Công ty Slow Việt Nam ký kết hợp đồng thu mua 2.500 tấn cà phê quả tươi

Lê An |

Trong khuôn khổ dự án Sản xuất cà phê sinh thái và cải thiện rừng tự nhiên tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị (PFFP), ngày 15/10, tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, Công ty TNHH Slow Việt Nam (Công ty Slow Việt Nam) và đại diện các nhóm nông dân trồng cà phê, các đơn vị chế biến cà phê đã ký kết hợp đồng thu mua cà phê quả tươi niên vụ 2024.

Theo hợp đồng được ký kết, trong niên vụ 2024, Công ty Slow Việt Nam sẽ liên kết với khoảng 400 – 500 nông dân, liên kết với các đơn vị chế biến tại địa phương thu mua khoảng 2.500 tấn quả tươi (dự kiến chế biến thành 500 tấn cà phê thóc).

Đối với giá thu mua cà phê quả tươi từ các nhóm nông dân, công ty áp dụng cơ chế giá sàn (là mức giá tối thiểu để một hộ gia đình sản xuất cà phê tại huyện Hướng Hóa đảm bảo mức sống cơ bản), từ đó so sánh với giá thị trường để đưa ra giá mua phù hợp, ổn định, lâu dài và các bên cùng có lợi.

Cụ thể, khi giá thị trường thấp hơn giá sàn (10.500 đồng/kg), công ty cam kết thu mua với giá 12.500 đồng/kg trong suốt niên vụ; khi giá thị trường cao hơn giá sàn (10.500 đồng/kg), công ty thu mua với giá bằng giá thị trường cộng thêm 2.000 đồng/kg. Giá thị trường hàng ngày là giá được quy đổi dựa trên giá trung bình cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên, được công bố trên website Báo Công thương.

Ký kết hợp đồng thu mua cà phê quả tươi niên vụ 2024 giữa Công ty TNHH Slow Việt Nam và đại diện các nhóm hộ nông dân trồng cà phê - Ảnh: L.A
Ký kết hợp đồng thu mua cà phê quả tươi niên vụ 2024 giữa Công ty TNHH Slow Việt Nam và đại diện các nhóm hộ nông dân trồng cà phê - Ảnh: L.A

Tại Quảng Trị, Công ty Slow Việt Nam là đối tác thương mại tham gia thực hiện dự án PFFP do chính phủ Đan Mạch tài trợ, bao gồm hỗ trợ nông dân chuyển đổi phương thức canh tác từ đơn canh sang nông lâm kết hợp và đạt chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Châu Âu; xây dựng chuỗi cung ứng bền vững với nông dân và các hợp tác xã/đơn vị chế biến tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Trong khuôn khổ dự án, Công ty Slow Việt Nam cam kết và nỗ lực triển khai kế hoạch hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu chung gồm: sản xuất, chế biến và xuất khẩu 1.000 tấn cà phê nhân Arabica; phát triển chuỗi liên kết với 2.000 nông dân; chuyển đổi 2.500 ha cà phê từ đơn canh sang phương thức canh tác nông lâm kết hợp; tăng thu nhập của nông hộ lên 40%.

Nhằm đạt được mục tiêu nói trên, công ty đang triển khai thủ tục xây dựng nhà máy chế biến cà phê thóc sang cà phê nhân tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà để kịp thời thực hiện cam kết hợp tác liên kết với các hợp tác xã và nông dân cà phê tại huyện Hướng Hóa, đảm bảo điều kiện lưu kho, nâng cao chất lượng cà phê, truy xuất nguồn gốc...

Dự kiến trong năm 2025, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến cà phê quả tươi tại khu vực huyện Hướng Hóa để chủ động nguồn nguyên liệu, phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khai mạc Hội thảo Sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê Khe Sanh

Trần Hà |

Ngày 04/10/2024, tại thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị),  Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thảo tham vấn cộng đồng đề án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê tại Quảng Trị” và công bố sản phẩm du lịch “Khe Sanh coffee tour”.

Tìm hướng phát triển du lịch nông nghiệp gắn với cây cà phê ở Hướng Hóa

Xanh EWEC |

Thông tin từ Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, Hội thảo tham vấn cộng đồng đề án “Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch gắn kết trải nghiệm cà phê tại Quảng Trị” và công bố sản phẩm du lịch “Khe Sanh coffee tour”  sẽ diễn ra vào ngày 04/10/2024 tại thị trấn Khe Sanh.

Hướng Hóa tiếp tục triển khai tái canh cây cà phê

Nguyễn Đình Phục |

Với lợi thế đất đỏ ba dan dồi dào, màu mỡ, độ cao và khí hậu thích hợp nên cây cà phê được xem là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), với diện tích gần 4.000 ha, chủ yếu là giống cà phê cartimor, bình quân mỗi năm toàn huyện đạt sản lượng trên 50.000 tấn quả tươi. Sản xuất cây cà phê có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có không ít gia đình là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở các xã đặc biệt khó khăn.

Công ty TNHH Slow Việt Nam mỗi năm sẽ xuất khẩu 1.000 tấn cà phê nhân ra thị trường quốc tế

Lê Trường |

Đây là một trong những mục tiêu được Công ty TNHH Slow Việt Nam đặt ra tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan về tình hình triển khai xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào sáng nay 17/9. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng chủ trì buổi làm việc.