Đồng hành với người dân vùng khó xây dựng thương hiệu cà phê chất lượng cao

Minh Long |

Xuất phát từ tâm nguyện gắn kết mục tiêu phát triển của doanh nghiệp với sự phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những năm qua, Công ty TNHH Pun Coffee ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đã tích cực hỗ trợ đồng bào dân tộc Vân Kiều nơi đây tham (Quảng Trị) gia sản xuất cà phê chất lượng cao, giúp người dân đem lại nguồn thu nhập ổn định. 

Việc làm của doanh nghiệp không chỉ mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm mà còn tạo việc làm, góp phần giúp người dân nơi vùng biên giới loại bỏ phương thức sản xuất lạc hậu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nâng cao đời sống.

Gia đình chị Hồ Thị Khăn, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Xary, xã Hướng Phùng có 0,5 ha cà phê trồng từ năm 1999. Cũng giống như nhiều người dân trong vùng, diện tích cà phê của gia đình chị trồng nhờ chủ yếu vào trời đất, được chừng nào hay chừng đó. Không nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật trồng nên sản lượng thấp, mặt khác kỹ thuật thu hái không đảm bảo vì vậy bán không được giá. Thêm vào đó là đầu ra sản phẩm không ổn định, giá cả bấp bênh nên gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.

Công ty TNHH Pun Coffee là một trong những doanh nghiệp đi đầu xây dựng mô hình điểm về cà phê chất lượng cao ở Hướng Hóa - Ảnh: M.L
Công ty TNHH Pun Coffee là một trong những doanh nghiệp đi đầu xây dựng mô hình điểm về cà phê chất lượng cao ở Hướng Hóa - Ảnh: M.L

Năm 2019, được sự hỗ trợ của Công ty TNHH Pun Coffee về nhiều mặt, đặc biệt là kiến thức trồng, chăm sóc, thu hoạch với phương châm “cầm tay chỉ việc” tại vườn cà phê; hỗ trợ cây giống, phân bón, đầu ra sản phẩm ổn định nên việc sản xuất của gia đình chị thực sự thay đổi tích cực. Từ đó chị mở rộng được thêm 1,2 ha cà phê. Nhờ được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên sản lượng vườn cà phê của chị đạt 8 tấn/năm.

Chị Khăn phấn khởi cho biết: “Nhờ Công ty TNHH Pun Coffee giúp đỡ, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường nên chúng tôi cẩn thận hơn trong việc chăm bón cho cây cũng như hái quả. Chúng tôi mong muốn được hợp tác lâu dài với công ty để cùng nhau làm nên sản phẩm cà phê chất lượng cao”.

Được thành lập từ năm 2019, Công ty TNHH Pun Coffee với các mảng hoạt động chính là sản xuất cà phê Arabica, thiết kế trồng rừng, dịch vụ và du lịch. Với phương châm đồng hành với người Vân Kiều sản xuất cà phê chất lượng cao, ngay từ khi mới thành lập, doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn, trong đó lấy đồng bào dân tộc thiểu số làm trung tâm.

Với diện tích 5 ha được đầu tư kỹ càng, công ty lấy đó để xây dựng mô hình điểm về cà phê chất lượng cao, từ đó nhân rộng mô hình. Qua hơn 3 năm triển khai, bằng sự thâm nhập thực tế kỳ công, nghiên cứu chuyên sâu về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật bài bản, sản phẩm cà phê của công ty trồng trên đất Hướng Phùng phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao.

Liên tiếp trong 3 năm từ 2020 - 2022, sản phẩm của công ty đã đoạt nhiều giải thưởng danh giá: 2 sản phẩm cà phê bột phin giấy và cà phê hạt đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh (OCOP); đoạt giải Nhất cà phê đặc sản Việt Nam năm 2021 ở hạng mục cà phê Arabica; giải Nhì sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Quảng Trị lần thứ VI năm 2022. Từ kết quả này, công ty hoàn toàn tự tin hỗ trợ người Vân Kiều trong vùng cùng tham gia sản xuất cà phê chất lượng cao. Lấy mô hình điểm của công ty mình giúp bà con học tập, nhân rộng.

Để tăng cường kết nối trong cộng đồng, công ty chủ động thành lập tổ hợp tác sản xuất cà phê gồm hơn 90 hộ người dân tộc Vân Kiều ở xã Hướng Phùng và Hướng Sơn với tổng diện tích trên 50 ha cà phê. Giám đốc và nhân viên, công nhân của công ty tích cực về tận thôn bản để tuyên truyền vận động người dân thực hiện quy trình sản xuất cà phê chất lượng cao, đặc biệt là không dùng hóa chất trong quá trình chăm bón, đảm bảo sản phẩm thu vào phải sạch, quả chín đều, không lẫn tạp chất.

Nhằm tạo điều kiện bước đầu cho các hộ gia đình tham gia, công ty đã hỗ trợ phân bón, cây giống, đào tạo kiến thức khoa học kỹ thuật canh tác và thu hái. Thực hiện cam kết với các hộ trong tổ hợp tác là sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cà phê của họ với giá cao hơn giá thị trường 1,5 lần với điều kiện là có đăng ký với công ty từ đầu vụ và sản phẩm phải đạt chất lượng theo yêu cầu của đơn vị đề ra. Sau 4 năm triển khai thực hiện, Công ty TNHH Pun Coffee đã trở thành địa chỉ đáng tin cậy của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Bình quân mỗi niên vụ doanh nghiệp thu mua gần 4 tấn cà phê quả tươi đạt chất lượng cao từ vùng nguyên liệu của người dân có đăng ký và cam kết với công ty. Ngoài ra, công ty còn tạo điều kiện việc làm thường xuyên cho trên 15 lao động là người Vân Kiều tại địa phương với mức thu nhập bình quân là 5,5 triệu đồng/tháng.

Với sự hợp tác chặt chẽ giữa công ty và cộng đồng dân tộc thiểu số, cà phê nơi đây đang dần tăng năng suất chất lượng và xây dựng được thương hiệu cà phê nổi tiếng, ngày càng vươn xa trên thị trường trong và ngoài nước. Bình quân mỗi năm, đơn vị sản xuất 5 tấn cà phê đặc sản, 20 tấn cà phê thương mại. Hiện đã xuất khẩu 2 tấn cà phê rang thành phẩm sang thị trường Mỹ.

Để xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, hiện nay, Công ty TNHH Pun Coffee đang tập trung triển khai chương xây dựng mô hình nông - lâm kết hợp, hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Theo đó, đơn vị này sẽ hỗ trợ cho bà con người Vân Kiều tại địa bàn cây giống sưa đỏ và phân bón, kỹ thuật trồng trong 2 năm đầu để trồng xen vào vườn cà phê nhằm vừa tạo bóng mát vừa đem lại thu nhập kết hợp.

Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee Lương Thị Ngọc Trâm cho biết: “Chúng tôi muốn đồng bào người Vân Kiều nơi đây có động lực để thay đổi xu hướng canh tác, khai thác được tiềm năng đặc biệt của vùng nguyên liệu cà phê mà không phải vùng nào cũng có được. Vì thế, chúng tôi sẽ hỗ trợ tích cực để bà con có thêm điều kiện tham gia sản xuất cà phê bền vững, cùng với công ty sản xuất cà phê chất lượng cao, xây dựng thương hiệu cà phê nơi đây ngày càng phát triển.

Chúng tôi đặt mục tiêu gắn liền hoạt động của mình đối với việc tác động vào kinh tế, môi trường, xã hội vùng dân tộc thiểu số lên trên hết, trong đó chú trọng việc bình đẳng giới đối với nông hộ làm cà phê, góp phần xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng phát triển”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cà phê đặc sản Khe Sanh - Hiện thực và triển vọng

Lê An |

Cà phê đặc sản là sản phẩm cà phê phải đạt được ít nhất 80/100 điểm theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê đặc sản Thế giới (SCA) xét trên 10 tiêu chí về chất lượng và hương vị. Hiện thị phần cà phê đặc sản chỉ chiếm khoảng 2% tổng sản lượng cà phê thế giới, nhưng lại có giá trị cao gấp nhiều lần so với sản phẩm cà phê thông thường. Do vậy, phát triển cà phê đặc sản được xem là hướng đi triển vọng, mở ra cơ hội nâng cao hình ảnh cà phê Khe Sanh, đồng thời cải thiện thu nhập cho nông dân.

Chia sẻ kết quả khảo sát và kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng cà phê tại Quảng Trị

Thanh Trúc |

Ngày 22/7, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị phối hợp với các Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (MCNV) và Công ty Slow Forest Coffee (Công ty Slow) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả khảo sát và kế hoạch xây dựng chuỗi cung ứng cà phê tại Quảng Trị”. 

Khởi động nhiệm vụ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho cà phê Khe Sanh

Nguyễn Đình Phục |

Tại huyện Hướng Hoá, UBND huyện, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa vừa tổ chức hội nghị khởi động nhiệm vụ “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị”.

Những thời điểm không nên uống cà phê bạn cần phải biết

Minh Khang |

Khi chưa ăn gì, khi nồng độ cholesterol cao, khi đã uống 2 cốc … là những thời điểm bạn không nên dùng cà phê.