Tín dụng chính sách, “cửa thoát hiểm của người nghèo”

Quang Giang |

Trong những năm qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội (CSXH) đã mang lại nhiều kết quả tích cực trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Nhờ nguồn vốn hỗ trợ cho vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, từng bước thoát nghèo bền vững.

Với tinh thần “phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng luôn đồng hành sát cánh, mang nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người nghèo.

Tại các điểm giao dịch được tổ chức cố định vào những ngày trong tháng, UBND các xã đã bố trí vị trí treo các nội dung công khai, địa điểm giao dịch và đảm bảo an toàn cho các phiên giao dịch, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi.

Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng giải ngân cho người dân vay vốn tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng - Ảnh: MT
Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng giải ngân cho người dân vay vốn tại xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng - Ảnh: MT


Chính sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị đã giúp hoạt động tín dụng chính sách ngày càng được phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng Giao dịch NHCS huyện Hải Lăng đã giải ngân 2.475 lượt khách hàng, trong đó có 51 lượt hộ nghèo, 521 lượt hộ cận nghèo, 353 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, 72 lượt học sinh, sinh viên vay vốn để học tập, 1.009 lượt hộ gia đình vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch và công trình vệ sinh, 180 lượt hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, 281 lao động vay vốn giải quyết việc làm, 3 hộ vay vốn xây dựng nhà ở xã hội, 5 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn.

Đến nay, dư nợ toàn huyện đạt 631.193 triệu đồng, tăng 41.871 triệu đồng so với đầu năm, có 10.504 khách hàng vay vốn tại Ngân hàng CSXH huyện thông qua 254 Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 71 thôn, khóm.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống, đặc biệt, có những gia đình đã mở mang sản xuất, vươn lên làm ăn khá giả. Điển hình là gia đình cựu chiến binh Lê Hữu Đương ở thôn Văn Vận, xã Hải Quy.

Ông Đương là thương binh 4/4, sau khi trở về địa phương, ông luôn trăn trở làm thế nào để thoát khỏi cảnh nghèo đói. Với nguồn vốn ít ỏi của gia đình, ông Đương mở xưởng mộc nhỏ tại nhà. Bước đầu, xưởng mộc của ông chủ yếu làm một số mặt hàng đơn giản phục vụ cho người dân trong thôn.

Năm 2020, ông Đương bàn bạc với gia đình vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng để mua sắm thêm máy móc, mở rộng sản xuất. Từ đó đến nay, xưởng mộc của ông ngày càng phát triển, sản phẩm đa dạng, phong phú hơn. Nhờ vậy nên thị trường tiêu thụ sản phẩm mộc của ông Đương được mở rộng ra các địa phương khác, thu nhập cũng tăng cao so với trước. Đến nay, xưởng mộc của gia đình ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, doanh thu trung bình mỗi năm từ xưởng mộc hàng trăm triệu đồng.

Bà Hồ Thị Gái ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh là một trong số hàng nghìn khách hàng được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng thông qua kênh phụ nữ. Những năm trước đây gia đình bà Hồ Thị Gái có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà cửa tạm bợ, đất ở và sản xuất phải thuê mướn, bản thân bà Gái thường xuyên đau ốm nên cuộc sống có những lúc bế tắc.

Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, Hội Phụ nữ xã Hải Chánh đã tạo điều kiện tín chấp cho vay 50 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để gia đình đầu tư mô hình trồng hoa. Nhờ nguồn vốn quý giá này, cộng thêm sự cần cù, chịu khó của vợ chồng bà, mô hình trồng hoa đầu tiên trên địa bàn xã Hải Chánh được hình thành và ngày càng phát triển. Những năm thuận lợi, mô hình cho lãi ròng 100 triệu đồng.

Nhờ vậy, bà đã thoát nghèo, mua được mảnh vườn để ổn định sản xuất và xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Cùng với ông Lê Hữu Đương và bà Hồ Thị Gái, hàng nghìn đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Hải Lăng đã tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi và sử dụng vốn hiệu quả, thoát nghèo bền vững, tiến lên làm giàu chính đáng.

Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng Lê Quang Lực cho biết: “Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giúp hàng chục nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện vượt qua ngưỡng nghèo, người lao động có việc làm, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Có thể nói, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hải Lăng luôn đồng hành với người dân trên mỗi giai đoạn quan trọng của cuộc đời “Học tập, lập nghiệp, khởi nghiệp, an cư”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Khởi tố, bắt tạm giam đối tượng ở Hải Lăng cho vay với lãi suất cao gấp 5 lần mức quy định tối đa

Nguyên Ân |

Ngày 27/7, thông tin từ Công an huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) của đơn vị vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt, tạm giam đối với Lê Thị Hương (sinh năm 1971), trú tại Khóm 6, thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng để điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tuyên xử phạt tiền 300 triệu đồng đối với 2 bị cáo cho vay lãi nặng

T.B |

Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Trị vừa mở phiên tòa xét xử vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, tuyên bị cáo Nguyễn Hữu Đảng (sinh năm 1992), quê ở Hưng Yên, tạm trú tại TP. Đông Hà hình thức phạt tiền 200 triệu đồng và Lê Văn Dũng (sinh năm 2003), trú tại TP. Đông Hà 100 triệu đồng.

Cam Lộ: 11 khách hàng vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội bỏ đi khỏi nơi cư trú

Anh Vũ |

Thông tin từ ông Nguyễn Xuân Ánh, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Cam Lộ (Quảng Trị) cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện có 11 khách hàng vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú, gây khó khăn cho đơn vị trong việc thu hồi vốn.

Công nhân được vay vốn làm nhà ở

Mai Lâm |

Nhờ chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, thời gian qua nhiều người có thu nhập thấp ở Quảng Trị có cơ hội xây dựng, nâng cấp, sửa chữa nhà để ổn định cuộc sống. Đặc biệt, sau 5 năm triển khai, đến năm 2023, một số công nhân, người lao động trực tiếp tại các doanh nghiệp ở những khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn vay này nhờ sự chủ động vào cuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) và một số đơn vị liên quan.