Hiệu quả mô hình cải hoán hầm bảo quản hải sản trên tàu đánh bắt xa bờ

Trần Cát Linh |

Với lợi thế về ngư trường đánh bắt khá rộng, tỉnh Quảng Trị đã tập trung phát triển ngành thủy sản theo hướng hiện đại, bền vững. Sản lượng thủy sản khai thác ổn định vừa là nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến, vừa là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao; đồng thời tạo việc làm trực tiếp cho hơn 16.000 lao động ở 16 xã, thị trấn ven biển của tỉnh.


Đến đầu năm 2023, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 2.128 chiếc, với tổng công suất 137.261 CV. Số tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên là 526 chiếc, trong đó tàu cá trên 24 m là 23 chiếc, tàu từ 15 đến 24 m là 171 chiếc. Huyện Gio Linh là địa phương có đội tàu cá có công suất lớn đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh.

Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng phát triển nghề khai thác hải sản đầu tư chưa đồng bộ, xuống cấp, các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá chưa phát triển nhiều và ngư dân chưa chú trọng khâu bảo quản sản phẩm nên dẫn đến thất thoát sản phẩm, chất lượng chưa đảm bảo, ảnh hưởng đến giá trị sản phẩm làm giảm lợi nhuận, tăng chi phí do các hầm bảo quản đã xuống cấp, độ bảo quản lạnh kém.

Kiểm tra thi công cải hoán tàu cá bằng vật liệu PU -Ảnh: T.C.L
Kiểm tra thi công cải hoán tàu cá bằng vật liệu PU -Ảnh: T.C.L

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia thực hiện dự án “Ứng dụng công nghệ CPF (Composite Polyurethane Foam) trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ”, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế (đơn vị chủ trì dự án) tiến hành triển khai mô hình trong các năm 2021, 2022 tại thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt, huyện Gio Linh.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tiếp tục triển khai thực hiện mô hình tại xã Gio Việt. Quá trình triển khai dự án, trung tâm phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành tại địa phương chỉ đạo khảo sát chọn điểm, chọn hộ, ưu tiên các hộ có nhu cầu, kinh nghiệm, có nhân lực sản xuất, tàu cá nằm trong đội tàu khai thác hải sản xa bờ có chiều dài trên 15 m, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đề ra, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và cam kết đối ứng, tuân thủ các yêu cầu của trung tâm đề ra, tạo điều kiện cho các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình, người dân tham quan học hỏi.

Trung tâm đã chọn hộ ông Trương Thanh Định ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, là chủ tàu mang số hiệu QT-99001-TS tham gia thực hiện mô hình. Định kỳ hằng tuần, cán bộ trực tiếp đến chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Trung tâm hỗ trợ 50% kinh phí vật liệu thi công hầm, ngư dân đối ứng 50% kinh phí còn lại.

Trung tâm cũng đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho 20 ngư dân về kỹ thuật quy trình bảo quản sản phẩm trước khi xây dựng mô hình hầm bảo quản bằng công nghệ CPF, giúp họ nắm bắt được tác dụng của hầm sử dụng bằng vật liệu PU, vật liệu Composite, ưu điểm của hầm PU, phương pháp xử lý vệ sinh hầm...

Vật liệu làm hầm bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác đạt các tiêu chí như: độ dẫn nhiệt thấp, hấp thụ nước thấp (không thấm nước càng tốt); trọng lượng riêng nhỏ, không bắt lửa; đảm bảo độ bền cơ học, chịu tác động của rung lắc, chấn động, chịu nén tốt; không gây độc hại cho sản phẩm được bảo quản. Yêu cầu quan trọng khi bảo quản là làm lạnh nhanh khi vừa đánh bắt, giữ lạnh, duy trì tốt điều kiện vệ sinh trên boong tàu, khu vực xử lý và hầm bảo quản.

Ngay khi kéo lưới lên loại bỏ tạp chất, rong rác, cát sạn... Những con cá ươn, bầm giập, kém chất lượng bảo quản riêng, hải sản tươi dùng để ăn bảo quản riêng. Sau đó tiến hành rửa qua sản phẩm bằng nước biển sạch hoặc nước đá lạnh.

Đối với cá, phân ra cá xuất khẩu, cá ăn tươi tiêu thụ nội địa, cá làm mắm hoặc làm thức ăn gia súc, trong đó chú trọng cá xuất khẩu và cá ăn tươi tiêu thụ nội địa. Sau khi phân loại, cho cá ngay vào thùng nước đá xay nhỏ hoà vào nước biển với tỉ lệ: 1,5 đá/1 nước để rửa sạch, một phần loại bỏ chất bẩn, mặt khác làm cho hải sản chết ngay. Xếp hải sản vào khay hoặc túi PE, ướp đá, xếp vào hầm bảo quản.

Mỗi ngày kiểm tra 2 lần, nếu lớp đá trên bị tan nhiều và nhiệt độ của khối cá quá 50C thì phải bổ sung thêm đá. Chỉ mở cửa hầm lạnh khi cần thiết. Quá trình xử lý và bảo quản sản phẩm phải được thực hiện đúng cách, nhanh và cẩn thận. Hệ thống hầm bảo quản phải được vệ sinh sạch sẽ trước khi cho sản phẩm vào bảo quản, được che nắng để tránh tăng nhiệt khi trời nắng gắt gây hỏng sản phẩm bảo quản...

Qua so sánh giữa phương pháp bảo quản và sử dụng hầm bảo quản truyền thống so với phương pháp mới, sử dụng hầm bảo quản PU thì phương pháp mới đảm bảo được độ lạnh trải đều trong hầm, không bị tăng nhiệt cục bộ, chất lượng cá được đảm bảo trong khoảng thời gian bám biển. Hầm bảo quản mới được thi công sạch sẽ, dễ dàng vệ sinh nên sản phẩm đánh bắt được đảm bảo về an toàn thực phẩm.

Theo thực tế ở các chuyến biển của ngư dân, việc trang bị hầm bảo quản mới kéo dài thời gian đánh bắt hơn, nhưng lượng đá hao hụt trong toàn chuyến giảm đáng kể, giảm chi phí chuyến biển nhưng vẫn đảm bảo chất lượng thịt cá đánh bắt được.

Cùng với đó vật liệu làm hầm bảo quản mới làm tăng độ cứng cho tàu, chống được các va đập mạnh từ sóng, đặc biệt là trong mùa mưa bão. Với công nghệ mới này chủ tàu có thể tăng thời gian bám biển, hạ giá thành sản phẩm khai thác hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây, góp phần thúc đẩy phát triển nghề khai thác xa bờ, bảo vệ an ninh trên biển.

Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Văn Phương chia sẻ: Với những tính chất vượt trội về giữ lạnh, hiệu quả bảo quản sản phẩm sau khai thác cao, kết quả của mô hình đang được người dân, đặc biệt là các chủ tàu cá đánh bắt xa bờ quan tâm học hỏi kinh nghiệm.

Để ngư dân nâng cao hiệu quả khai thác, cần có chính sách giúp ngư dân tiếp cận được các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư nâng cấp và làm mới hầm bảo quản bằng vật liệu mới cho các tàu dịch vụ, tàu khai thác xa bờ, góp phần giảm chi phí bảo quản cho các chuyến đi biển và nâng cao đời sống cho ngư dân.

Đề nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, nhân rộng mô hình nhiều hơn nữa trên địa bàn toàn tỉnh. Tăng cường công tác chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong phương pháp bảo quản sản phẩm nhằm hướng đến chuyển đổi số ngành nông nghiệp, xây dựng mô hình nông nghiệp thông minh.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Tàu cá Thanh Hóa mắc cạn tại Cửa Việt

Hương Lài |

Sáng 24/11, thông tin từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Việt và Đồn Biên phòng Triệu Vân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết, lực lượng của 2 đơn vị đã tích cực tham gia ứng cứu 1 tàu cá tỉnh Thanh Hóa bị mắc cạn tại cảng Cửa Việt.

Ngư dân đầu tiên áp dụng thiết bị lái tự động trên tàu cá

Lê An |

Nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, giảm thời gian di chuyển đến ngư trường, ngư dân Nguyễn Văn Ngọc ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), chủ tàu cá QT 92756TS đã lắp đặt thiết bị lái tự động trên tàu cá. 

Trục vớt tàu cá bị chìm khi vào tránh trú bão tại Cửa Tùng

Hải An |

Ngày 9/10, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Tùng, Trung tá Trần Tuấn Dũng cho biết, lực lượng của đơn vị vừa phối hợp trục vớt thành công tàu cá của ngư dân bị chìm khi vào tránh trú bão tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).

Hỗ trợ tàu cá sử dụng hiệu quả thiết bị giám sát hành trình

Trần Anh Minh |

Những năm qua, các tàu cá đánh bắt xa bờ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không những đáp ứng theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017, mà còn phục vụ nhu cầu quản lý tàu cá.