Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và các năm tiếp theo. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với đối tác.
Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán FTA, tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động... được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latinh.
Nhiều cơ chế đối thoại như đối thoại cấp bộ trưởng ngoại giao và đối thoại kinh tế Việt - Mỹ được thiết lập nhằm triển khai các cam kết, cụ thể hóa nội hàm quan hệ vừa nâng cấp. Quan hệ với các đối tác tiềm năng cũng được thúc đẩy thông qua các hoạt động trao đổi đoàn, họp các Ủy ban hỗn hợp.
Đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam; nghiên cứu, thúc đẩy và tăng tốc đàm phán nâng cấp nhiều FTA đã có hiệu lực một thời gian dài. Rà soát tiến độ thực thi EVFTA với EU đối với nhiều mặt hàng; quyết liệt vận động và nâng số thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư lên 18/27 nước. Tích cực tham gia đàm phán các hiệp định mới với mục tiêu mở rộng và khai phá các thị trường tiềm năng.
Lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh, thúc đẩy giải quyết vướng mắc để bảo đảm môi trường kinh doanh thuận lợi với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Cụ thể, đã phối hợp tổ chức nhiều đoàn quảng bá cả ở trong và ngoài nước, hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết hơn 20 bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế; vận động thành công UNESCO công nhận thêm 3 di sản thiên nhiên và văn hóa. Hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế và ứng phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào nông sản Việt tại các thị trường trọng điểm.
Nhiều hiệp hội, doanh nghiệp lớn của Mỹ, châu Âu, đặc biệt là các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã vào thăm và làm việc với Việt Nam nhằm tìm kiếm các cơ hội mở rộng hợp tác, kinh doanh.
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tập trung thảo luận làm rõ hơn về những hạn chế, tồn tại trong triển khai công tác NGKT thời gian qua. Xác định một số lĩnh vực, định hướng trọng tâm trong đẩy mạnh NGKT 6 tháng cuối năm 2024.
Kế luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng cuối năm 2024 là tiếp tục kiên định mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với các đột phá về hạ tầng, thể chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Do vậy, công tác NGKT cần tập trung, đúng trọng tâm, trọng điểm, tạo thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất các hoạt động đối ngoại cấp cao, lồng ghép nội hàm kinh tế và công nghệ vào chương trình nghị sự. Tập trung kêu gọi đầu tư, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cải thiện thể chế, môi trường đầu tư và kinh doanh; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như bán dẫn, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, AI. Khai thác hiệu quả nguồn lực từ chuyên gia, trí thức và doanh nhân kiều bào.
Nâng cao hiệu quả triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá du lịch. Đa dạng hóa thị trường, đối tác và chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng còn dư địa vào các thị trường chủ chốt. Tập trung vào các sản phẩm có thế mạnh, có khả năng cạnh trạnh, đảm bảo xuất khẩu lâu dài, bền vững.
Tranh thủ xu hướng phục hồi du lịch của thế giới; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch ở các thị trường trọng điểm; nghiên cứu tạo thuận lợi hơn nữa cho khách quốc tế về thủ tục thị thực. Tiếp tục làm tốt công tác dự báo, tham mưu cho Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội. Tăng cường cung cấp thông tin cho địa phương, doanh nghiệp về các xu hướng kinh tế mới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)