Gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Cam Lộ - Vạn Ninh đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh

Lê An |

Ngày 4/4, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì buổi làm việc của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh.

Theo báo cáo của Ban quản lý dự án (BQLDA) đường Hồ Chí Minh, dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh có tổng chiều dài 65,7 km. Điểm đầu tại Km 675+400, xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình); điểm cuối tại Km 740+884,43, thị trấn Cam Lộ, huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị).

Đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh có chiều dài 32,53 km, bao gồm: huyện Vĩnh Linh 14,25 km, huyện Gio Linh 11,9 km, huyện Cam Lộ 6,38 km. Quy mô giai đoạn hoàn thiện có nền đường rộng 32,25 m theo quy hoạch tiêu chuẩn đường cao tốc 6 làn xe hoàn chỉnh; vận tốc thiết kế 100 km/h.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng kết luận buổi làm việc - Ảnh: L.A
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng kết luận buổi làm việc - Ảnh: L.A

Số hộ bị ảnh hưởng của dự án khoảng 464 hộ, trong đó có 217 hộ bị ảnh hưởng toàn bộ. Kinh phí GPMB địa phận tỉnh Quảng Trị dự kiến 948 tỉ đồng. Đến thời điểm hiện tại, BQLDA đường Hồ Chí Minh đã bàn giao hồ sơ thiết kế và mốc GPMB tại hiện trường được 5,7 km, trong đó huyện Vĩnh Linh 3,7 km, huyện Gio Linh 2 km. Dự kiến sẽ hoàn thành bàn giao toàn bộ tim tuyến và mốc GPMB còn lại trên địa phận tỉnh Quảng Trị trước ngày 20/4, sớm hơn 10 ngày so với yêu cầu của Bộ Giao thông vận tải. Về hồ sơ chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa 2 vụ, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, các đơn vị liên quan đang triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch.

Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án như công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, thông báo thu hồi đất, xác định giá đất cụ thể; công tác rà soát quỹ đất phục vụ tái định cư; việc người dân tự ý xây dựng công trình kiên cố tại các vị trí có hướng tuyến đi qua gây khó khăn cho công tác GPMB; giá đất thị trường tăng đột biến gây khó khăn trong công tác đền bù, hỗ trợ GPMB; việc cập nhật quy chủ đối với những diện tích đất rừng phải chuyển đổi…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đề nghị BQLDA đường Hồ Chí Minh triển khai nhanh việc bàn giao tim tuyến, mốc GPMB cho các địa phương; tổ chức ghi hình toàn bộ hiện trạng ngay sau khi bàn giao; lập phương án, khung giá đền bù, hỗ trợ GPMB cụ thể. Yêu cầu các địa phương cần khẩn trương thành lập Hội đồng đền bù, hỗ trợ và tái định cư cấp huyện để thực hiện công tác GPMB; đẩy nhanh tiến độ đo đạc hồ sơ địa chính; xây dựng phương án cụ thể từ nhân lực, kinh phí… để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Đồng thời, giao Sở Giao thông vận tải phối hợp với các sở, ngành, địa phương, BQLDA đường Hồ Chí Minh xây dựng phương án cụ thể trong công tác GPMB nhằm đảm bảo tiến độ dự án.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 là công trình trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội. Do vậy, việc triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Cam Lộ - Vạn Ninh được tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong năm 2022.

Để dự án triển khai đúng tiến độ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ được giao; xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện dự án. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát, cấp phép cho các mỏ đất đắp, mỏ vật liệu, vị trí bãi thải. Đề nghị BQLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với các địa phương khẩn trương bàn giao hồ sơ thiết kế, mốc GPMB theo đúng tiến độ đề ra; chủ động, tích cực giải quyết các khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai việc kiểm kê, kiểm đếm hiện trạng đúng đối tượng, diện tích, đảm bảo quyền lợi của người dân. Không để xảy ra tình trạng cơi nới, xây mới… để hưởng lợi trong chính sách đền bù GPMB. Xây dựng đơn giá đất, đơn giá GPMB, đơn giá tư vấn phù hợp. Triển khai tốt công tác tái định cư. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, tạo sự đồng thuận của người dân.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tuyến tàu cao tốc từ Đà Nẵng ra đảo Lý Sơn chính thức khai trương

Thanh Mai |

Thời gian đầu, công ty khai thác hai chuyến đi và về trong ngày. Từ ngày 9 đến 30/4, giá vé giảm 20% để thu hút khách trải nghiệm.

Xe chở Phó chủ tịch TP HCM gặp nạn trên cao tốc

Thanh Mai |

Ôtô biển xanh chở ông Lê Hòa Bình chạy trên cao tốc TP HCM - Trung Lương, khi qua Bến Lức bất ngờ lật ngang, sáng 29/3.

Tái lấn chiếm mặt bằng dự án xây dựng cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn

Lê Trường |

Thông tin từ Ban Quản lý dự án (QLDA) đường Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị về tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng thuộc dự án thành phần đầu tư xây dựng cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua tỉnh Quảng Trị.

56 hộ dân ở Vĩnh Linh bị lập biên bản vi phạm xây dựng, trồng cây trái phép trên hướng tuyến dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn II

Lê Trường |

Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) Nguyễn Anh Tuấn vừa cho biết: UBND xã Vĩnh Khê đã lập biên bản vi phạm đối với 2 hộ dân xây dựng chuồng trại trái phép trên phần đất trồng cây công nghiệp (cây cao su), 9 hộ gia đình cơi nới công trình trên diện tích đất nhà ở khi chưa được cấp phép; thị trấn Bến Quan lập biên bản 2 hộ dân xây dựng chuồng trại trái phép trên đất trồng cây cao su, 11 hộ cơi nới công trình trên diện tích đất nhà ở chưa được cấp phép, 5 hộ có hành vi trồng thêm cây trong phạm vi khảo sát dự án; xã Vĩnh Hà lập biên bản 12 hộ cơi nới mở rộng diện tích chuồng trại trên diện tích đất ở, 4 hộ xây dựng chuồng trại trên đất nông nghiệp và 7 hộ trồng cây trên phạm vi khảo sát của dự án; xã Vĩnh Sơn có 4 hộ xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp bị lập biên bản.