Gia tăng lợi nhuận nhờ trồng lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm

Lê An |

Thời gian qua, nhờ những cơ chế hỗ trợ thiết thực của tỉnh Quảng Trị, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh xây dựng nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, nổi bật là các mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Vụ đông xuân vừa qua HTX Nông sản sạch canh tác tự nhiên (NSSCTTN) Triệu Phong, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong đưa vào sản xuất 61 ha lúa, trong đó có 11 ha lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ sản xuất giống lúa ST25 và 50 ha lúa canh tác tự nhiên sử dụng giống lúa HN6 theo phương thức HTX hướng dẫn, đầu tư sản xuất và bao tiêu sản phẩm.

Cụ thể, HTX cung cấp giống lúa, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học và hỗ trợ nông dân sản xuất theo đúng quy trình canh tác hữu cơ, canh tác tự nhiên. Đồng thời ký kết hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân với giá 8.000 - 9.000 đồng/kg đối với giống HN6 và 11.000 đồng/ kg đối với giống ST25. Theo tính toán của nông dân, với năng suất bình quân 2,6 tạ lúa khô/sào, trừ chi phí lợi nhuận của người trồng lúa tại HTX luôn ở mức cao và ổn định.

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha - Ảnh: L.A
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cho năng suất bình quân đạt 65 tạ/ha - Ảnh: L.A

Giám đốc HTX NSSCTTN Triệu Phong Nguyễn Hữu Đạt cho biết, từ năm 2019, sản phẩm gạo của HTX đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ và được duy trì ổn định đến nay. HTX cũng đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP 4 sao “Gạo sạch Triệu Phong” được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Với uy tín, chất lượng đã được khẳng định, HTX đã ký kết được các hợp đồng cung cấp lớn, thời gian dài với một số doanh nghiệp, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân.

Đơn cử như cung cấp cho hệ thống cửa hàng Vitamart tại Đà Nẵng với số lượng từ 70 - 100 tấn/năm, năm 2023 này đã tăng lên 250 tấn/năm; Công ty cổ phần Pink Lotus tại TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng cung cấp gạo hữu cơ cho công ty trong thời gian 5 năm…

“Mặc dù nhu cầu của thị trường rất lớn nhưng do quy mô sản xuất, kinh doanh của HTX có phần còn hạn chế nên chưa thể đáp ứng hết được. Hướng tới, HTX sẽ tăng cường ký kết, mở rộng diện tích sản xuất với nông dân để tăng sản lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường”, ông Đạt khẳng định.

Còn tại HTX Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, vụ đông xuân vừa qua ông Nguyễn Văn Tuần cùng 16 hộ dân hợp tác với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị trồng 14 ha lúa hữu cơ, sử dụng giống lúa ST25.

Ông Tuần cho biết, tham gia thực hiện mô hình ông và các hộ dân phải cam kết tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Năng suất thu hoạch đạt bình quân 3,5 tạ lúa tươi/sào, tương đương 7 tấn lúa tươi/ha. Với giá thu mua lúa tươi tại chân ruộng là 12.000 đồng/kg theo cam kết, trừ chi phí ông lãi ròng gần 37 triệu đồng/ha/vụ. So với canh tác thông thường trước đây thì trồng lúa hữu cơ có liên kết cho hiệu quả kinh tế gần gấp 2 lần.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết, mô hình được áp dụng quy trình canh tác lúa hữu cơ nano của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Toàn bộ các khâu cày, cấy, phun chế phẩm, thu hoạch đều sử dụng cơ giới hóa. Nông dân chủ yếu chỉ lo điều tiết nước vào ruộng, thăm đồng phát hiện sâu bệnh để báo cho cán bộ kỹ thuật của đơn vị xử lý.

Theo đó, mô hình sử dụng mạ khay, máy cấy giúp đảm bảo mật độ, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe, bông dài, tỉ lệ hạt chắc cao, ít bị sâu bệnh gây hại. Ngoài phân bón hữu cơ, mô hình còn sử dụng thêm các chế phẩm sinh học có nguồn gốc động, thực vật hữu cơ để bổ sung dinh dưỡng cho cây lúa. Phun chế phẩm sinh học, thuốc thảo mộc bằng drone.

Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và máy sấy. Kết quả, mô hình đạt năng suất lúa tươi bình quân khoảng 65 tạ/ha. Trừ chi phí cho lợi nhuận hơn 30,8 triệu đồng/ha, cao gần gấp 2 lần so với ruộng sản xuất đại trà sử dụng giống lúa HC95 tại địa phương. “Với năng suất và giá bán như ký kết ban đầu, mô hình đã tạo được sự tin tưởng của nông dân. Đây cũng là hình thức quảng bá cụ thể, trực tiếp và cũng là cách ngắn nhất để mở rộng mô hình trong thời gian tới trên các đồng ruộng của huyện Vĩnh Linh”, ông Cẩn khẳng định.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Phú Quốc, sản xuất lúa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại HTX Tiên Mỹ nói riêng và các địa phương khác trong tỉnh nói chung đang là xu thế phát triển tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, mang lại niềm tin cho nông dân cả về mặt kinh tế và kỹ thuật. Nhằm tạo ra sản phẩm lúa gạo đạt cả 3 tiêu chí: kinh tế, xã hội và môi trường, ngành nông nghiệp đã bắt tay vào việc triển khai trồng lúa hữu cơ từ năm 2017. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 300 ha lúa canh tác hữu cơ và phấn đấu đạt diện tích 350 ha vào cuối năm năm 2023.

“Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có khoảng 1.000 ha diện tích lúa hữu cơ. Do vậy, đây là một trong những mô hình để cụ thể hóa mục tiêu trên của tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ; mời gọi doanh nghiệp tham gia liên kết, tạo cánh đồng lớn để sản xuất lúa hữu cơ hướng tới mục tiêu xuất khẩu”, ông Quốc nhấn mạnh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Đẩy mạnh canh tác lúa theo hướng nông nghiệp sạch ở Triệu Phong

Ngọc Trang |

Những năm trở lại đây, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) chú trọng canh tác lúa theo hướng nông nghiệp sạch tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng.

Lốc xoáy bất ngờ khiến hơn 2.700 ha lúa rạp đổ và 10 nhà dân bị tốc mái

Thanh Trúc |

Sau cơn lốc xoáy xảy ra tại một số nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vào khoảng 18 giờ ngày 21/4, các địa phương tiến hành thống kê thiệt hại về tài sản của Nhân dân để đề xuất phương án hỗ trợ kịp thời.

Hướng Hóa: Khắc phục diện tích ruộng lúa bị bồi lấp do ảnh hưởng từ các dự án điện gió

Lê Trường |

Thông tin từ UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) cho biết, nhiều diện tích ruộng lúa của người dân trên địa bàn bị bồi lấp đang được chủ đầu tư dự án điện gió hỗ trợ san ủi, khắc phục để sớm đưa vào canh tác.

Tháo gỡ “rào cản” để mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ

Thanh Trúc |

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là phấn đấu đến năm 2025 có 1.000 ha lúa hữu cơ. Tuy nhiên, đến nay đã nửa nhiệm kỳ trôi qua nhưng việc thực hiện nghị quyết gặp nhiều khó khăn, diện tích sản xuất lúa hữu cơ toàn tỉnh vẫn còn thấp, tiến độ nhân rộng diện tích chậm.