Nhận thấy tình trạng nông dân sản xuất trên diện tích đất nông nghiệp phân tán, manh mún, hiệu quả chưa cao, UBND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) xây dựng Đề án “Tập trung, tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa, liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn huyện giai đoạn 2024- 2026, định hướng đến năm 2030” để giải quyết thực trạng này. Theo đề án, năm 2024, huyện Triệu Phong thực hiện 7 mô hình tại các xã: Triệu Đại, Triệu Độ, Triệu Hòa, Triệu Tài, Triệu Thuận, Triệu Trung, Triệu Phước; năm 2025 phát triển thêm 14 mô hình (mỗi xã 1 mô hình); năm 2026 phát triển thêm 28 mô hình (mỗi xã thêm 2 mô hình); năm 2030 phấn đấu toàn huyện thực hiện khoảng 110 mô hình (bình quân mỗi xã 8 mô hình).
Đối tượng, phạm vi thực hiện đề án là cơ quan nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thực hiện nhiệm vụ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai; tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất hàng hóa có quy mô lớn. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2024 - 2026, định hướng đến năm 2030.
Đề án đưa ra nguyên tắc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp nhằm đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà nước, người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân liên quan. Theo đó, khuyến khích chuyển đổi đất nông nghiệp giữa các hộ dân ở nhiều vị trí khác nhau thành ô, thửa lớn tập trung tại một vị trí có quy mô diện tích lớn hơn tổ chức sản xuất cũng như cho thuê quyền sử dụng đất để tập trung, tích tụ ruộng đất.
Đối với hình thức tập trung ruộng đất thông qua dồn điền đổi thửa, tùy theo điều kiện địa phương, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác xây dựng phương án trình UBND xã phê duyệt để tổ chức thực hiện. Việc dồn điền đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, di dời mồ mả trên đồng ruộng, đảm bảo mỗi hộ sử dụng không quá 2 thửa.
Đối với hình thức cho thuê quyền sử dụng đất phải có phương án/dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp từ 3 năm trở lên, được xác nhận của cấp có thẩm quyền. Khu vực tập trung, tích tụ ruộng đất phải phù hợp với quy hoạch của các cấp về phát triển KT-XH, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, không trùng hợp với quy hoạch đô thị, công nghiệp, hạ tầng khác.
Đề án quy định, quy mô tập trung, tích tụ đất tối thiểu 3 ha/mô hình, thời gian hợp đồng tập trung đất đai để sản xuất tối thiểu từ 10 năm và không quá thời hạn nhà nước đã giao đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Đối với hình thức góp quyền sử dụng đất phải thành lập tổ hợp tác hoặc nhóm hộ được chính quyền địa phương xác nhận, đồng thời phương án/dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp từ 3 năm trở lên, được xác nhận của cấp có thẩm quyền. Khu vực tập trung, tích tụ ruộng đất phải phù hợp với quy hoạch của các cấp từ huyện đến xã về phát triển KT-XH, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, không trùng với quy hoạch đô thị, công nghiệp, hạ tầng khác. Quy mô tập trung, tích tụ đất tối thiểu 10 ha/mô hình. Đối với hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy mô, điều kiện theo quy định của pháp luật.
Đề án cũng quy định đối với hình thức tập trung ruộng đất thông qua dồn điền đổi thửa, nhà nước hỗ trợ chi phí đo đạc, cắm mốc ranh giới, chỉnh lý biến động, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận sau dồn điền đổi thửa, hỗ trợ chi phí san lấp, chỉnh trang đồng ruộng, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha và hỗ trợ cất bốc mồ mả, mức hỗ trợ 2-5 triệu đồng/ngôi (tuỳ theo quy mô, kích thước của từng ngôi).
Đối với hình thức cho thuê quyền sử dụng đất, hỗ trợ người cho thuê đất, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha (chỉ hỗ trợ 1 lần). Đối với hình thức góp quyền sử dụng đất, hỗ trợ theo Nghị quyết số 162 ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022- 2026, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 32 ngày 28/7/2022 của HĐND huyện Triệu Phong về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ phát triển một số mô hình cây trồng, con nuôi trên địa bàn huyện Triệu Phong giai đoạn 2022- 2026. Nếu cùng một mô hình mà thực hiện nhiều nội dung thì được hưởng tất cả các chính sách có trong đề án.
Để thực hiện có hiệu quả, đề án cũng đưa ra nhiều giải pháp như tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ huyện đến cơ sở, xem việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ tập trung, tích tụ ruộng đất hình thành vùng sản xuất hàng hóa, sản xuất hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp tại các địa phương là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các phòng, ban chuyên môn, đoàn thể chính trị tăng cường chỉ đạo tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã để tổ chức thực hiện đề án.
UBND huyện giao chỉ tiêu và gắn trách nhiệm cho lãnh đạo đảng ủy, chính quyền xã, thị trấn trong việc thực hiện kế hoạch tập trung, tích tụ ruộng đất hình thành vùng sản xuất hàng hóa hữu cơ, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương bám sát Quy hoạch xây dựng vùng huyện Triệu Phong đến năm 2040, định hướng đến năm 2050 rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành để định hướng và tạo điều kiện thuận lợi hơn khi thực hiện tập trung, tích tụ ruộng đất như quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch ngành nghề nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành khác. Trên cơ sở đó, tập trung phát triển cây lúa gắn với các vùng sản xuất tập trung, thâm canh cao nhằm tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cùng với đó, ưu tiên đầu tư phát triển khoa học công nghệ và nhân rộng áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cũng như chú trọng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho nông dân. Ưu tiên hỗ trợ nâng cao năng lực cho hợp tác xã, tổ hợp tác về cách thức tổ chức, quản trị sản xuất, khoa học kỹ thuật nông nghiệp, nghiên cứu thị trường, phát triển kinh doanh, tháo gỡ vướng mắc, xử lý tranh chấp, khiếu nại cũng như lựa chọn công nghệ tiên tiến, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện để nghiên cứu, áp dụng rộng rãi vào sản xuất. Nhân rộng, phát triển sản xuất hữu cơ, theo hướng hữu cơ, VietGAP, tăng cường công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản.
Mặt khác, tập trung thu hút doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn liên kết, hợp tác đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp, qua đó ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững cho người sản xuất, phấn đấu tăng hiệu quả từ 1,2- 1,5 lần trở lên như một số mô hình sản xuất điển hình hiện nay trên địa bàn huyện.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)