Ngày 9/5, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chủ trì hội nghị phân tích, đánh giá chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số quản trị và hành chính công (PAPI) và chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị.
Nhiều chỉ số tụt bậc, giảm thứ hạng
Năm 2022, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp nâng cao các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI, công tác chỉ đạo, điều hành đã có những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực. Công tác cải cách tổ chức bộ máy cũng được tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện, đồng thời ghi nhận sự chuyển biến tích cực của công tác cải cách thể chế, cải cách tài chính công và triển khai thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Tỉnh đã tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận, hài lòng, thúc đẩy thành phần kinh tế tư nhân phát triển. Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch các thông tin, quy trình, thủ tục hành chính cho người dân biết để chung tay thực hiện; tôn trọng người dân, tạo điều kiện cho Nhân dân tham gia xây dựng chính quyền.
Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cắt giảm thời gian, thành phần hồ sơ các thủ tục hành chính (TTHC), đặc biệt là TTHC liên quan đến đầu tư, đất đai, đăng ký kinh doanh, cấp phép xây dựng. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã vận dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của ngành, địa phương; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ đề ra.
Năm 2022, chỉ số PAR INDEX của tỉnh đạt 82,70/100 điểm, chỉ số đạt 82,70%, xếp thứ 52/63 tỉnh/thành, tăng 1 bậc so với năm 2021 và thuộc nhóm B. Chỉ số SIPAS đạt 76,43%, xếp thứ 55/63 tỉnh/thành, giảm 9 bậc so với năm 2021.
Chỉ số PAPI đạt tổng điểm 41,7742, xếp thứ 37/63 tỉnh/thành, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình thấp trong cả nước (giảm 0,634 điểm so với năm 2021 và tụt 9 bậc trong bảng xếp hạng của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Riêng chỉ số PCI năm 2022 chỉ đạt 61,26 điểm (giảm 2,07 điểm so với năm 2021), xếp hạng thứ 59/63 tỉnh/thành (giảm 18 bậc so với năm 2021).
Trong 10 chỉ số thành phần của PCI có 4 chỉ số tăng điểm, 6 chỉ số giảm điểm; 3 chỉ số tăng thứ hạng, 1 chỉ số giữ nguyên thứ hạng và 6 chỉ số giảm thứ hạng so với năm 2021. Ngoài ra, trong năm 2022, VCCI đã bổ sung đánh giá chỉ số mới là Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), tỉnh đạt 13,49 điểm, xếp thứ hạng 53/63 tỉnh/thành trên cả nước.
Doanh nghiệp cần sử dụng pháp luật để giải quyết khó khăn, vướng mắc
Tham gia hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI, đặc biệt là các chỉ số sụt giảm thứ hạng so với năm 2021. Phân tích, làm rõ những nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến tình trạng sụt giảm thứ hạng, từ đó tập trung thảo luận, rút ra các bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp cụ thể nhằm tạo sự bứt phá hơn về điểm số và thứ hạng các chỉ số của tỉnh trong năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam phân tích làm rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến kết quả của các chỉ số, đồng thời đưa ra một số giải pháp cần triển khai trong thời gian tới.
Đó là cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc của các sở, ban, ngành, trong đó lưu ý đến cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành, cần có thiết chế kết nối giữa các sở, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải quyết các TTHC. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các chỉ số.
Cần tiếp tục quan tâm đến công tác chuyển đổi số, minh bạch, công khai các thông tin về quy hoạch, chính sách thu hút, công khai các thông tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là thông tin liên quan đến quy trình, thủ tục cấp phép triển khai các dự án đầu tư. Tuyên truyền để doanh nghiệp có thói quen sử dụng pháp luật như một công cụ để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò giám sát của mặt trận, các đoàn thể và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện các chỉ số.
Để nâng cao hiệu quả thực hiện các chỉ số, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đề nghị các ngành, địa phương tự rà soát lại các nội dung liên quan đến việc thực hiện các chỉ số, từ đó xây dựng kế hoạch cụ thể trong thực hiện CCHC.
Cần nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa trong quá trình tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp… Trên cơ sở đề xuất của các sở, ngành, doanh nghiệp, tỉnh sẽ có kế hoạch thực hiện đối thoại doanh nghiệp trong quý II/2023.
Đưa công tác CCHC vào xem xét đánh giá cán bộ và xếp loại đơn vị
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho rằng, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và cải thiện các chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI của tỉnh năm 2023 và các năm tiếp theo, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình, yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phát huy vai trò trong công tác tham mưu UBND tỉnh, thực hiện đảm bảo yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực hiện CCHC, đáp ứng sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Đối với các sở, ngành có chỉ số nằm ở tốp cuối chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh để xem xét đánh giá công tác cán bộ và xếp loại của cơ quan, đơn vị, đồng thời tăng cường kiểm tra, bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện...
Xem việc thực hiện CCHC là nhiệm vụ quan trọng, xác định công tác CCHC là nhiệm vụ của tất cả cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị và chính quyền các cấp. Trên cơ sở kết quả các chỉ số được công bố năm 2022, giao Sở Nội vụ và Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ những chỉ số cụ thể với các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện và có bản cam kết để khắc phục, cải thiện các chỉ số.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, tùy theo chức trách, nhiệm vụ của từng ngành, lĩnh vực, địa phương cần đề ra cách giải quyết cụ thể trong thực hiện các chỉ số nhằm đạt hiệu quả cao hơn. Cần nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác điều hành; quan tâm đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp làm công tác CCHC.
Đề nghị các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị nâng cao quyết tâm, đồng sức, đồng lòng, đóng góp trí tuệ, sức lực để phấn đấu cải thiện và nâng cao Chỉ số PAR INDEX, SIPAS, PAPI, PCI năm 2023 và những năm tiếp theo.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)