Những năm qua, cùng với việc đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ (KH&CN), ngành KH&CN tỉnh Quảng Trị đã tập trung triển khai nghiên cứu và ứng dụng KH&CN thông qua việc thực hiện các đề tài, dự án các cấp.
Hoạt động nghiên cứu thử nghiệm (R&D) và ứng dụng trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy nền KT-XH của tỉnh phát triển.
Trong 10 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục cho 158 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh và 15 nhiệm vụ cấp cơ sở do Quỹ Phát triển KH&CN tài trợ; đề xuất và được phê duyệt 6 nhiệm vụ thuộc các Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình sở hữu trí tuệ và nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia.
Kết quả thực hiện, trong 133 nhiệm vụ đã triển khai có 115 nhiệm vụ được nghiệm thu, 80 kết quả nhiệm vụ được ứng dụng, chiếm tỉ lệ 69,95%. Qua đó, cho thấy bức tranh tổng quan về thế mạnh hoạt động R&D của lực lượng nghiên cứu khoa học của tỉnh theo một cơ cấu hợp lý đối với từng lĩnh vực, trong đó ưu tiên vấn đề nông nghiệp, nông thôn; tiếp đến là những vấn đề xã hội, tự nhiên, y dược...
Năm 2022, toàn tỉnh triển khai 21 nhiệm vụ KH&CN các cấp gồm: 1 nhiệm vụ cấp nhà nước, 1 nhiệm vụ cấp viện; 10 nhiệm vụ cấp tỉnh, 9 nhiệm vụ cấp cơ sở. Tổ chức Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đối với 2 nhiệm vụ cấp nhà nước, 11 nhiệm vụ cấp tỉnh và 2 nhiệm vụ cấp cơ sở.
Trong lĩnh vực nông nghiệp đã tập trung đi sâu nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN để phát triển các cây, con chủ lực và có tiềm năng, triển vọng phát triển theo hướng bền vững thông qua tuyển chọn bộ giống có chất lượng, xây dựng thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất, nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm và có giá trị kinh tế cao.
Trong lĩnh vực KHKT và công nghệ đã tập trung triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện, chuyển giao công nghệ, các mô hình mới gắn với thực tiễn sản xuất của các đơn vị, địa phương; tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến… Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, nhiều kỹ thuật, công nghệ tiến bộ đã được nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các nhiệm vụ cũng đã tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quá trình lãnh đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương.
Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân cũng như đổi mới công tác dạy học có hiệu quả. Công tác ứng dụng, chuyển giao, nhân rộng các kết quả KH&CN tại các sở, ngành tiến hành rộng rãi trong ngành nông nghiệp và PTNT; công thương; xây dựng; giao thông vận tải…
Công tác chuyển giao và ứng dụng KH&CN vào quản lý, sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, phục vụ tích cực cho phát triển KTXH địa phương. Tập trung triển khai các đề tài, dự án phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tiềm năng, có triển vọng.
Tiêu biểu như: Quy trình sản xuất phân bón hữu cơ viên nén chuyên dùng cho cây lúa quy mô công nghiệp; quy trình sản xuất phân hữu cơ từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng, quy trình chế biến sâu một số sản phẩm; chuyển giao quy trình và hướng dẫn công nghệ sấy bơm nhiệt (sấy lạnh) cho sản phẩm chuối sấy dẻo tại Nhà máy Chế biến nông lâm sản Toàn Cầu, Công ty TNHH MTV Khương Tuyển, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa; quy trình trồng và thu hái cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP...
Ngoài ra, đã nghiên cứu, ứng dụng, hoàn thiện, làm chủ quy trình công nghệ sản xuất và thương mại được các dòng sản phẩm chế biến khác nhau từ các loại nông sản.
Các nhiệm vụ KH&CN được tổ chức thực hiện gắn với việc phát triển các hàng hóa chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh sản phẩm; tập trung triển khai các nội dung liên quan đến nhãn hiệu, thương hiệu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến tạo sản phẩm chất lượng cao.
Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất đặt hàng, giao trực tiếp các nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của địa phương, trong từng ngành và các công nghệ chiến lược, nền tảng của cách mạng công nghiệp 4.0, có tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác.
Thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, cấp bộ và các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở đã tập trung triển khai nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, ứng dụng các tiến bộ KH&CN để nâng cao hàm lượng KH&CN, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có năng suất và giá trị gia tăng cao; đảm bảo nguyên tắc các đề tài/dự án KH&CN hằng năm thực hiện theo hướng tập trung, chất lượng và có tính ứng dụng cao, không chạy theo số lượng. Nhiệm vụ KH&CN đáp ứng các chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh, các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu đều được đưa vào ứng dụng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
Ứng dụng, nhân rộng và phát triển trên diện rộng các kết quả KH&CN là nhiệm vụ quan trọng của hoạt động KH&CN của tỉnh trong thời gian tới. Đầu tư kinh phí thích đáng cho phát triển KH&CN, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới và phát triển công nghệ, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống.
Hằng năm, dành một phần kinh phí thoả đáng để nhân rộng các kết quả đề tài ứng dụng KH&CN được khẳng định. Đẩy mạnh phong trào thi đua ứng dụng KH&CN. Tuyên truyền, phổ biến những tiến bộ KH&CN, các kết quả đề tài ứng dụng KH&CN được khẳng định đến tận cơ sở và người sản xuất.
Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ, ứng dụng và nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 163/2021/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ ứng dụng, nhân rộng các kết quả KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2026.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)