Trong những năm trở lại đây, nhiều diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bước vào giai đoạn già cỗi, năng suất thấp nên việc đẩy mạnh tái canh cà phê được xem là hướng đi giúp nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Theo kế hoạch, tỉnh phấn đấu đến năm 2026 có ít nhất 1.000 ha cà phê được tái canh; đến năm 2030 sẽ hoàn thành công tác tái canh cây cà phê trên địa bàn.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 4.054 ha cà phê, trong đó có 3.885 ha cho sản phẩm; năng suất 10,2 tạ/ha, sản lượng đạt 3.964 tấn, trong đó có gần 20 ha canh tác theo hướng hữu cơ sinh thái. Tuy nhiên, qua khảo sát có hơn 53% diện tích cà phê già cỗi, thoái hóa và nhiễm sâu bệnh, giảm năng suất.
Theo kế hoạch của đề án “Tái canh và phát triển bền vững cây cà phê chè trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2020, có tính đến năm 2025”, từ năm 2017 - 2025, tỉnh thực hiện tái canh 1.910 ha cà phê, tập trung vào 10 xã, thị trấn trồng cà phê chủ lực trên địa bàn huyện Hướng Hóa gồm: Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Tân, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Lập, Ba Tầng, Húc và thị trấn Khe Sanh.
Để thực hiện đề án, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND ban hành một số chính sách thúc đẩy chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh. Tổ chức điều tra những hộ gia đình trồng cà phê tại các xã trọng điểm của huyện Hướng Hóa nhằm thu thập các thông tin cần thiết như diện tích cà phê theo độ tuổi, tình hình sinh trưởng, phát triển, sâu bệnh và năng suất, sản lượng của vườn cây; nhu cầu tái canh, cưa đốn cải tạo, nhu cầu trồng mới. Thử nghiệm và tuyển chọn được 2 giống cà phê chè gồm THA1 và TN9 đáp ứng điều kiện sản xuất trên địa bàn và đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống chính thức, làm cơ sở bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất trên địa bàn tỉnh. Chứng nhận 2 vườn cây đầu dòng cà phê chè Catimor để lấy hạt giống gieo ươm với diện tích 2 ha để chuẩn bị nguồn giống phục vụ tái canh.
Hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa kiểm tra vườn cây đầu dòng trước khi thu hoạch và chất lượng các vườn ươm cây giống trước khi xuất vườn đảm bảo chất lượng giống cà phê đưa vào tái canh. Đồng thời, hỗ trợ hơn 1,7 tỉ đồng từ kinh phí Nhà nước; vận động sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ trên địa bàn huyện Hướng Hóa như Viện Mekong, Dự án EMEE - Tổ chức Tầm nhìn Thế giới… với kinh phí hơn 8 tỉ đồng để thúc đẩy phát triển sản xuất, chế biến cà phê, phục vụ đề án tái canh giai đoạn 2017 - 2020. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng tích cực triển khai các chính sách tín dụng để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn được vay vốn thực hiện dự án trồng, chăm sóc, thu mua, chế biến cà phê với tổng dư nợ cho vay ngành cà phê gần 102,8 tỉ đồng.
Tính đến cuối năm 2021, diện tích trồng mới và tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh là 533,8 ha, đạt 66,7% kế hoạch. Qua kiểm tra thực tế và đánh giá ban đầu, hầu hết các vườn cà phê tái canh đều phát triển tốt. Đối với những vườn tái canh bằng phương pháp trồng mới từ năm 2017 - 2019 đã cho thu hoạch, năng suất đạt 15 tấn quả tươi/ ha, cao hơn các vườn cà phê già cỗi (10 - 15 năm tuổi) từ 1,2 - 1,5 lần; đối với những vườn tái canh bằng phương pháp đốn đau, năng suất đạt 18 - 20 tấn/ha, đạt 120% so với mục tiêu đề án. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập được một số nhóm, tổ, hợp tác xã (HTX) sản xuất cà phê có liên kết theo hướng bền vững như cà phê sạch, cà phê hữu cơ, cà phê sinh thái..., góp phần nâng cao chất lượng ngành hàng cà phê của tỉnh.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều diện tích cà phê già cỗi, đòi hỏi nguồn lực lớn để tái canh, trong khi phần lớn người trồng cà phê là bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống khó khăn. Giá cà phê bấp bênh, có nhiều biến động, không ổn định và phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới trong khi giá cả phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và ngày công ngày càng tăng cao đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của người trồng cà phê, cản trở sự đầu tư, chăm sóc, tái canh cà phê. Nông dân ở một số vùng không có thu nhập nên bỏ hoang cà phê, không chăm sóc, một số diện tích được chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cà phê trên địa bàn. Ngoài ra, sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp rất hạn chế, phần lớn sản phẩm cà phê của nông dân được thu mua qua thương lái...
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết, Quảng Trị lựa chọn mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn gắn với các sản phẩm chủ lực, trong đó có cà phê Arabica Khe Sanh. Cụ thể, duy trì và ổn định diện tích từ 5.300 - 5.500 ha, năng suất đạt tối thiểu 1,4 tấn/ha. Phấn đấu đến năm 2026 có ít nhất 1.000 ha cà phê được tái canh, 50 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ, phát triển 60 ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Đến năm 2030 hoàn thành công tác tái canh diện tích cà phê già cỗi trên địa bàn bằng bộ giống cà phê chè chất lượng cao, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật; có 150 ha cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và duy trì phát triển 60 ha cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. “Trước mắt, trong năm 2022 sẽ tiếp tục thực hiện tái canh trên diện tích 105 ha, trong đó có 90 ha tái canh bằng phương pháp đốn đau và 15 ha tái canh bằng phương pháp trồng mới”, ông Hiền cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)