Đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội vùng trục Quốc lộ 9

PV |

* Đồng chí NGUYỄN ĐĂNG QUANG - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị

Đầu thế kỷ XX, khi khai thác thuộc địa Đông Dương, người Pháp đã chú trọng đến phát triển giao thông và chính họ đã nhìn thấy lợi ích từ con đường số 9 (thường gọi là Đường 9). Từ con đường mòn trên địa bàn Quảng Trị trở thành đường Xuyên Á - tuyến đường huyết mạch thông ra Thái Bình Dương của nhiều quốc gia Đông Nam Á. Ngày nay, trục Đường 9 (nay là Quốc lộ 9) được xác định là một cực tăng trưởng mạnh của Quảng Trị. Vì thế, đánh thức tiềm năng vùng trục Quốc lộ 9 để trở thành vùng động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là nhiệm vụ hết sức quan trọng.

 

Quốc lộ 9 - hành trình đổi mới

Quốc lộ 9 được xác định từ Km0 (giao với Quốc lộ 1; một phần của đường Xuyên Á AH16) nối với Lào qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo với chiều dài gần 83,5 km. Ngay từ khi thực dân Pháp mở ra con đường này với chính sách cai trị và khai thác thuộc địa đã nhận định rõ vai trò của trục đường này. Trong giai đoạn nước ta tạm thời bị chia cắt, Mỹ xây dựng nhiều căn cứ quân sự để ngăn chặn sự chi viện quân sự từ Bắc vào Nam, kể cả biện pháp rải thuốc diệt cỏ (chất độc dioxin) dọc tuyến Quốc lộ 9.

Hiện nay, Quốc lộ 9 được kéo dài về Cảng Cửa Việt, huyện Gio Linh với tổng chiều dài 97,5 km và trở thành một phần quan trọng phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC) dài 1.450 km kết nối Việt Nam - Lào - Thái Lan và Myanmar. Đồng thời, là tuyến đường thông ra Thái Bình Dương của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Đến thời điểm hiện tại, chưa có tài liệu nào xác định vùng kinh tế - xã hội trục Quốc lộ 9, tuy nhiên có thể tạm xác định vùng kinh tế - xã hội trục Quốc lộ 9 gồm các địa phương: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, thành phố Đông Hà và Gio Linh. Với vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế đặc biệt đó, sau gần 50 năm quê hương được giải phóng, hơn 30 năm lập lại tỉnh, trong định hướng phát triển, Quảng Trị luôn coi phát triển vùng trục Quốc lộ 9 là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nhờ vậy, kinh tế - xã hội vùng trục Quốc lộ 9 đã có những bước chuyển biến tích cực và có thể xem đây là một cực tăng trưởng mạnh của tỉnh Quảng Trị. Trong định hướng phát triển chung cho vùng trục Quốc lộ 9, mỗi địa phương đều có chiến lược riêng: Hướng Hóa hướng đến mục tiêu trở thành “huyện miền núi kiểu mẫu”; Đakrông được thành lập từ một phần của huyện Hướng Hóa với 3 xã thuộc chiến khu Ba Lòng, hướng đến mục tiêu thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết số 30A/2008/NQ-CP của Chính phủ; Cam Lộ, Gio Linh trở thành huyện nông thôn mới và thành phố Đông Hà hướng đến mục tiêu đô thị loại II.

30 năm qua, tỉnh đã chủ động đề xuất và triển khai nâng cấp, cải tạo, mở rộng Quốc lộ 9, tạo sự kết nối giao thông Bắc - Nam, hình thành Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, xây dựng Cảng Cửa Việt, phát triển các đô thị Lao Bảo, Khe Sanh, Krông Klang, Cam Lộ, Cửa Việt và định hướng phát triển đô thị Hướng Phùng, A Túc, Tà Rụt… đi đôi với thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”, “Giảm nghèo bền vững”. Đồng thời, nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng như: Nhà đày La Bảo, Sân bay Tà Cơn, Di tích chiến thắng Làng Vây, Chiến khu Ba Lòng, Di tích Tân Sở (nơi Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương); Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, “Trận Bạch Đằng trên sông Hiếu”, Chiến thắng Cửa Việt, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9; Lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á; Liên hoan nghệ thuật Tiếng hát Đường 9 xanh, Rừng xanh vang tiếng Ta Lư; Lễ hội Văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô…

Đến thời điểm này, lĩnh vực phát triển “tam nông” vùng trục Quốc lộ 9 đã có những chuyển biến tích cực: Đã quy hoạch vùng rừng trồng kinh tế đi đôi với bảo vệ ổn định rừng tự nhiên; vùng nguyên liệu gắn với phát triển công nghiệp chế biến hàng nông, lâm sản như gỗ dăm, gỗ ghép thanh, gỗ MDF; tinh bột sắn (Lao Bảo, Cam Lộ); vùng trồng chuối và ăn quả khác, vùng trồng hoa (Khe Sanh, Sa Mù); cà phê (Khe Sanh); vùng trồng cao su, dược liệu (Cam Lộ); hồ tiêu (Cùa); vùng trồng lúa hữu cơ (Cam Lộ, Gio Linh, Đông Hà)… Quảng Trị đã đón nhận được những “quả ngọt” từ các chính sách phát triển đúng đắn: Cam Lộ đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh (về đích sớm một năm). Lĩnh vực thương mại - dịch vụ đã có bước đầu phát triển từ Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khe Sanh, Krông - Klang, Cam Lộ, Đông Hà, Cửa Việt; “sức mua, sức bán” kinh tế mậu biên và xuất nhập khẩu tăng nhanh… Lĩnh vực công nghiệp bắt đầu từ công nghiệp chế biến hàng nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng; Thủy lợi - thủy điện Rào Quán… đang hướng tới mục tiêu biến khó khăn thành lợi thế phát triển năng lượng tái tạo ở miền Trung, mở hướng đi mới cho Quảng Trị trong tương lai.

Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Ảnh: PV
Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo - Ảnh: PV

Đi đôi với phát triển kinh tế, đô thị, nông thôn, tỉnh luôn chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Về sự nghiệp “trồng người”, tập trung quy hoạch mạng lưới trường học, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, chất lượng giáo dục mầm non, đại trà, mũi nhọn, xây dựng xã hội học tập đều có tiến bộ rõ rệt; cơ sở vật chất, đội ngũ thầy thuốc, tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ngày càng phát triển; phong trào tập luyện thể dục thể thao đã góp phần nâng cao thể lực, trí lực và chất lượng nguồn nhân lực tại các địa phương vùng trục Quốc lộ 9 và cả tỉnh. Các hoạt động và lễ hội văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy, du lịch biển, hoài niệm chiến trường xưa, Lễ hội Tri ân hướng tới Lễ hội “Ước nguyện hòa bình”, nhất là Lễ hội Nhịp cầu Xuyên Á tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng và góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và hội nhập quốc tế của tỉnh.

Hướng phát triển trong tương lai

Trong định hướng phát triển đã xác định: Vùng trục Quốc lộ 9 phải đóng góp 60 - 65% vào sự tăng trưởng, làm động lực cho sự phát triển của Quảng Trị trong 5 - 10 năm tới. Để thực hiện được điều này, cần triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh Quảng Trị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đi đôi với quy hoạch các địa phương vùng trục Quốc lộ 9. Ưu tiên quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị và nông thôn để thực hiện có hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”, “Giảm nghèo bền vững”, “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” gắn với phát triển đô thị, tạo động lực phát triển cho vùng trục Quốc lộ 9 và của cả tỉnh.

Trong 10 năm tới, cần quy hoạch mở rộng Cảng Cửa Việt đi đôi với đầu tư xây dựng Cảng nước sâu Mỹ Thủy, nâng cấp, mở rộng tuyến Quốc lộ 9 hiện hữu, tăng cường kết nối các trục giao thông quốc gia Bắc Nam khác trên địa bàn như đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, nhánh Tây, Quốc lộ 1, đường trục dọc ven biển và đường cao tốc Bắc Nam, Cam Lộ - La Sơn, Cam Lộ - Vạn Ninh. Đề xuất Trung ương cho triển khai đường cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo theo hình thức đối tác công tư (PPP). Quy hoạch và hình thành “Cảng cạn” Tây Đông Hà, Đông Cam Lộ gắn cao tốc Bắc Nam phía Đông và Quốc lộ 9 gắn với xây dựng Khu đô thị sinh thái Đông Nam Cam Lộ (hồ Nghĩa Hy) là nơi hội tụ, trung chuyển hàng hóa Bắc Nam, Đông Tây trên địa bàn Quảng Trị.

Tiếp tục quy hoạch phát triển đô thị vùng trục Quốc lộ 9 trên cơ sở quy hoạch và xây dựng thành phố Đông Hà trở thành đô thị loại II, trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng trục Quốc lộ 9. Ưu tiên xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để phát triển kinh tế. Du lịch biển, du lịch sinh thái, hoài niệm chiến trường xưa… tiếp tục tăng trưởng trước những diễn biến bất lợi do thiên tai, dịch bệnh, nhất là COVID-19; trong đó có Cảng hàng không Quảng Trị, tam giác du lịch Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ, các thác nước, hang động thiên nhiên, tiểu vùng khí hậu Sa Mù, Khe Sanh, “Cánh đồng điện gió”, Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Bắc Hướng Hóa; du lịch nghỉ dưỡng biển và hoạt động thể thao cao cấp như sân gôn Bắc và Nam Cửa Việt, Đông Hà, Cam Lộ…

Thứ hai, quy hoạch và phát triển mạnh mẽ khu vực “tam nông”, ưu tiên sản xuất hàng hóa nông nghiệp của vùng trục Quốc lộ 9. Ngoài những ưu thế và thành công bước đầu trong phát triển “tam nông” thời gian qua, tỉnh cần có quy hoạch và phát triển gắn với chế biến vùng dược liệu; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ sản xuất và chế biến hàng nông sản, thủy, hải sản, nâng tầm khu vực “tam nông” để sớm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng trục Quốc lộ 9, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trong việc “tự đứng lên” trên đôi chân của chính mình trong sản xuất, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và hội nhập quốc tế. Thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững ở vùng Đakrông, mục tiêu huyện miền núi kiểu mẫu Hướng Hóa, huyện nông thôn mới phát triển toàn diện Cam Lộ, Gio Linh, thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế tỉnh Quảng Trị.

Thứ ba, xây dựng chiến lược phát triển ngành Công thương bền vững mà trọng điểm là quy hoạch và phát triển năng lượng tái tạo, coi đây là đột phá quan trọng của tỉnh trong 10 năm tới. Tập trung đề xuất bổ sung quy hoạch vào sơ đồ điện VII, điện VIII quốc gia, xây dựng và hoàn thiện hệ thống trạm biến áp và hệ thống truyền tải điện, xây dựng Đề án phát triển năng lượng tái tạo gắn với đánh giá tổng thể tác động môi trường vùng miền Tây Quảng Trị, mở đường cho phát triển các dự án điện gió, thủy điện gắn với thủy lợi. Phát triển “Cánh đồng điện gió” theo hướng “sinh kế, sinh công, sinh thái”, hình thành vùng điện gió, thủy điện khoảng 4.000 MW gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh công nghiệp, du lịch, thương mại nhưng duy trì bền vững hệ sinh thái, tiểu vùng khí hậu thổ nhưỡng lợi thế của tiểu vùng khí hậu lạnh Sa Mù, Khe Sanh; rừng tự nhiên và các vùng nông nghiệp, đặc biệt là hệ sinh thái an toàn cho đồng bào Hướng Hóa, Đakrông phát triển toàn diện.

Việc đánh giá về mô hình Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo có ý nghĩa rất quan trọng (trong khi đang có lợi thế là một trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 -2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ). Trên cơ sở đó, đề xuất cơ chế thương mại xuyên biên giới Việt Nam - Lào, nâng cao hiệu quả kinh tế biên mậu và hệ thống kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Lao Bảo, La Lay. Song song với đó là khôi phục, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho công nghiệp chế biến nông sản, hàng hóa tại Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và vùng trục Quốc lộ 9 như sản phẩm nước tăng lực Super Horse, lốp cao su Camel, tinh bột sắn, cà phê, hồ tiêu, chuối và cây ăn quả, dược liệu.

Chuyển đổi công năng Khu Công nghiệp Nam Đông Hà sang công nghiệp sạch, nâng tầm Khu Công nghiệp Quán Ngang, nâng cao hiệu quả các cụm công nghiệp, làng nghề vùng trục Quốc lộ 9; trong đó, có Nhà máy Bia quốc tế TTC tại Cụm công nghiệp Cam Tuyền, Cam Lộ, Nhà máy Bia Hà Nội tại Khu Công nghiệp Quán Ngang... Ưu tiên hoạt động chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ xây dựng thương hiệu hàng hóa để thúc đẩy công nghiệp chế biến hàng hóa vùng trục Quốc lộ 9.

Thứ tư, xây dựng Đề án phát triển thương mại dịch vụ của tỉnh, nâng “sức mua, sức bán” của tỉnh và vùng trục Quốc lộ 9, trong đó chú trọng đến thương mại, dịch vụ của thành phố Đông Hà, Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo và kinh tế đối ngoại, biên mậu kinh tế Việt Nam - Lào và xuyên Á, nhất là các dịch vụ nghỉ dưỡng, mua sắm sản phẩm cao cấp gắn với hàng hóa địa phương nhằm “níu chân” du khách tại địa bàn. Chuẩn bị các điều kiện để tận dụng lợi thế Hành lang kinh tế Đông - Tây nối Việt Nam - Lào, Thái Lan, Myanmar qua trục Quốc lộ 9 để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị.

“Nhịp cầu Xuyên Á” - Một lễ hội tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV
“Nhịp cầu Xuyên Á” - Một lễ hội tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị - Ảnh: PV

Đi đôi với phát triển kinh tế, cần tiếp tục chăm lo sự nghiệp “trồng người”, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển mới của tỉnh, khôi phục và phát triển các lễ hội văn hóa có lợi thế trên trục Quốc lộ 9 như: Nhịp cầu Xuyên Á, Tiếng hát Đường 9 xanh, Rừng xanh vang tiếng Ta Lư, Lễ hội văn hóa các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô; phát triển thể dục, thể thao quần chúng gắn với thể thao thành tích cao; hoạt động đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công, chăm lo đời sống Nhân dân gắn với an toàn tính mạng, sức khỏe Nhân dân trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, nhất là COVID-19 rất khó lường… Cần tập trung giảm nghèo bền vững cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho vùng đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đem sức mình để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn trong tương lai. Tăng cường xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh, xây dựng khu vực phòng thủ huyện, tỉnh, tăng cường công tác đối ngoại, nhất là với nước bạn Lào anh em, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm ma túy và ngăn chặn ma túy xâm nhập vào lớp trẻ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính ở các Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, La Lay và Cảng Cửa Việt; xây dựng nền công vụ hướng đến mục tiêu kiến tạo và phục vụ Nhân dân, các nhà doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi nhất có thể theo chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để triển khai thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Trị, trong đó phấn đấu vùng trục Quốc lộ 9 phải đóng góp 60 - 65% vào sự tăng trưởng, làm động lực cho sự phát triển của tỉnh trong 5 - 10 năm tới.

Để đánh thức tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội vùng trục Quốc lộ 9 cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh, nhất là sự nỗ lực, đồng lòng hướng đến mục tiêu phát triển chung của tất cả địa phương nằm trên trục đường này. Sự khởi sắc của đời sống kinh tế - xã hội của vùng trục Quốc lộ 9 sẽ được đánh dấu từ sự quyết tâm hôm nay.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát trọng tải trên tuyến Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông

Nhơn Bốn |

Ngày 12/7/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát trọng tải trên tuyến Quốc lộ 9, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông qua địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đang giãn cách xã hội, 50 thanh niên tụ tập đua xe gây náo loạn Quốc lộ 13

Đình Trọng |

Tại Bình Dương, mặc dù đang trong thời gian giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, nhưng 50 thanh niên vẫn tụ tập đua xe gây náo loạn trên Quốc lộ 13.

Đề nghị nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn qua thị trấn Krông Klang

Nhơn Bốn |

 Ngày 19/5/2021, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 9 đoạn qua trung tâm thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông với chiều dài 3 km, bề rộng nền đường theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải là 33 m (mặt đường rộng 22 m, dải phân cách giữa rộng 1 m, vỉa hè mỗi bên rộng 5 m), tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 140 tỉ đồng. 

Đề xuất lắp đặt đèn tín hiệu và đường thoát hiểm tại các “điểm đen” về tai nạn giao thông trên Quốc lộ 9

Kăn Sương |

Huyện Đakrông (Quảng Trị) có tuyến Quốc lộ 9 đi qua với tổng chiều dài khoảng 29 km (từ km 30 thuộc địa phận xã Hướng Hiệp đến km 59 thuộc địa phận xã Đakrông). Trước tình hình lượng xe cộ đi lại, vận chuyển hàng hóa từ đồng bằng lên, từ Việt Nam sang Lào và ngược lại khá nhộn nhịp, đặc biệt trên tuyến này xuất hiện một số “điểm đen” về tai nạn giao thông, UBND huyện Đakrông đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh, Sở Giao thông vận tải xem xét lắp đặt đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại km 41+600, đoạn đi qua địa bàn thị trấn Krông Klang để điều tiết giao thông; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác lắp đặt biển báo hiệu đường hẹp, biển hạn chế tốc độ, biển báo công trình theo đúng quy định tại các điểm thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông.