“Đòn bẩy” để người nghèo vươn lên

Trúc Phương |

Nhờ có nguồn vốn chính sách làm “đòn bẩy”, nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Có thể khẳng định, những chương trình tín dụng chính sách đã và đang làm đổi thay cuộc sống của các hộ nghèo, đối tượng chính sách nơi đây.

“Vài năm trở lại đây, với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn chính sách, cuộc sống của gia đình chị Tiên đã đỡ vất vả hơn trước. Vợ chồng chị hiện có nguồn thu nhập ổn định, 5 người con đều được đến trường”, đó là lời giới thiệu của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Gio Linh khi dẫn chúng tôi đến thôn Hà Thanh, xã Gio Châu thăm gia đình chị Hoàng Thị Tiên (sinh năm 1975), một trong những hộ gia đình thoát nghèo nhờ nguồn vốn chính sách. Lúc này, chị Tiên vẫn đang bận bịu cho gà, lợn ăn trong vườn.

Chị Tiên dùng một phần vốn vay để trồng mía, tăng thu nhập - Ảnh: T.P
Chị Tiên dùng một phần vốn vay để trồng mía, tăng thu nhập - Ảnh: T.P
Nhận ra cán bộ Ngân hàng CSXH huyện, chị vui mừng chia sẻ: “Nhà tôi vừa nhập thêm 100 con gà về nuôi lấy trứng, lấy thịt. Lứa gà này ăn khỏe lắm, mới nuôi hơn một tháng mà gà đã lớn nhanh trông thấy. Hy vọng lứa này sẽ được xuất bán với giá cao”.

Nhìn cuộc sống của gia đình chị hiện tại, ít ai nghĩ rằng chị Tiên đã từng trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả trong quá khứ. Vợ chồng chị có 5 người con, đứa con lớn chỉ cách đứa con nhỏ vài tuổi. Để có tiền trang trải cuộc sống, anh chị đã phải làm việc quần quật từ sáng sớm đến tối muộn. Thế nhưng cái nghèo, cái khổ vẫn bám lấy cuộc sống của gia đình nhỏ này. Mãi đến khi biết đến các chương trình tín dụng chính sách, chị Tiên mới có cơ hội đổi đời.

Từ sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Ngân hàng CSXH huyện, trong nhiều năm, chị Tiên đã tiếp cận được các gói vay “Hộ nghèo”; “Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”; gói “Giải quyết việc làm”... với tổng số tiền trên 250 triệu đồng. Có nguồn vốn ưu đãi, chị có thêm điều kiện trang trải việc học cho con; mua thêm vật nuôi, sắm công cụ để phát triển kinh tế.

“Những gì gia đình tôi có được hôm nay đều nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi. Những chương trình vay vốn nhân văn của Đảng, Nhà nước đến kịp thời đã giúp các con tôi được tiếp tục đến trường; vợ chồng tôi có động lực lao động”, chị Tiên bộc bạch. Hiện nay, ngoài sắm máy cày để phục vụ nhu cầu sản xuất lúa của gia đình và các hộ xung quanh, vợ chồng chị còn trồng 8 sào lúa, 3 sào mía, trồng rừng keo tràm.

Từ năm 2020, vì lý do sức khỏe, chị chủ yếu ở nhà chăn nuôi thêm lợn, gà, bò để tăng thu nhập. Trung bình mỗi năm, từ mô hình kinh tế tổng hợp này mang lại cho gia đình chị nguồn thu trên 150 triệu đồng.

Nguồn vốn vay ưu đãi còn là “đòn bẩy” giúp bà Hoàng Thị Niệm (1968), ở thôn Tân Kỳ, xã Gio Quang thoát nghèo. “Tôi bệnh tật triền miên, không có công việc ổn định; chồng không may qua đời để lại bốn mẹ con tôi. Lúc ấy, tôi tưởng chừng bầu trời trước mắt hoàn toàn sụp đổ”, bà Niệm nhớ lại.

Nguồn vốn ưu đãi giúp bà Niệm có điều kiện mở rộng chăn nuôi - Ảnh: T.P
Nguồn vốn ưu đãi giúp bà Niệm có điều kiện mở rộng chăn nuôi - Ảnh: T.P
Năm 2013, thông qua kênh của Hội LHPN xã Gio Quang, bà Niệm được hỗ trợ vay 25 triệu đồng để có vốn chăn nuôi lợn. Trải qua những lúng túng trong bước đầu chăn nuôi, mô hình dần phát triển hiệu quả, lợn lớn nhanh, sinh sản tốt. Một năm sau đó, bà tiếp tục được hỗ trợ vay 15 triệu đồng để mở rộng chăn nuôi. Khi này, không chỉ nuôi lợn, bà còn nuôi thêm gà, vịt với số lượng lớn.

Năm 2015, niềm vui như được nhân đôi khi bà Niệm trở thành một trong những hộ nghèo được vay vốn xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Không chỉ được “tiếp sức” trong sản xuất, chăn nuôi, mẹ con tôi còn có điều kiện sống trong căn nhà mới kiên cố từ nguồn vốn ưu đãi.

Cũng nhờ vậy mà các con tôi có động lực học tập và thi đỗ vào trường đại học”, bà Niệm nói. Chưa dừng lại ở đó, bà Niệm được hỗ trợ vay vốn theo chương trình như “Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”, sau này nữa là chương trình “Hộ thoát nghèo” để mở rộng mô hình chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, đời sống ngày càng ổn định, gia đình bà Niệm đã thoát nghèo và trả hết các khoản nợ ngân hàng, đồng thời tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động nhằm giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

“Tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nguồn vốn vay ưu đãi mà Đảng, Nhà nước đã hỗ trợ. Nhờ nguồn vốn ấy, mẹ con tôi đã có động lực phát triển sản xuất, có một mái ấm gia đình, được tiếp thêm sức mạnh để tự tin hơn trong cuộc sống. Mong rằng Nhà nước sẽ tiếp tục có những hỗ trợ nhân văn như thế nhằm giúp người nghèo vươn lên”, bà Niệm nói.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân thì nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo, cận nghèo đã kịp thời trợ lực cho họ làm chủ kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho gần 10.120 khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, gần 2.515 lao động có việc làm ổn định; 53 lao động đi xuất khẩu lao động ngoài nước; gần 736 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, 405 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, 89 căn nhà ở xã hội...

Năm 2023, tỉ lệ hộ nghèo của huyện là 6,6%, giảm còn 5,3% vào 6 tháng đầu năm 2024. Tính đến 30/6/2024, tổng dư nợ trên địa bàn huyện đạt trên 651 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,3% với 247 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 17 xã, 97 thôn. “Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, đồng thời hướng dẫn các hộ dân quản lý, sử dụng để nguồn vốn này phát huy hiệu quả cao”, ông Hạnh khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tín dụng chính sách, “cửa thoát hiểm của người nghèo”

Quang Giang |

Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng 8 tỉ đồng xây dựng nhà ở cho người nghèo tỉnh Quảng Trị

Q.H |

 Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 (1947 - 2024), hôm nay 21/7, UVTƯ Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cùng thành viên trong đoàn công tác đến thăm và trao kinh phí hỗ trợ tỉnh Quảng Trị xây dựng nhà ở cho người nghèo. Đón tiếp đoàn có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đào Mạnh Hùng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.

Quan tâm hỗ trợ người nghèo vươn lên

Nguyễn Phúc |

Trong nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình, thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó đáng kể nhất là công tác vận động các nguồn quỹ để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, góp phần giúp người nghèo có nơi ăn chốn ở ổn định, vươn lên sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo bền bững.

Phát huy hiệu quả nguồn quỹ “Vì người nghèo” ở Vĩnh Linh

Nguyễn Trang |

Quỹ “Vì người nghèo” là một trong những mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Tại huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), việc tích cực huy động, phát huy hiệu quả nguồn quỹ nhằm hỗ trợ đối tượng hộ nghèo, cận nghèo thông qua nhiều hoạt động trọng tâm, thiết thực đã góp phần cùng địa phương đảm bảo công tác an sinh xã hội.