Nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến biển, giảm thời gian di chuyển đến ngư trường, ngư dân Nguyễn Văn Ngọc ở thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị), chủ tàu cá QT 92756TS đã lắp đặt thiết bị lái tự động trên tàu cá.
Đây là mô hình đầu tiên tại Quảng Trị được ngư dân áp dụng và đã mang lại hiệu quả vượt trội.
Ông Ngọc cho biết, tàu cá của ông có công suất trên 400 CV, nghề khai thác lưới rê bùng nhùng, thường xuyên tham gia khai thác ở vùng biển xa. Khó khăn lớn nhất đối với ông cũng như những tàu cá khác đó là việc phải lái tàu liên tục trong hàng chục giờ đồng hồ, đôi lúc ngủ quên dễ mất lái, lệch tọa độ điểm đến dẫn đến mất an toàn cho tàu cá, tiêu tốn nhiên liệu. Từ khi lắp đặt thiết bị lái tự động, ông chỉ cần chọn hướng đi hoặc cài đặt tọa độ điểm đến rồi để máy tự điều khiển.
Theo ông Ngọc, nếu như trước đây để ra tới ngư trường Hoàng Sa, ông phải lái tàu liên tục trong 2 ngày 2 đêm thì hiện tại ông chỉ cần cài đặt điểm đến là máy tự điều khiển tàu cá đến đúng tọa độ với quãng đường ngắn nhất. Qua đó, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người lái mà còn giảm thời gian di chuyển tới ngư trường, tiết kiệm nhiên liệu, tối đa hóa lợi nhuận cho mỗi chuyến biển.“Từ khi lắp đặt thiết bị lái tự động này tôi đã đi được 2 chuyến biển, ước tính mỗi chuyến biển tôi giảm được khoảng 4 - 5 triệu đồng tiền nhiên liệu so với trước đây. Đặc biệt, không còn cảnh phải thường xuyên nhìn la bàn để điều chỉnh hướng lái. Chưa kể tranh thủ thời gian rảnh trên biển tôi còn được nghỉ ngơi hay làm những công việc khác mà không sợ tàu cá bị lệch hướng như trước đây”, ông Ngọc nói.
Cũng theo ông Ngọc, thiết bị lái tự động trên tàu cá sử dụng vô lăng điện thông minh chỉ tác động xoay cốt lái thủy lực chứ không xoay toàn bộ vô lăng, giúp hệ thống lái an toàn và đơn giản hơn nhiều.
Ngoài ra, để đảm bảo độ an toàn khi lái tự động, thiết bị còn có các chức năng báo động cảnh giới cho thuyền trưởng như báo động lệch hướng, quá tải bánh lái, cảm biến chuyển động, cảnh báo tốc độ hành trình và báo động đến điểm đến...
Đặc biệt, cảm biến báo động chống ngủ quên giúp người lái không ngủ quên khi điều khiển tàu cá. Báo động khi phát hiện không có người cảnh giới vì theo quy định trong quá trình hành trình trên biển phải có người cảnh giới trên ca bin nhằm bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển.
Phó Trưởng phòng Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Lê Đức Thắng thông tin, tàu cá của ông Nguyễn Văn Ngọc là tàu cá đầu tiên trên địa bàn tỉnh lắp đặt thiết bị lái tự động. Với chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng, thiết bị lái tự động bao gồm 4 thành phần chính là la bàn điện tử tích hợp GPS có độ chính xác cao trong nhiều loại thời tiết khác nhau với sai số +/- 0,050 giúp xác định vị trí và ổn định hướng hành trình; màn hình điều khiển có kích thước 7 inch tích hợp hệ thống xử lý dữ liệu; bộ phản hồi góc bánh lái được thiết kế phù hợp với các hệ thống lái và vô lăng ly hợp chuẩn hàng hải đầu tiên trên thế giới. Việc chuyển chức năng lái tự động sang lái tay chỉ cần ấn nút chốt trên vô lăng.
Ưu điểm của thiết bị lái tự động là dễ thao tác, chỉ cần chọn hướng đi hoặc tọa độ điểm đến trên màn hình với khả năng lưu điểm lên tới 20 điểm. Điều khiển bằng 4 chế độ lái linh hoạt gồm: lái bằng vô lăng, lái bằng remote, lái theo hướng, lái theo điểm. Trong đó, chức năng lái bằng remote giúp người lái tàu có thể di chuyển ra xa khỏi buồng lái mà vẫn có thể điều khiển được tàu cá như khi lái bằng vô lăng.
“Qua theo dõi quá trình đi biển của tàu cá đã cho thấy hiệu quả rõ rệt của thiết bị lái tự động như giảm được khoảng 10% chi phí nhiên liệu. Đảm bảo sức khỏe cho người lái tàu đường dài, nhất khi tham gia khai thác trên các vùng biển xa với khoảng cách 200 hải lý. Do vậy, trong thời gian tới, Chi cục Thủy sản sẽ tiếp tục hướng dẫn, vận động ngư dân áp dụng công nghệ mới này trên tàu cá, đặc biệt là với những tàu cá xa bờ có công suất trên 400 CV, chiều dài tàu cá từ 15 m trở lên, với các nghề khai thác như lưới rê, lưới vây, lưới chụp... Đặc biệt là khối tàu cá thường xuyên tham gia khai thác ở vùng biển xa”, ông Thắng cho biết thêm.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)