nhưng trước đây, trong một số trường hợp còn tồn tại tư duy quản lý cứng nhắc, “con có khóc thì mẹ mới cho bú”, doanh nghiệp muốn phát triển thì chủ động tìm đến chính quyền. Cho nên, các thông tin chính quyền có được thường từ báo cáo, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp hoặc qua kênh báo chí phản ánh, tức là từ sự chủ động của doanh nghiệp.
Lối tư duy đó nay đã thay đổi nhiều. Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước thì chính quyền phải “phục vụ” tốt doanh nghiệp, người dân. Muốn làm “tròn vai”, trước tiên chính quyền phải chủ động tiếp cận để biết doanh nghiệp hiện đang cần gì, thiếu gì, vướng mắc ở đâu... để “phục vụ”. Tức chính quyền “cần” doanh nghiệp, chứ không chỉ doanh nghiệp “cần” chính quyền. Thế mới đúng logic, bởi mục đích cuối cùng của chính quyền là nhằm xây dựng xã hội phát triển bền vững, mà doanh nghiệp lại có vai trò đặc biệt quan trọng trong vấn đề này. Vậy nên, những diễn đàn như Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hoạt động Cà phê doanh nhân hay Ngày hội tư vấn thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh và đầu tư nói trên là không ngoài mục đích đó.
Có nhiều cách để tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp và mỗi cách đều có ưu điểm của nó. Muốn biết nhiều thông tin về doanh nghiệp thì hãy tạo ra nhiều diễn đàn tương tác với doanh nghiệp. Và cũng nên theo hướng “gần dân”, giảm bớt nghị trường nếu hình thức khác thay thế được. Như qua cổng thông tin điện tử, mạng xã hội, đường dây nóng, các diễn đàn dân dã khác, hoặc cao hơn nữa là trực tiếp đến từng doanh nghiệp để tìm hiểu, lắng nghe, tiếp nhận, xử lý.
Bởi, khác với không khí trang trọng tại hội trường, ở những diễn đàn này sẽ tạo được không gian gần gũi, thân thiện, thoải mái, cùng với việc tiết kiệm thời gian, chi phí là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân mạnh dạn chia sẻ, giải bày. Từ đó, chính quyền biết được nhiều vấn đề thực tiễn đang đòi hỏi để giải quyết, sẽ hiệu quả hơn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)