Những năm gần đây, chăn nuôi lợn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, giá thức ăn tăng cao đã ảnh hưởng đến việc tái đàn, tăng đàn lợn của người chăn nuôi.
Việc thiếu đầu tư thâm canh, quy mô nhỏ cũng làm cho chăn nuôi của tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng lợi thế tại địa phương, người chăn nuôi chưa chủ động con giống, thức ăn nên giá thành cao; mặt khác sản phẩm tiêu thụ bấp bênh. Do đó, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi của tỉnh Quảng Trị còn ở mức thấp. Để giúp nông dân phát triển chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ và ổn định đầu ra sản phẩm, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu mang lại hiệu quả khả quan.
Triển khai mô hình nhằm mục đích hỗ trợ nông dân tiếp cận với chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương để chế biến, dự trữ làm thức ăn chăn nuôi nhằm giảm sự phụ thuộc vào thức ăn công nghiệp.
Thông qua mô hình, giúp người chăn nuôi hiểu biết thêm về vai trò, lợi ích của thực phẩm hữu cơ đối với sức khỏe con người và cộng đồng, từ đó lựa chọn phương thức sản xuất và đầu tư chăn nuôi phù hợp để tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của xã hội.
Xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh được chọn thực hiện thí điểm mô hình trong thời gian 5 tháng (từ tháng 5-9/2023) với 9 hộ tại 3 thôn Thử Luật, Đông Luật, Tân Hòa tham gia. Một lợi thế để phát triển chăn nuôi lợn ở Vĩnh Thái là các sản phẩm phụ từ khai thác, nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp dồi dào làm nguồn thức ăn chính cho lợn.
Những hộ tham gia mô hình có khả năng đóng góp sức lao động và vốn đối ứng; đồng thời, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác để nhân rộng. Các hộ cam kết thực hiện đầy đủ quy trình kỹ thuật xây dựng mô hình trình diễn. Tạo điều kiện cho các cơ quan kiểm tra, giám sát và tuyên truyền nhân rộng mô hình. Tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã cử cán bộ chỉ đạo, phối hợp với Tổ khuyến nông cộng đồng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và phòng trừ dịch bệnh theo phương pháp mới. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tập huấn, thông tin tuyên truyền nhắc nhở các hộ tham gia nghiêm túc chăm sóc nuôi dưỡng, theo dõi tình hình phát triển và phòng trị bệnh theo đúng yêu cầu kỹ thuật.
Chuồng nuôi đảm bảo diện tích 1,5 - 2 m2 /con và có đầy đủ dụng cụ phục vụ chăn nuôi. Sử dụng giống lợn lai có ngoại hình đẹp, hoạt bát, phàm ăn, tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng ngừa các loại dịch bệnh. Ở giai đoạn đầu, sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh. Ở giai đoạn 2, thức ăn giàu tinh bột. Sử dụng các nguyên liệu địa phương như: bột ngô, cám gạo phối trộn ủ men vi sinh làm chín thức ăn, đảm bảo thành phần dinh dưỡng.
Thức ăn phối trộn ủ từ 12 - 24 tiếng theo công thức và khối lượng ủ phù hợp với lượng ăn vào hằng ngày của đàn lợn. Ngoài ra, thường xuyên bổ sung thức ăn giàu đạm như: cá, rỉ mật sau khi ủ chín lên men làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho lợn.
Sử dụng tỏi lên men để phòng bệnh trong quá trình chăn nuôi. Trung tâm tiến hành hỗ trợ và hướng dẫn các hộ thực hiện nghiêm an toàn sinh học, vệ sinh phòng bệnh, kết hợp sử dụng lưới chắn côn trùng để hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra. Trung tâm đã tổ chức 1 lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho 20 người là hộ dân tham gia mô hình và Tổ khuyến nông cộng đồng xã.
Kết quả cho thấy, tỉ lệ lợn được nuôi sống của 9 hộ thực hiện mô hình cơ bản đạt yêu cầu đề ra. Các hộ chăn nuôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học như: chuồng trại, con giống, thức ăn, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ dịch bệnh theo đúng quy trình. Sau 120 ngày nuôi, lợn thịt đạt trọng lượng bình quân 75 kg/con. Trừ các khoản chi phí, người chăn nuôi lãi 717.000 đồng/con. Từ đó cho thấy chăn nuôi lợn sử dụng thức ăn là những nguyên liệu có sẵn tại địa phương chi phí thức ăn giảm, không phụ thuộc.
Đặc biệt sử dụng đạm cá, sử dụng men vi sinh làm chín thức ăn từ những nguyên liệu, phụ phẩm có sẵn tại địa phương giúp nâng cao giá trị dinh dưỡng của thức ăn, cũng như phân giải thức ăn làm thức ăn có mùi thơm nhẹ kích thích lợn ăn vào tốt hơn. Tạo vòng chăn nuôi khép kín, tuần hoàn tại địa phương. Lợn sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, an toàn sẽ mang lại giá trị cao hơn so với nuôi thông thường. Nếu tăng quy mô đàn lợn lên 10 con/hộ, thì nông dân có thu nhập ổn định và tạo nhiều việc làm tại chỗ.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Trần Cẩn cho biết: Chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ là phương pháp chăn nuôi thân thiện với môi trường cần được nhân rộng. Vì vậy, cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí để triển khai mô hình tại các địa phương khác, qua đó cũng hoàn thiện quy trình kỹ thuật, đưa ra khuyến cáo và nhân rộng mô hình trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục chỉ đạo hướng dẫn các hộ chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý tốt dịch bệnh, hỗ trợ nông dân kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Đánh giá hiệu quả kinh tế sau khi xuất bán để có khuyến cáo đến với người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh về phương pháp chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Tuyên truyền cho người chăn nuôi tuân thủ chăn nuôi an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh. Người chăn nuôi cần chủ động được nguồn giống tại chỗ nhằm giảm giá thành giống, giảm rủi ro dịch bệnh; dự trữ nguồn thức ăn tại chỗ trong thời gian thuận lợi để sử dụng cho cả năm để chủ động được nguồn thức ăn, giảm giá thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chính quyền địa phương cần có kế hoạch hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm ra thị trường cho người chăn nuôi theo phương pháp mới, có giá bán tương xứng với giá trị sản phẩm. Nhằm nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi cũng như duy trì và nhân rộng mô hình bền vững.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)