Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của người dân, diện mạo nông thôn xã miền núi Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có những đổi thay đáng kể.
Xã Vĩnh Ô có 372 hộ, trong đó 98% là đồng bào dân tộc Vân Kiều. Địa phương bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM) từ điểm xuất phát rất thấp với tỉ lệ hộ nghèo cao, đời sống kinh tế- xã hội còn lạc hậu, khó khăn. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng cho biết: “Xuất phát từ đặc thù của địa phương nên chúng tôi đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong xây dựng NTM. Bởi chỉ khi thực sự hiểu rõ về chương trình xây dựng NTM, người dân mới đồng hành và chung tay thực hiện”. Công tác tuyên truyền, vận động được xã Vĩnh Ô quan tâm thực hiện ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ban công tác mặt trận xã, thôn đã thực hiện tốt việc vận động Nhân dân hiến đất, hoa màu, đóng góp công sức để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng cầu cống góp phần xây dựng NTM. Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng động viên, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp ý kiến vào các nội dung quy hoạch, hiến tặng, góp đất, góp công trong việc quy hoạch, mở rộng, nâng cấp, cứng hóa đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa, kiên cố hóa trường, lớp học.
Xác định rõ muốn xây dựng NTM thì trước hết cuộc sống của người dân phải được cải thiện, do vậy việc phát triển sản xuất đã được xã Vĩnh Ô quan tâm thực hiện hiệu quả. Nông nghiệp được đẩy mạnh phát triển theo hướng thâm canh, tăng vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất tiếp tục được triển khai trên địa bàn như chương trình hỗ trợ phát triển HTX, chương trình phát triển ngành nghề nông thôn, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Nhờ vậy, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và ổn định hơn. Trước đây, gia đình ông Hồ Văn Xanh, thôn Xóm Mới thuộc diện hộ nghèo. Được sự hỗ trợ của nhà nước, ông Xanh đã xây dựng được nhà ở kiên cố và có điều kiện để phát triển kinh tế gia đình.
“Tôi thấy bản làng đổi thay nhiều từ khi thực hiện chương trình xây dựng NTM. Riêng gia đình tôi, nhờ có sự hỗ trợ của nhà nước, tôi đã dựng được nhà kiên cố, trong sản xuất, tôi được hỗ trợ con giống và hướng dẫn về kỹ thuật nên có bước phát triển mới. Mô hình nuôi dê và trồng rừng kinh tế những năm trở lại đây đã giúp gia đình tôi cải thiện thu nhập, thoát cảnh nghèo khó”, ông Xanh phấn khởi cho biết.
Chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng được quan tâm thực hiện tốt. Việc nâng cao chất lượng giáo dục trong trường học đạt được nhiều kết quả quan trọng, duy trì được học sinh trong độ tuổi đến lớp; giảm tỉ lệ học sinh bỏ học; chất lượng giáo dục toàn diện có nhiều chuyển biến tích cực; công tác phổ cập giáo dục đảm bảo mục tiêu đề ra. Đến nay, xã Vĩnh Ô đã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập đúng độ tuổi tiểu học ở mức độ 3, phổ cập xóa mù chữ đạt mức độ 2. Hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở được củng cố, kiện toàn; quốc phòng- an ninh đảm bảo, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, khối đại đoàn kết dân tộc được tăng cường, truyền thống đoàn kết trong Đảng bộ, Nhân dân được giữ vững và phát huy.
Để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, địa phương đã xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch. Thực hiện thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo quy định, cải tạo nghĩa trang, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Ông Hồ Minh Lý, ở thôn Thúc cho biết thêm: “Để thực hiện tiêu chí môi trường, gia đình tôi đã gương mẫu, đi đầu trong việc xây dựng các công trình vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn, đồng thời thực hiện nghiêm túc việc thu gom, phân loại rác thải ngay tại hộ; chung tay, góp sức gìn giữ vệ sinh chung tại các tuyến đường thôn, xóm… Bên cạnh đó, tôi còn vận động những hộ láng giềng tích cực làm theo nhằm tạo cảnh quan môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp”.
Cùng với những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã Vĩnh Ô vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là một bộ phận người dân địa phương nhận thức về xây dựng NTM chưa đầy đủ, toàn diện, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của nhà nước. Quá trình thực hiện chưa phát huy tốt yếu tố nội lực địa phương, xuất phát điểm về kinh tế còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao. Đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận người dân còn thấp; tập quán sản xuất, sinh hoạt còn lạc hậu. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, phát triển sản xuất mang tính nhỏ lẻ, chưa khai thác tốt tiềm năng của địa phương để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế. Nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã.
Theo kế hoạch mà huyện Vĩnh Linh đề ra, đến năm 2024, sẽ có 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM. Được xác định là các xã vùng khó của địa phương, nên huyện Vĩnh Linh sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng NTM tại 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô và Vĩnh Khê trong thời gian tới. Thực hiện huy động lồng ghép các nguồn lực nhằm giải quyết khó khăn về vốn; sử dụng hiệu quả đất đai; các nguồn vốn từ chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững; vốn ngân sách huyện, xã; vốn từ các chương trình lồng ghép khác; vốn tín dụng; vốn từ doanh nghiệp.
Riêng vốn huy động đóng góp từ cộng đồng dân cư ưu tiên cho dân sinh. “Đến thời điểm này, xã Vĩnh Ô đạt 9/19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu đề ra, xã Vĩnh Ô đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể trong xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2024 về đích NTM. Trước mắt, trong năm 2021, xã phấn đấu đạt thêm 2-3 tiêu chí; tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân với thu nhập đạt 26 triệu đồng/người/năm; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%”, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ô Trần Văn Tặng thông tin thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)