Đối với xã biên giới Tân Thành, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), thế mạnh về kinh tế nông nghiệp không bằng thương mại dịch vụ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây một số hộ nông dân ở địa phương này đã tích cực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng thành công các mô hình kinh tế như trồng trọt và chăn nuôi mang lại hiệu quả khá cao. Mô hình kinh tế gia trại tổng hợp từ vườn đồi của anh Đặng Hổ Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Tiêm là một trong số điển hình được nông dân địa phương học tập và làm theo.
Trên tổng diện tích vườn đồi 15.000 m2 , trước đây gia đình anh Tín trồng chuối và xoài nhưng năng suất, chất lượng ngày càng thấp nên bỏ hoang.
Với suy nghĩ làm thế nào để khai thác được tiềm năng đất đai, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, anh Tín đã bỏ công nghiên cứu kỹ thuật ươm trồng cây ăn quả và cây dược liệu, lấy cây mãng cầu ta và cây đinh lăng làm chủ lực. Đây là hai loại cây trồng còn khá mới lạ, cho đến nay trên địa bàn huyện chưa có mô hình nào trồng đại trà.
Sau thời gian nghiên cứu, học tập kinh nghiệm từ các mô hình có hiệu quả của những người đi trước, năm 2020, anh Tín bắt tay cải tạo lại vườn đồi bỏ hoang bấy lâu, vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn tín chấp của Hội Nông dân xã để tự ươm trồng thí điểm hơn 500 gốc mãng cầu và hơn 500 gốc đinh lăng.Ngoài ra, anh còn trồng xen một số loại cây ăn quả khác như ổi, đu đủ. Với lợi thế vườn đồi rộng lớn, có mạch nước ngầm dồi dào, lại cách sông Sê Pôn không xa, đảm bảo được nguồn nước phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi, anh Tín đã quy hoạch phù hợp để xây dựng trang trại tổng hợp theo hướng đa cây đa con.
Ngoài các loại cây chủ lực nói trên, anh còn trồng thêm chuối mật mốc; đào 4 ao nuôi các loại cá như trắm, rô, chép, trê, mè; xây dựng chuồng trại cao ráo, kín gió để chăn nuôi bò, dê, gà, lợn.
Qua gần 4 năm triển khai, mô hình kinh tế của gia đình anh Tín mang lại kết quả bước đầu rất khả quan. Các loại cây trồng, vật nuôi đều phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở đây, nhờ được đầu tư chăm sóc kỹ càng, đảm bảo kỹ thuật nên phát triển rất thuận lợi, không bị sâu bệnh và dịch bệnh.
Đặc biệt là trang trại không dùng các loại thuốc, phân bón hóa học, chỉ tận dụng nguồn phân chuồng và khai thác nguồn nước ngầm sẵn có để bón phân, tưới cho cây nên sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được khách hàng ưa chuộng.
Riêng mãng cầu sau khi thu hoạch phần lớn được bán hết tại vườn với giá ổn định từ 50 - 60 nghìn đồng/kg. Các loại cây ăn quả khác như ổi, xoài, chuối cũng có đầu ra ổn định, tiêu thụ chủ yếu ở địa phương.
Với cây đinh lăng được thu hoạch quanh năm với giá từ 65-70 nghìn đồng/kg khô. Các loại cá phát triển rất tốt, nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng nguồn cỏ tự nhiên ở trang trại nên chi phí thấp, mỗi năm thu hoạch bình quân trên 4 tấn cá các loại.
Đàn gia súc phát triển thuận lợi với trên 20 con. Đàn dê được nuôi theo hướng dê thịt và dê sinh sản, vừa có nguồn thu nhập vừa đảm bảo được nguồn con giống để nhân đàn. Được xây dựng theo phương châm đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên trang trại mang lại nguồn thu quanh năm. Bình quân mỗi năm, tổng thu nhập của trang trại gần 200 triệu đồng.
Anh Tín cho biết: “Qua triển khai thí điểm, tôi thấy các loại cây trồng mới này phù hợp với thời tiết và chất đất nên phát triển thuận lợi, cho kết quả khả quan hơn, đảm bảo ngày nào gia đình tôi cũng có thu nhập từ trang trại.
Thời gian tới, gia đình chúng tôi sẽ tiếp tục cải tạo đất đồi để mở rộng trang trại, nhân rộng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như mãng cầu, mít, xoài giống Thái Lan và xây dựng thêm chuồng trại chăn nuôi bò, dê”.
Từ hiệu quả mô hình kinh tế của gia đình, anh Tín tích cực tuyên truyền, vận động, chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên nông dân trong thôn cùng hưởng ứng chủ trương chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp và được thị trường ưa chuộng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng trọt, chăn nuôi cho năng suất, chất lượng cao hơn. Noi gương anh, nhiều hội viên nông dân trong xã mạnh dạn đầu tư sản xuất, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thành Lê Bá Lâm cho hay: “Là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn An Tiêm, anh Đặng Hổ Tín luôn tiên phong trong mọi việc, nhất là phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Mô hình của anh được Hội Nông dân xã chọn làm mô hình điểm cho các hội viên khác học tập, nhân rộng, được UBND xã chọn xây dựng mô hình vườn mẫu cho thôn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024. Với những nỗ lực sáng tạo trong sản xuất, anh Tín được bầu chọn là nông dân điển hình ở xã trong nhiều năm liền”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)