Nâng tầm giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Khe Sanh

Thanh Trúc |

Phát triển cà phê đặc sản được xem là nhu cầu cấp bách và là chiến lược để nâng cao giá trị gia tăng cũng như khả năng cạnh tranh sản phẩm cà phê chè Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) trên thị trường thế giới, góp phần phát triển bền vững ngành cà phê của tỉnh.

Là một trong 8 tỉnh được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) chọn để phát triển cà phê đặc sản theo Đề án Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Đề án), tỉnh Quảng Trị vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án này. Phóng viên Báo Quảng Trị đã phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT HỒ XUÂN HÒE về những vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án.


-Thưa ông! Quảng Trị lựa chọn Hướng Hóa là địa phương để triển khai phát triển cà phê đặc sản theo đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đề nghị ông cho biết những tiêu chí để trở thành vùng sản xuất cà phê đặc sản?

-Năm 2021, Công ty TNHH Pun Coffee - Hướng Phùng, Hướng Hóa đã đoạt giải Nhất và nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị đoạt giải nhì cà phê đặc sản Việt Nam do Hiệp hội cà phê Buôn Mê Thuột tổ chức. Từ sự kiện này, cà phê Quảng Trị được nhiều người biết đến. Đồng thời, tỉnh được lựa chọn là một trong 8 địa phương tham gia thực hiện đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đây chính là một cơ hội quan trọng để nâng tầm giá trị cà phê Khe Sanh của tỉnh Quảng Trị.

Thu hoạch cà phê ở xã Hướng Phùng - Ảnh: T.T
Thu hoạch cà phê ở xã Hướng Phùng - Ảnh: T.T

Để đáp ứng yêu cầu về vùng sản xuất cà phê đặc sản, tiêu chí bắt buộc là vùng đó phải được cơ quan chức năng khảo sát, xác định, phê duyệt bằng văn bản. Diện tích sản xuất phải liền vùng, tập trung với quy mô tối thiểu 0,5 ha đối với cá nhân, hộ gia đình và 1 ha đối với tổ chức. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất cà phê đặc sản Việt Nam đã được cơ quan chức năng ban hành (giống chất lượng cao, quy trình canh tác…). Ngoài ra, kết cấu cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, điện, hệ thống tưới, tiêu chủ động và những công trình khác đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và từng bước cải thiện theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Quy mô lớn tập trung và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, áp dụng công nghệ tiên tiến (sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, sinh thái…) và có cơ sở thu mua, bảo quản, chế biến nông sản gần nơi sản xuất. Khuyến khích các trang trại, hộ sản xuất hình thành hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) nhằm liên kết với doanh nghiệp trong thu mua nguyên liệu đầu vào, trao đổi kỹ thuật sản xuất, tiếp cận, chuyển giao khoa học công nghệ và ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cà phê đặc sản. Mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê đặc sản dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu cà phê đặc sản phục vụ thị trường trong nước và thế giới.

Đối tượng tham gia đề án là các doanh nghiệp có hợp đồng liên kết sản xuất gắn với thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê với các HTX, THT, liên hiệp HTX hoặc hộ gia đình, cá nhân trồng cà phê đặc sản trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Nông dân tham gia hợp đồng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ cà phê đặc sản với doanh nghiệp hoặc tổ chức đại diện của nông dân.

-Vậy để triển khai thực hiện hiệu quả đề án, tỉnh đặt ra mục tiêu và giải pháp cụ thể như thế nào, thưa ông?

-Hiện nay, ngành nông nghiệp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu phát triển cà phê đặc sản phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu cà phê đặc sản ngày càng tăng nhằm nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm cà phê chè Khe Sanh trên thị trường trong nước và thế giới, góp phần phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn, tạo thu nhập ổn định cho người trồng cà phê.

Theo đó, đến năm 2025 sẽ phát triển cà phê chè đặc sản tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, với tổng diện tích ổn định khoảng 60 ha, sản lượng dự kiến 20 tấn cà phê nhân. Ban hành quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Quảng Trị, phấn đấu có 20 ha cà phê đặc sản được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ. Đến năm 2030 tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, thương hiệu cà phê đặc sản Quảng Trị, giữ ổn định 60 ha cà phê đặc sản đã có tại xã Hướng Phùng, mở rộng thêm 50 ha cà phê đặc sản trên địa bàn các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp và các xã khác đáp ứng tiêu chí, điều kiện. Sản lượng dự kiến 50 tấn cà phê nhân. Duy trì ổn định 20 ha diện tích cà phê được chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và tiếp tục nhân rộng 50 ha cà phê đạt tiêu chuẩn hữu cơ, trong đó có ít nhất 30 ha chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.

Tỉnh định hướng 7 giải pháp quan trọng để tập trung triển khai thực hiện, đó là tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho người dân, HTX, THT, doanh nghiệp trực tiếp tham gia đề án; lựa chọn quy hoạch vùng phù hợp để thực hiện việc tái canh, phục hồi, cải tạo hoặc trồng mới; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, cải tạo đất để gìn giữ và duy trì tính chất lý hóa của đất; xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường; ban hành các giải pháp về đầu tư và chính sách thúc đẩy phát triển cà phê nói chung và cà phê đặc sản nói riêng.

-Như vậy có thể thấy, cơ hội tham gia thực hiện đề án rộng mở đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Theo như ông vừa chia sẻ, trong các giải pháp quan trọng mà tỉnh đã định hướng để triển khai thực hiện đề án, giải pháp chính sách là một trong những yếu tố tác động trực tiếp, khuyến khích các đối tượng tham gia đề án. Ông có thể cho biết về những chính sách mà doanh nghiệp, THT, HTX và người dân sẽ được hưởng như thế nào?

- Ngoài việc tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách trung ương đã ban hành, về phía địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực đối với các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất tham gia thực hiện đề án. Bao gồm: Hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân sản xuất, thu hái, bảo quản, chế biến cà phê đặc sản; các chính sách hỗ trợ tại Nghị quyết số 162/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh như: Hỗ trợ giống (cà phê, cây ăn quả trồng xen), vật tư phát triển cây cà phê theo hướng cà phê đặc sản, hữu cơ kết hợp trồng xen cây ăn quả; Hỗ trợ chứng nhận sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ; Hỗ trợ công tác quảng bá, xúc tiến thương mại thông qua các sự kiện, hội thi, hội chợ, triển lãm, phiên chợ, đoàn giao thương, hội nghị kết nối cung cầu quảng bá, kết nối tiêu thụ cà phê đặc sản trong tỉnh, trong nước và ngoài nước; Hỗ trợ tín dụng thông qua các chương trình vay vốn ưu đãi phát triển cà phê đặc sản.

Ngoài ra, cà phê Khe Sanh đang được tiến hành xây dựng chỉ dẫn địa lý, các đơn vị trên địa bàn đang tiến hành nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc nhằm quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao giá trị sản phẩm hạt cà phê tại tỉnh Quảng Trị.

Với những chính sách nói trên và định hướng phát triển đúng đắn, trong thời gian tới, tin rằng cà phê Khe Sanh sẽ sớm lấy lại thương hiệu và giá trị vốn có, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị của nông sản Quảng Trị trên thị trường trong nước và quốc tế.

-Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đoạt giải nhất cà phê đặc sản, Arabica Khe Sanh tiến vào thị trường Mỹ

Công Điền |

Hợp đồng xuất khẩu lô hàng cà phê nhân rang xay Arabica Khe Sanh (Quảng Trị) vừa được Công ty TNHH Pun Coffee ký kết thành công với một doanh nghiệp Mỹ.

Nông dân Hướng Hóa tất bật thu hoạch cà phê đợt cao điểm

Trường Sơn |

Những ngày này, bà con nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang tất bật thu hoạch cà phê vào đợt cao điểm. Giá thu mua cà phê tươi vụ mùa năm nay cao nhất so với nhiều năm qua, dao động từ 9.000 - 10.000 đồng/kg.

Tín hiệu vui từ giá thu mua cà phê tươi ở Hướng Hóa

Khánh Ngọc |

Bước vào niên vụ thu hoạch cà phê 2020-2021, giá thu mua cà phê tươi trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tăng cao gần 3 lần so với niên vụ trước, dao động từ 8.000-9.500 đồng/kg, người trồng cà phê rất phấn khởi vì cà phê được giá. Đây là tín hiệu vui để người trồng cà phê Hướng Hóa có thêm điều kiện chăm sóc phục hồi, tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn sau nhiều năm liền lao đao vì cà phê rớt giá.

Khởi nghiệp bằng niềm đam mê cà phê nguyên chất

Vân Trang |

Gia cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Thiện (sinh năm 1986), quê ở tỉnh Hà Tĩnh đành gác lại giấc mơ giảng đường để vào Tây Nguyên làm thuê. Nhiều năm đảm nhận công việc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cà phê nên anh Thiện hiểu rõ những giá trị mà cà phê nguyên chất mang lại. Niềm đam mê với cà phê lớn dần trong lòng chàng trai tha hương để anh nung nấu ý định về một ngày không xa sẽ khởi nghiệp bằng kinh doanh cà phê nguyên chất.