Gia cảnh khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Phạm Văn Thiện (sinh năm 1986), quê ở tỉnh Hà Tĩnh đành gác lại giấc mơ giảng đường để vào Tây Nguyên làm thuê. Nhiều năm đảm nhận công việc chăm sóc, thu hoạch, sơ chế cà phê nên anh Thiện hiểu rõ những giá trị mà cà phê nguyên chất mang lại. Niềm đam mê với cà phê lớn dần trong lòng chàng trai tha hương để anh nung nấu ý định về một ngày không xa sẽ khởi nghiệp bằng kinh doanh cà phê nguyên chất.
Những tháng ngày làm thuê tại Tây Nguyên đã nhen nhóm lại giấc mơ đèn sách trong lòng cậu học trò nghèo Phạm Văn Thiện. Năm 2006, Thiện thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Huế, chuyên ngành Xã hội học. Sau khi tốt nghiệp đại học, với thành tích học tập khá ấn tượng, Thiện được nhận vào làm việc tại Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Trường Đại học Khoa học Huế, tham gia nhiều chương trình nghiên cứu, thực hiện nhiều dự án hỗ trợ phát triển cộng đồng tại những vùng kinh tế khó khăn. Anh thường xuyên tham gia các hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng, tiêu biểu như: hỗ trợ cho người khuyết tật tỉnh Thừa Thiên - Huế, tại cộng đồng tái định cư ven phá Tam Giang, cộng đồng dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Từng đi nhiều nơi trong và ngoài nước để tham gia hội nghị, hội thảo, nghiên cứu các dự án phục vụ cộng đồng nhưng duyên số đã gắn cuộc đời anh với mảnh đất Quảng Trị. Đầu năm 2014, anh Thiện lập gia đình cùng chị Nguyễn Thị Vương (sinh năm 1988), ở thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa và về sinh sống tại Khu phố 4, Phường 5, thành phố Đông Hà.
Cuối năm 2014, anh Thiện cùng vợ, vốn là thạc sĩ Khoa học cây trồng thành lập Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp và Môi trường (CEADR), trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Trị. Đây là một trong những tổ chức nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án phát triển với mong muốn góp phần cải thiện cuộc sống cho người dân, nhất là người dân vùng dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi.Song song với các hoạt động dự án, CEADR đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển dịch vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp, chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, trong đó có cây cà phê. Sau một thời gian dài nghiên cứu và tìm hiểu về cà phê ở Quảng Trị, đầu năm 2015, vợ chồng anh đã quyết định mở xưởng rang xay cà phê kết hợp kinh doanh cà phê rang xay nguyên chất tại thành phố Đông Hà với tên gọi Farm Coffee. Từ khi bắt đầu kinh doanh đến nay, Farm Coffee đã có 2 cơ sở tại thành phố Đông Hà, ở số 41 Nguyễn Trãi và 03 Đào Duy Từ. Farm Coffee ra đời trong bối cảnh người tiêu dùng đang lo ngại tình trạng cà phê tẩm trộn hóa chất, cà phê giả. Ở thành phố Đông Hà, người tiêu dùng lúc đó chưa quen nhiều với cà phê nguyên chất và rất ít nơi kinh doanh loại cà phê này. Khi vừa mới kinh doanh, Farm Coffee đã lập tức mang lại niềm tin cho người tiêu dùng bằng chất lượng, uy tín, tạo ra mô hình kinh doanh cà phê hiệu quả. “Farm Coffee mong muốn tạo ra cách tiếp cận mới, thay đổi mới trong nhận thức về kinh doanh và thưởng thức cà phê.
Cụ thể, việc kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng, có trách nhiệm. Người tiêu dùng biết được nguồn gốc sản phẩm và quy trình sản xuất, an toàn cho sức khỏe. Cùng với những kiến thức và trải nghiệm về cà phê, Farm Coffee luôn sẵn sàng chia sẻ tất cả những vấn đề liên quan để qua đó người tiêu dùng hiểu hơn về ly cà phê mà họ thưởng thức. Giá trị cốt lõi mà chúng tôi muốn hướng tới chính là trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, thể hiện qua việc liên kết, hợp tác tạo đầu ra ổn định cho một bộ phận người trồng cà phê, tạo công ăn việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ”, anh Thiện chia sẻ.
Theo anh Thiện, Farm Coffee vẫn đang là cơ sở bán nhỏ lẻ, sức tiêu thụ chưa đáng kể. Định hướng trong thời gian tới sẽ thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng liên kết với các hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa và khu vực Tây Nguyên cũng như các công ty chế biến uy tín nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra tìm kiếm đối tác và phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ từ đầu vào, sản xuất cho đến đầu ra sản phẩm, tạo tính ổn định, bền vững cho người trồng cà phê, góp phần nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Một trong những định hướng sắp tới của Farm Coffee là sẽ đa dạng hóa hình thức dịch vụ, trong đó hướng đến cung cấp các sản phẩm nông nghiệp sạch. Ngoài ra, sẽ phối hợp với các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật phát triển các bao bì đóng gói nhằm tạo việc làm cho người khuyết tật, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.
Khởi nghiệp bằng niềm đam mê cà phê nguyên chất, qua 6 năm kinh doanh, Farm Coffee không chỉ đem đến cho vợ chồng anh Thiện nguồn thu nhập khá mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập từ 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời góp phần tích cực vào việc nâng cao thu nhập cho cộng đồng qua liên kết sản xuất cà phê.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)