Thăm thẳm Vĩnh Ô

Hồ Nguyên Kha |

Bây giờ từ thị trấn Hồ Xá đi xã Vĩnh Ô (Vĩnh Linh, Quảng Trị) kể chưa xong câu chuyện xe đã đến trụ sở UBND xã.

Thấy đông người, chúng tôi hỏi mọi người đi làm căn cước công dân à? Một phụ nữ tên Miết lắc đầu nói: “Không phải, miềng đi làm giấy khai sinh cho con”. Câu chuyện giữa tôi với người phụ nữ Vân Kiều bị gián đoạn bởi có người giục chị vô làm giấy khai sinh nhanh để về còn lên rừng lấy đót.
Tự dưng nghe vô rừng lấy đót, tôi lại băn khoăn về chuyện dân sinh của người dân ở miền núi. Riêng địa bàn Vĩnh Ô từ lâu được gắn với các cụm từ nghe không mấy thiện cảm như đào đãi vàng, nạn phá rừng, tỉ lệ hộ nghèo cao… Với riêng tôi, Vĩnh Ô là địa danh thăm thẳm giữa đại ngàn Trường Sơn; là gian lao khổ ải trên những cung đường gập ghềnh đất đá; là bao liếp nhà sàn oằn lưng dưới nắng núi mưa rừng và những khuôn mặt người vật lộn với áo cơm nên sắc diện già trước tuổi…

Trong căn phòng chật chội bừa bộn giấy tờ, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Đàn nhiệt thành trao đổi với chúng tôi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tôi nhận thấy anh Đàn có phong thái làm việc chững chạc khi tuổi còn rất trẻ nhưng đã nắm rất sâu những nội dung, vấn đề của địa phương.

Xã Vĩnh Ô có tổng diện tích đất tự nhiên là 8.594,01 ha, trong đó diện tích rừng chiếm 7.000 ha nhưng chủ yếu là của Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Toàn xã có 367 hộ với 1.393 nhân khẩu, trong đó có 162 hộ nghèo, 100 hộ cận nghèo, chiếm lần lượt 46,55% và 27% số hộ trong toàn xã. Bình quân hằng năm xã gieo trồng gần 30 ha lúa, 5 ha ngô, 3 ha rau màu các loại; chăn nuôi gần 1.000 con trâu, bò, lợn, dê và hơn 4.000 con gà.

Một góc trung tâm xã Vĩnh Ô - Ảnh: H.N.K​
Một góc trung tâm xã Vĩnh Ô - Ảnh: H.N.K​

Như vậy nguồn nhập chính hay nói khác đi là trụ cột kinh tế của địa phương là gì tôi hỏi, Đàn không ngần ngại trả lời: “Nói thật với anh, người dân sống ở rừng thì phải dựa vào rừng thôi”. Hình như đọc ra sự ngờ vực trong cách hiểu của tôi, Đàn nói tiếp: “Nói vậy không có nghĩa là dân Vĩnh Ô chặt phá rừng. Mỗi năm địa phương chỉ xảy ra vài ba vụ vi phạm lâm luật. Các vụ chặt phá rừng ở trên địa bàn đều là dân ở các nơi khác đến vì họ có máy móc, phương tiện chứ dân Vĩnh Ô nghèo lắm mần chi có máy cưa, máy xẻ mà phá rừng nên nguồn thu chính của người dân là mây, tre, đót…”.

Câu chuyện giữa chúng tôi với anh Hồ Văn Đàn chuyển sang chuyện điện chiếu sáng, đường giao thông, đập thủy lợi nhưng trọng tâm vẫn là công tác xóa đói giảm nghèo. Anh Đàn cho biết nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền xã Vĩnh Ô là làm thế nào để nâng cao thu nhập cho người dân nhưng quả thật “cái khó bó cái khôn”. Một câu hỏi từ bấy lâu nay đặt ra đó là dân sống ở rừng nhưng không thể làm giàu từ rừng bởi đất đai không có dân biết lấy gì để canh tác. Ngay cả việc trồng cây lúa là đất đai của ông bà từ bao đời nay khai phá tạo dựng nhưng người dân vẫn không được làm chủ. Xã Vĩnh Ô được giao 609 ha rừng cho người dân quản lý nhưng có đến 150 ha rừng tự nhiên nên xã kiến nghị giao lại Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Trong số diện tích còn lại, xã đã giao cho 153 hộ quản lý và được thụ hưởng các chế độ của nhà nước. Phải thừa nhận rằng khi người dân được giao quản lý rừng thì đời sống được cải thiện đáng kể. Trước hết là dân nhận được tiền ra sức chăm sóc rừng và hưởng lợi từ rừng nhờ khai thác tre, mây để tăng thêm thu nhập. Nhận thấy được lợi ích kinh tế đó, UBND xã đã lập tờ trình kiến nghị lên các ngành chức năng cho người dân địa phương khai thác nguồn lâm sản ngoài gỗ. Khi người dân đã ý thức được nhiệm vụ bảo vệ, được tự do vào rừng chăm sóc và hưởng lợi từ rừng sẽ còn mang về lợi ích khác đó là hạn chế được nạn lâm tặc vào phá rừng vì sợ người dân tố giác.

Dẫu biết lợi ích từ rừng là rất lớn nhưng kẹt nỗi người dân Vĩnh Ô không được làm chủ rừng. Theo lý giải của anh Đàn thì hiện nay toàn bộ diện tích đất đai của người dân Vĩnh Ô theo đo đạc chỉnh lý đều thuộc quyền sử dụng của Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải. Người dân Vĩnh Ô bức xúc tại sao đất rẫy của ông cha họ khai phá nhưng chính họ lại không được thừa kế quyền sử dụng. Thật oái ăm bởi có rất nhiều hộ từ lâu đã canh tác sản xuất trên đất đai của ông cha, mạnh dạn vay vốn ngân hàng để trồng rừng nhưng lại không được quyền sử dụng diện tích đất rừng như các hộ Hồ Văn Ninh, Hồ Văn Thương, Hồ Văn Quân ở thôn Thúc. Vì vậy, xã kiến nghị cấp trên xem xét việc đo đạc lại diện tích đất rừng, dành toàn bộ diện tích đất rẫy, đất ruộng để cấp cho người dân tự chủ sản xuất.

Tìm hiểu sâu hơn về kinh tế, dân sinh ở Vĩnh Ô, chúng tôi còn được anh Hồ Văn Đàn cho biết toàn xã Vĩnh Ô có 7 thôn nhưng có đến 5 thôn nằm ở bờ nam sông Bến Hải. Hộ khẩu thì chính quyền xã Vĩnh Ô quản lý nhưng đất đai sản xuất thì UBND huyện Gio Linh cấp nên cản trở rất lớn đến chủ trương, kế hoạch phát triển sản xuất của địa phương. Nghịch lý ấy đã tồn tại từ bao năm nay nhưng vẫn chưa được cấp trên quan tâm giải quyết. “Đành rằng sống ở đâu cũng là con dân nước Việt nhưng hiện giờ Vĩnh Ô đang ngổn ngang trên hành trình phát triển. Lúc này đây, Vĩnh Ô chưa hy vọng giàu sang mà chỉ mong xóa được đói nghèo. Muốn vậy, người dân Vĩnh Ô cần có đất để trồng rừng, cần được quan tâm đầu tư về hạ tầng thiết yếu”, Phó Chủ tịch xã Hồ Văn Đàn nói giọng đầy tâm trạng khi chia tay chúng tôi. Lúc này là đúng giờ ngọ, nắng chiếu thẳng xuống bản làng, đồi núi nên Vĩnh Ô càng trở nên hun hút thăm thẳm giữa đại ngàn.

 (Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Gần 300 học sinh tham gia Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Ngày 25/4/2021, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức khai mạc “Giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi Việt Nam” huyện Vĩnh Linh lần thứ 13 năm 2021. 

Vĩnh Linh: Khai trương mùa du lịch biển năm 2021

Nguyễn Trang |

Ngày 23/4/2021, tại bãi tắm Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức khai trương mùa du lịch biển năm 2021. Đây là một trong những nội dung thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 46 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 (1975- 2021), 49 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972- 2021) và Lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch biển, đảo năm 2021 ở tỉnh Quảng Trị sẽ diễn ra từ ngày 30/4 - 5/5/2021.

Đất thép Vĩnh Linh trong sáng tác của nhà văn Xuân Đức

TS. Bùi Như Hải |

Nhà văn Xuân Đức là một tiểu thuyết gia, kịch tác gia nổi tiếng của nền văn học Việt Nam đương đại. Sự ra đi đột ngột của nhà văn, một người con Quảng Trị tài danh đã khiến gia đình, bạn bè văn giới, độc giả bàng hoàng, tiếc thương. Nhà văn Xuân Đức để lại một gia tài đồ sộ, rất đa dạng và phong phú, với hàng trăm kịch bản sân khấu, kịch bản phim, tiểu thuyết, truyện ngắn, tạp văn và trường ca, thơ, ghi chép, phóng sự,... Ở địa hạt nào Xuân Đức cũng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt kịch bản sân khấu và tiểu thuyết.  

Huyện Vĩnh Linh lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch chi tiết Bãi tắm Cửa Tùng

Nguyên Đồng |

Ngày 12/4/2021, UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch chi tiết Bãi tắm Cửa Tùng, tỉ lệ 1/500.