Khi chưa ăn gì, khi nồng độ cholesterol cao, khi đã uống 2 cốc … là những thời điểm bạn không nên dùng cà phê.
Cà phê là một trong những thức uống được rất nhiều người yêu thích nhờ khả năng đem lại sự tỉnh táo. Theo nhà dinh dưỡng học Sharon Katzman, một số lượng nhỏ nghiên cứu mới ghi nhận, cà phê có thể là phương pháp hữu ích chống lại chứng mất trí. Ngoài ra, cà phê đen có thể tăng cường kỹ năng nhận thức, hỗ trợ tiêu hóa, hoạt động như chất chống viêm.
Tuy nhiên, không phải lúc nào thưởng thức cà phê cũng đem lại những lợi ích trên. Sau đây là một số thời điểm được các chuyên gia chia sẻ là không thích hợp để thưởng thức đồ uống này.
Không nên uống cà phê khi đói
Chuyên gia Katzman thông tin, cà phê có tính axit nên sẽ khiến một số người khó chịu nếu uống khi đói. Nồng độ axit trong cà phê sẽ làm hỏng lớp niêm mạc, gây ra chứng ợ nóng, trào ngược, khó tiêu và các bệnh về dạ dày.
Tốt hơn là bạn hãy ăn nhẹ một chút gì đó trước khi uống cà phê và lấy lại hiệu suất làm việc của mình. Bạn cũng có thể thêm một số loại sữa vào cà phê để giảm nồng độ axit. Hoặc chọn cà phê ủ lạnh (cold brew) ít đắng và tính axit hơn cà phê thông thường nếu muốn bắt đầu ngày mới với một ly cà phê.
Không nên uống cà phê sau khi đã uống 2 cốc
Nhà dinh dưỡng học Katzman khuyên nên giới hạn lượng tiêu thụ cà phê ở mức 2-3 cốc và thức uống này không phải là ngoại lệ cho câu nói "mọi thứ cần có chừng mực". Khi bạn uống hơn 3 cốc, có thể dẫn tới tình trạng mất nước.
Không nên uống cà phê khi nồng độ cholesterol cao
Trong vài năm gần đây đã có một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa cà phê và nồng độ cholesterol trong máu. Các loại dầu cà phê (diterpene) có trong cà phê thông thường và cà phê khử caffeine như cafestol, kahweol là nguyên nhân làm tăng cholesterol, nhưng mức tăng không đáng kể.
Chuyên gia Katzman khuyến cáo, nếu bạn được bác sĩ thông báo có mức cholesterol cao, tuy không cần phải cắt bỏ cà phê ra khỏi cuộc sống nhưng nên thay đổi thói quen uống cà phê.
Bạn nên uống cà phê trong 4-5 ngày/tuần và có thể luân phiên chuyển sang trà xanh bất cứ khi nào có thể. Nếu mức cholesterol “xấu” cao, hãy uống cà phê lọc để tránh chỉ số trên tăng cao đột biến.
Không nên uống cà phê sau buổi trưa
Các bằng chứng khoa học cho thấy mọi người có thể uống cà phê buổi trưa nhưng không nên uống sau 14 giờ chiều cũng như không uống trước khi ngủ 6 tiếng bởi nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ của bạn.
Với những người vẫn cần sự tỉnh táo tập trung cho cả ngày nên uống cà phê ủ lạnh (cold brew) vào buổi sáng. Cà phê ủ lạnh thường có lượng caffeine cao hơn loại nóng, tạo ra một cốc đậm đặc hơn. Do đó, một cốc ủ lạnh vào lúc 11h30 sẽ khiến bạn tiếp tục tỉnh táo, không cần bổ sung thêm vào buổi chiều.
(Nguồn: Phụ nữ mới)