Xây dựng, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng

Bảo Bình |

 

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là việc xác định và theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất, chế biến, phân phối của một sản phẩm, hàng hóa từ khi sản xuất cho đến trước khi đến tay người tiêu dùng. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu, đồng thời giúp người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi khi mua sắm. Tuy nhiên hiện nay, việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn nhiều hạn chế và gặp không ít khó khăn.

 

Từ tháng 2 - 7/2024, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị triển khai thực hiện khảo sát hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Bằng phương pháp thu thập thông tin qua các phiếu khảo sát và xử lý dữ liệu đối với 39 đơn vị sản xuất, kinh doanh nhóm tinh bột, cà phê, hồ tiêu, tinh dầu, gạo, cao thực vật, trà thực vật, nước mắm và sản phẩm nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh, ngành chức năng đã có những đánh giá khách quan về thực trạng triển khai truy xuất nguồn gốc hiện nay.

Có 4 tiêu chí mà các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm được khảo sát gồm: sản xuất, trồng trọt, cung cấp nguyên liệu; chế biến, đóng gói; vận chuyển, kho bãi; phân phối, kinh doanh, đại lý, cơ sở bán lẻ.

Theo đó, trong số 39 đơn vị được khảo sát, có 5 đơn vị tham gia vào 1 trong 4 chuỗi cung ứng, 17 đơn vị tham gia vào 2 chuỗi cung ứng, 10 đơn vị tham gia vào 3 chuỗi cung ứng và 7 đơn vị tham gia vào cả 4 chuỗi cung ứng. 23/39 đơn vị đã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, bao gồm VietGAP, ISO 9001; ISO 22000; HACCP; ISO 14001; ISO 45001.

25/39 đơn vị đã sử dụng mã số mã vạch, chiếm 64,1%; còn lại 14 đơn vị chưa có hoặc chưa quan tâm đến việc áp dụng mã số mã vạch. Có 23/39 đơn vị nhận biết, rất quan tâm đến truy xuất nguồn gốc, sử dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc và cho biết truy xuất nguồn gốc là cần thiết. Các loại tem truy xuất nguồn gốc chủ yếu là tem QR cố định, tem QR biến đổi, tự in tem và dán lên sản phẩm, hàng hóa qua phần mềm quản lý truy xuất nguồn gốc và dán tem do đơn vị dịch vụ cung cấp và kích hoạt tem.

Cùng với việc đăng ký mã số, mã vạch hiển thị website trên bao bì để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất, một số đơn vị đã đưa ra giải pháp xác thực và truy tìm nguồn gốc sản phẩm thông qua việc xây dựng và áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Qua khảo sát các tổ chức, cá nhân đã nhận thấy hiệu quả của việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn đang còn gặp khó khăn, vướng mắc như: chưa được hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa đầy đủ về xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, chưa có hệ thống thông tin về truy xuất nguồn gốc để doanh nghiệp kết nối, khó khăn trong liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các bên trong chuỗi cung ứng, tốn kinh phí thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao.

Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân là tem truy xuất chưa chuẩn hóa về nội dung và hình thức, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc chưa được thực hiện thống nhất, bài bản và có hệ thống. Các doanh nghiệp của tỉnh chưa nhận thức đầy đủ, chưa có kiến thức, năng lực và các điều kiện khác để áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Thực hiện truy xuất mới chỉ là mã nội bộ, chưa có tính mở để kết nối với bên ngoài, chưa quy định về trách nhiệm cụ thể của các bên liên quan. Thông tin truy xuất công bố chưa đầy đủ trong toàn chuỗi, không có hệ thống định danh chung cho sản phẩm, tác nhân và vùng sản xuất, thông tin chưa minh bạch và chưa được xác nhận của bên thứ ba, chưa kết nối đầy đủ với quản lý nhà nước...

Ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc, trong đó giao Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia (thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Hiện tại, Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia đang trong quá trình thuê hạ tầng công nghệ thông tin và dự kiến vận hành chính thức trong quý III/2024.

Theo Thông tư 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, từ ngày 1/6/2024, dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa để phục vụ người tiêu dùng tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia bao gồm tối thiểu các thông tin sau: tên sản phẩm, hàng hóa; hình ảnh sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị sản xuất, kinh doanh; địa chỉ đơn vị sản xuất, kinh doanh; thời gian sản xuất, kinh doanh (thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra); thương hiệu; nhãn hiệu; mã ký hiệu; số sê-ri sản phẩm (nếu có) và thời hạn sử dụng của sản phẩm, hàng hóa (nếu có).

Như vậy, để tạo sự chuyển biến cho hoạt động truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh trong xu thế hội nhập và cạnh tranh, đặc biệt đáp ứng các yêu cầu khi Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hoá quốc gia đi vào vận hành chính thức tới đây, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chuỗi cung ứng cần triển khai đồng bộ các giải pháp.

Trong đó, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm quản lý, kết nối vào hệ thống công nghệ thông tin của tỉnh và Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Xây dựng danh mục sản phẩm, hàng hóa chủ lực, đặc trưng, tiềm năng, sản phẩm OCOP của tỉnh thuộc lĩnh lực ngành quản lý để triển khai truy xuất nguồn gốc gắn theo chuỗi giá trị, đảm bảo phù hợp với đặc thù của tỉnh. Chuẩn hóa thông tin truy xuất và tiến tới đồng bộ cơ sở dữ liệu, tăng khả năng tương tác, tăng tính minh bạch.

Nâng cao năng lực áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các tổ chức hỗ trợ thương mại và các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý. Áp dụng mã hồ sơ để định danh sản phẩm, xây dựng hệ thống định danh hộ, đơn vị sản xuất, áp dụng mã đơn vị hành chính định danh vùng sản xuất gắn liền với xúc tiến thương mại và các dịch vụ hỗ trợ khác.

Đồng thời, các địa phương tăng cường phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh việc hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP trên địa bàn để xây dựng, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đáp ứng các yêu cầu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Triệu Phong đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Tuấn Quang |

Huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có diện tích đất tự nhiên trên 35.000 ha nên rất thuận lợi trong việc phát triển chăn nuôi. Thời gian qua, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020- 2025, cấp ủy, chính quyền huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tái đàn, khôi phục tổng đàn chăn nuôi, đồng thời khuyến khích chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, chăn nuôi trang trại có sự liên kết các yếu tố đầu vào, đầu ra cũng như quy hoạch vùng chăn nuôi xa khu dân cư nhằm bảo vệ môi trường.

Triệu Phong triển khai chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa

N.V |

Nhận thấy tình trạng nông dân sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp phân tán, manh mún, hiệu quả chưa cao, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) xây dựng Đề án “Tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện giai đoạn 2024- 2026, định hướng đến năm 2030” để giải quyết thực trạng này. Theo đề án, năm 2024, huyện Triệu Phong thực hiện 7 mô hình tại các xã: Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Hòa, Triệu Tài, Triệu Thuận, Triệu Trung, Triệu Phước; năm 2025 phát triển thêm 14 mô hình (mỗi xã 1 mô hình); năm 2026 phát triển thêm 28 mô hình (mỗi xã thêm 2 mô hình); năm 2030 phấn đấu toàn huyện thực hiện khoảng 110 mô hình (bình quân mỗi xã 8 mô hình).

Hình thành trung tâm logistics để hàng hóa từ các tỉnh nam Lào về cảng biển Việt Nam thuận lợi

PV |

ĐINH VĂN ĐƯƠNG, Giám đốc Ban Hành chính-Nhân sự Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn

Hợp tác với Saigon Co.op phát triển điểm bán mới và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của Quảng Trị

Lê An |

Ngày 5/3, Sở Công thương Quảng Trị và Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) tổ chức lễ ký kết ghi nhớ hợp tác phát triển điểm bán mới và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Trị. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng tham dự.