Quảng Trị là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và thủy điện. Đây chính là nguồn năng lượng thiên nhiên vô tận để Quảng Trị tập trung khai thác nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện nay tỉnh Quảng Trị có 17 dự án điện gió đã được phê duyệt bổ sung vào quy hoạch với tổng công suất 608 MW. Trong đó có dự án Hướng Linh 2 đã vận hành thương mại vào đầu năm 2017 và dự án Hướng Linh 1 đã vận hành vào cuối năm 2019. Về điện mặt trời, Quảng Trị có 3 dự án đã được bổ sung quy hoạch với tổng công suất là 149,5 MWp.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã trình bổ sung 13 dự án điện mặt trời trên địa bàn với tổng công suất 894,95 MWp, gồm: Gio Mỹ công suất 50 MWp, Vĩnh Tú công suất 50 MWp, Trúc Kinh công suất 50 MWp, Điện mặt trời nổi Ái Tử công suất 49,95 MWp, Hacom Quảng Trị công suất 50 MWp, Hải Dương - Hải Lăng công suất 80 MWp, LIG - Gio Linh 1,2,3, công suất 125 MWp, Mai Quang 1 công suất 50 MWp, Mai Quang 2 công suất 50 MWp, Điện mặt trời nổi La Ngà, công suất 90 MWp, Quảng Trị công suất 250 MWp.
Theo Bộ Công thương, dự kiến trong giai đoạn tới công suất của các dự án điện đã đầu tư và phê duyệt của tỉnh Quảng Trị sẽ lên đến gần 10.000 MW. Riêng quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Quảng Trị giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, tiềm năng phát triển điện gió của tỉnh có thể đạt tổng công suất 1.280 MW, tập trung ở các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Phùng của huyện Hướng Hóa; xã Hướng Hiệp của huyện Đakrông; các xã Gio Việt, Gio Hải (bao gồm Gio Thành và Gio Hải trước đây) của huyện Gio Linh; xã Vĩnh Tân (nay là thị trấn Cửa Tùng), khu vực ven biển của huyện Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để tỉnh huy động mọi nguồn lực, đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo, chọn điện làm “trụ cột” kinh tế, gia tăng nguồn thu ngân sách hằng năm cho địa phương, hướng đến xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng ở khu vực miền Trung.
Theo Giám đốc PC Quảng Trị Phan Văn Vĩnh, tình hình cung ứng điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được cấp từ các trạm biến áp (TBA) 220kV Đông Hà, Phong Điền và Đồng Hới thông qua 7 TBA 110kV với tổng công suất 295 MVA, công suất phụ tải cực đại khoảng 140MW. Hiện nay, các đơn vị thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang gấp rút đầu tư các công trình lưới điện phục vụ truyền tải các nguồn điện khu vực Tây Quảng Trị như: TBA 220kV Lao Bảo và đường dây 220kV Đông Hà - Lao Bảo; cải tạo nâng khả năng tải đường dây 110kV mạch kép Đông Hà - Lao Bảo. Tuy nhiên, tổng công suất các nguồn năng lượng tái tạo đã được bổ sung tại khu vực phía Tây tỉnh Quảng Trị đến nay là khoảng 1.300MW, vượt quá khả năng truyền tải các công trình hiện hữu và đang đầu tư theo quy hoạch. Vì vậy, EVN nhận thấy nhu cầu phát triển nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị rất lớn nên EVN đã nghiên cứu và kiến nghị Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch các công trình lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối, giải tỏa hết công suất cho các nguồn điện mới được bổ sung quy hoạch. Điều này cho thấy EVN chủ động sẵn sàng ngay từ bây giờ để tránh tình trạng không giải tỏa kịp thời các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh trong tương lai.
Tuy nhiên, hiện nay EVN đang gặp rất nhiều khó khăn tại các dự án lưới điện trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, nhiều dự án trọng điểm bị chậm trễ trong giải phóng mặt bằng nên ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Vì vậy, EVN đã đề xuất UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác đầu tư xây dựng các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Dự án đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo; dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi; dự án mở rộng TBA 220kV Đông Hà; dự án TBA 110 kV Mỹ Thủy và đấu nối; dự án cải tạo lưới điện trung hạ áp khu vực trung tâm huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Trị sử dụng vốn của KFW3.2. Riêng đối với 2 dự án đường dây 220 kV Đông Hà - Lao Bảo và đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi, nếu tỉnh Quảng Trị hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2020 thì EVN sẽ cam kết hoàn thành dự án trong tháng 6/2021 để giải tỏa hết công suất nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Để hoàn thành mục tiêu trước mắt cũng như đảm bảo tính bền vững về lâu dài thì UBND tỉnh Quảng Trị cần thành lập Ban Chỉ đạo phát triển điện lực tỉnh Quảng Trị. Trước mắt là tích cực phối hợp với nhà đầu tư phát triển nguồn điện gió trên địa bàn tỉnh, nắm bắt tiến độ các dự án để có sự chỉ đạo sâu sát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Cùng với đó, ban chỉ đạo sẽ tập trung chỉ đạo triển khai nhanh công tác giải phóng mặt bằng, kịp thời bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư và các dự án truyền tải giải tỏa nguồn điện theo đúng tiến độ.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng đánh giá cao sự vào cuộc kịp thời của EVN trong việc sẵn sàng phương án giải tỏa công suất các dự án nguồn điện. Nhưng vấn đề quan trọng nhất là đề nghị EVN và các đơn vị thành viên tiếp tục quan tâm hỗ trợ tỉnh Quảng Trị trong việc phát triển điện năng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, ủng hộ tỉnh trong điều chỉnh quy hoạch điện 7, quy hoạch điện 8… nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 đưa Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển trung bình cao, trong đó lấy điện năng làm trục phát triển trọng tâm. Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt công tác giải pháp mặt bằng, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tích cực hỗ trợ ngành điện hoàn thành đúng tiến độ các dự án đầu tư về truyền tải lưới điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)