Điểm sáng xuất khẩu lao động ở huyện Gio Linh

Tú Linh |

Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) của huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã trở thành điểm sáng trong toàn tỉnh.

Nhờ vậy, hàng nghìn lao động đã có việc làm, thu nhập cao, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, công tác giảm nghèo được đẩy mạnh do lượng kiều hối lớn. Mặt khác, người đi XKLĐ tích lũy được nhiều kinh nghiệm, khi về nước sẽ bổ sung cho huyện một lực lượng lao động có kỹ thuật, tay nghề, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.

Nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tại địa phương, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi luôn được huyện Gio Linh đặc biệt chú trọng, trong đó nổi bật là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đề án giải quyết việc làm và XKLĐ giai đoạn 2016-2020 của UBND huyện Gio Linh xác định, tăng cường XKLĐ nhằm giảm áp lực việc làm tại địa phương và tăng thu nhập cho người lao động, góp phần làm giàu cho quê hương.

Để thực hiện đề án này, huyện đã có nhiều giải pháp nhân rộng mô hình XKLĐ tại các xã vùng phía Đông ra toàn huyện, tạo sự cạnh tranh tích cực trên thị trường tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài, mở rộng cơ hội tiếp cận các đơn hàng chất lượng và doanh nghiệp dịch vụ XKLĐ uy tín cho người lao động.

 

Hiệu quả của chương trình này là tạo ra điểm nhấn phát triển hiệu quả, nhiều mô hình gia đình gửi tiết kiệm trăm triệu đồng mỗi tháng liên tục xuất hiện, khiến không ít địa phương trong tỉnh đến huyện Gio Linh tìm hiểu, học tập. Ông Nguyễn Trầm ở Khu phố 1, thị trấn Cửa Việt có 2 người con đi lao động tại Hàn Quốc và 1 người đang làm việc tại Nhật Bản.

Ông Trầm cho biết, trung bình mỗi tháng các con ông ngoài việc chi tiêu ăn ở, thường gửi về nước cho bố mẹ khoảng 100 triệu đồng. Một phần trong số tiền này giúp ông Trầm xây dựng được nhà cửa khang trang; phần lớn còn lại ông gửi tiết kiệm cho các con để sau này hết thời hạn làm việc ở nước ngoài, con ông về nước có vốn để tiếp tục sản xuất, kinh doanh.

Ông Nguyễn Quốc Ái ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt có 4 người con và 1 con dâu XKLĐ sang Hàn Quốc.

Mỗi tháng các con ông gửi về nước nhờ bố mẹ gửi tiết kiệm hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra các ông: Phan Văn Thí ở Khu phố 1, thị trấn Cửa Việt có 4 người con trai; Trần Sông Lô, ở Thôn 6, Gio Hải có 3 người con; Mai Minh Thu ở Khu phố 7, thị trấn Cửa Việt có 3 người con... tất cả con các ông đều tham gia lao động tại Hàn Quốc và họ dành dụm gửi một số tiền lớn về nhà cho bố mẹ.

Có hàng trăm gia đình ở nhiều làng quê của huyện Gio Linh có cuộc sống khá giả nhờ có con em đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ đó, kinh tế nông thôn Gio Linh phát triển mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh, kết quả của đề án đẩy mạnh giải quyết việc làm, XKLĐ cho thấy, giai đoạn từ năm 2016- 2020, toàn huyện có 2.163 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 201% kế hoạch, nâng tổng số lao động của huyện đang làm việc ở nước ngoài là 3.107 người, là địa phương dẫn đầu của tỉnh về công tác XKLĐ.

Hiện nay ngoài các xã, thị trấn có người tham gia làm việc nước ngoài theo hợp đồng với số lượng lớn như: Gio Việt, Gio Hải, thị trấn Cửa Việt, còn nổi lên các địa phương mới như thị trấn Gio Linh, các xã Trung Sơn, Gio Mỹ, Phong Bình, Gio An...

Thống kê của huyện cho thấy hiện tại có 716 người làm việc ở Hàn Quốc, 1.133 người làm việc ở Nhật Bản, 957 người làm việc ở Đài Loan và 301 người làm việc ở các nước khác. Thị trấn Cửa Việt có số người tham gia XKLĐ cao nhất, với gần 800 người. Chưa kể số đông lao động của huyện đang làm việc ở nước Lào.

Hầu hết lao động của huyện Gio Linh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài được đánh giá có tố chất cần cù, thông minh, khéo tay, năng động, sáng tạo; họ làm việc ở khoảng 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với các ngành, nghề khác nhau từ lao động giản đơn đến lao động có kỹ thuật cao.

Không chỉ có người lao động đủ sức khỏe hoặc sức khỏe tốt đi XKLĐ, lao động thuộc nhóm ưu tiên gồm người nghèo, người khuyết tật, người đồng bào dân tộc thiểu số cũng được huyện quan tâm. Giai đoạn từ năm 2016-2020, huyện có 61 lao động thuộc nhóm đối tượng này tham gia XKLĐ. Công tác hỗ trợ kinh phí theo quy định cho các lao động này đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng.

Qua đánh giá hiệu quả XKLĐ của huyện Gio Linh giai đoạn từ năm 2016- 2020 cho thấy mức thu nhập bình quân cao hơn rất nhiều so với trong nước. Lao động ở thị trường Hàn Quốc có thu nhập 35 triệu đồng/người/tháng; Nhật Bản là 25 triệu đồng/người/tháng, Đài Loan là 18 triệu đồng/người/tháng...

Ngoài việc đời sống vật chất, tinh thần của những người tham gia làm việc nước ngoài theo hợp đồng không ngừng được nâng lên, họ còn gửi tiền về nước xây dựng nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ cuộc sống, nâng cao đời sống cho gia đình vợ con, bố mẹ.

Những người XKLĐ đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo và phát triển KT-XH của huyện. Bình quân mỗi năm người lao động của huyện gửi về cho gia đình khoảng 670 tỉ đồng, trong đó thị trấn Cửa Việt là hơn 200 tỉ đồng.

Trưởng Phòng LĐ,TB&XH huyện Gio Linh Nguyễn Thanh Bình cho biết, sau khi tình hình dịch bệnh được khống chế, hoạt động XKLĐ từng bước hồi phục, phát triển hiệu quả.

Để phát huy lợi thế của địa phương, huyện tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức qua các kênh thông tin nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung XKLĐ đến người dân trên địa bàn để kịp thời nắm bắt và thực hiện có hiệu quả chủ trương ý nghĩa này.

Tiếp tục phổ biến nội dung Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để các lao động hiểu rõ nhằm chấp hành tốt quy định pháp luật của Việt Nam cũng như nước tiếp nhận lao động. Cùng với đó, huyện tập trung chỉ đạo các phòng giao dịch của các ngân hàng trên địa bàn tạo điều kiện cho người dân vay vốn, hỗ trợ người đồng bào dân tộc thiểu số đi XKLĐ. Huyện phấn đấu từ năm 2021-2025, mỗi năm có hơn 200 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Công đoàn Quảng Trị đổi mới hoạt động, chăm lo cho đoàn viên, người lao động

PV |

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, vượt qua khó khăn, thách thức với những cách làm hay, đổi mới, sáng tạo, Công đoàn tỉnh Quảng Trị đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở, nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên, người lao động (NLĐ), tạo được những dấu ấn nổi bật, tạo niềm tin của công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) đối với tổ chức công đoàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Nắm bắt nhu cầu người lao động để đào tạo nghề

Thủy Ba |

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại huyện Đakrông những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả trên là nhờ huyện làm tốt công tác vận động, khảo sát nhu cầu người học để mở các lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương và năng lực của người dân.

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Hướng Hóa

Tú Linh |

Những năm qua, thực hiện các chương trình, dự án của Chính phủ, tỉnh, huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn luôn được huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) quan tâm. Qua đào tạo nghề, nhiều lao động được tiếp cận kỹ thuật mới để áp dụng vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, đời sống của người lao động được nâng cao, an sinh xã hội được đảm bảo tốt hơn.

Liên đoàn Lao động huyện Hướng Hóa làm tốt công tác tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn cơ sở

Kô Kăn Sương |

Xác định công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn (CBCĐ) các cấp, thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị chú trọng tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho CBCĐ cấp cơ sở phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị. Qua đó, góp phần nâng cao trình độ cho đội ngũ CBCĐ cấp cơ sở, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.