Thời gian gần đây, một số địa phương trong tỉnh Quảng Trị tổ chức các chợ phiên với mục tiêu giúp người dân tộc thiểu số tại địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trao đổi, buôn bán các mặt hàng nông sản do mình làm ra hoặc hái lượm từ rừng.
Những phiên chợ này sẽ góp phần thúc đẩy kết nối giao thương, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, những phiên chợ này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Tháng 6/2022, UBND huyện Hướng Hóa phối hợp với Văn phòng Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) tổ chức phiên chợ cuối tuần tại thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng với mục đích tăng thu nhập cho cộng đồng, tạo tiền đề để phát triển hoạt động thương mại hoá hàng nông sản địa phương; khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, tăng cường quảng bá hoạt động du lịch cộng đồng…
Tại phiên chợ có nhiều gian hàng nông sản, đặc sản địa phương của Hướng Phùng và các xã lân cận. Đây là cơ hội để du khách tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương.
Một lãnh đạo huyện Hướng Hóa cho hay, làng du lịch sinh thái Chênh Vênh vốn có nhiều lợi thế như không khí trong lành, nằm cạnh danh thắng thác Chênh Vênh, có nhiều nông sản đặc trưng như cà phê, măng rừng, chanh leo… đặc biệt là bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Vân Kiều.
Thông qua hoạt động của phiên chợ cuối tuần sẽ tạo giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương, tăng cường quảng bá hoạt động du lịch cộng đồng, thu hút du khách đến với miền tây Quảng Trị.
Tuy nhiên, qua hoạt động thử nghiệm trong vòng 1 tháng, các đơn vị tổ chức đã dừng hoạt động chợ phiên tại thôn Chênh Vênh. Một trong những nguyên nhân được đưa ra là các mặt hàng nông sản của người dân địa phương còn ít, chưa đủ đáp ứng nhu cầu của du khách.
Chợ phiên Vĩnh Ô nằm trong chương trình xúc tiến thương mại - du lịch huyện Vĩnh Linh năm 2022. Phiên chợ đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/5/2022. Ngoài 3 quầy cố định tại khu chợ Vĩnh Ô của xã, mỗi khi đến phiên chợ có khoảng 15-20 sạp nhỏ được người Vân Kiều bày bán các mặt hàng nông sản do họ làm ra hoặc săn bắt, hái lượm, như: thịt bò, thịt heo, gà, cá suối, măng rừng và các loại rau, củ, quả khác. Chợ phiên được tổ chức mỗi tháng một lần vào ngày 19.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Hồ Văn Đàn cho biết: “Mục tiêu trước mắt của chợ phiên Vĩnh Ô là tạo thói quen buôn bán, giao thương hàng hóa cho người dân địa phương. Trước khi tổ chức mỗi phiên chợ, chính quyền địa phương sẽ thông báo trên hệ thống loa truyền thanh để người dân biết mang nông sản đến.
Ngoài ra, lãnh đạo xã cũng phân công những cán bộ, đảng viên chủ chốt phụ trách các thôn để tuyên truyền, động viên người dân tích cực tham gia chợ phiên”.
Qua khảo sát thực tế, các mặt hàng nông sản được bày bán tại chợ phiên Vĩnh Ô chưa đa dạng, số lượng ít và không đồng đều, nguồn cung không ổn định. Hầu hết, nông sản được người dân trong xã mua bán với nhau chứ chưa có sự liên kết với bên ngoài...
Để chợ phiên Vĩnh Ô cũng như các chợ phiên khác hoạt động ổn định, lâu dài hơn, chính quyền địa phương và ban, ngành các cấp cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng; lập kế hoạch tổng thể, chi tiết hoạt động của chợ; đề xuất, tham mưu cấp trên tổ chức cho cán bộ đi học tập kinh nghiệm tại các địa phương khác để có cách làm phù hợp, đúng hướng với tình hình của địa phương mình. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất để đa dạng hóa các mặt hàng nông sản.
Đẩy mạnh công tác quảng bá, liên kết với các địa phương, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn để đẩy mạnh thu mua các mặt hàng nông sản của người dân. Nếu làm tốt công tác quảng bá, liên kết giao thương thì không chỉ các mặt hàng nông sản mà những giá trị văn hóa tốt đẹp của các vùng miền sẽ được lan tỏa ra cộng đồng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)