Thực hiện chủ trương về xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng các vườn mẫu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Đây là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, tạo cảnh quan khu vực nông thôn ngày càng thêm xanh-sạch-đẹp.
Tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) việc xây dựng vườn mẫu đem lại những hiệu quả tích cực đối với người dân. Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Thủy Nguyễn Thành cho biết: “Xác định xây dựng vườn mẫu đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chương trình xây dựng NTM nên từ năm 2017, địa phương đã chủ động triển khai kế hoạch, hỗ trợ, động viên người dân cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn kiểu mẫu.
Thực hiện chủ trương của xã, nhiều hộ dân đã mạnh dạn phá bỏ những loại cây trồng truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế thấp, đưa vào các giống cây trồng mới đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn như bưởi da xanh, quýt, ổi các loại. Hiệu quả rõ nét nhất từ những khu vườn mẫu là đem lại cảnh quan đẹp cho mỗi gia đình, đồng thời mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với vườn tạp.Đến nay, toàn xã Cam Thủy đang xây dựng khoảng 50 vườn mẫu, trong đó có 10 vườn đã được công nhận vườn mẫu”.
Ông Dương Văn Trí, thôn Tam Hiệp cho biết thêm: “Gần 5 năm trước, tôi bắt tay vào cải tạo vườn tạp để chuyển sang một số loại cây trồng mới như quýt, bưởi da xanh, ổi.
Nắm bắt thị trường người tiêu dùng ưa chuộng các loại trái cây sạch nên quá trình trồng và chăm sóc tôi luôn tuân thủ quy trình sản xuất sạch, chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ và phân vi sinh, không dùng thuốc bảo vệ thực vật.
Trên diện tích 3 sào đất vườn, tôi trồng 60 cây quýt, 20 cây bưởi da xanh và 30 cây ổi, đến nay tôi mới thu hoạch được quýt và ổi cho thu nhập trên 50 triệu đồng, cao hơn 10 lần so với vườn tạp trước đây. Không chỉ cải thiện thu nhập cho gia đình, việc xây dựng vườn mẫu còn đem lại không gian xanhsạch-đẹp trong vườn nhà”.
Đối với xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, việc cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu được địa phương chú trọng thực hiện. Nhiều hộ gia đình tại xã Vĩnh Thủy đã đầu tư cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất, tạo ra các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.
Thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu từ nguồn kinh phí của chương trình xây dựng NTM, từ năm 2019, xã Vĩnh Thủy đã hỗ trợ 50 hộ dân cải tạo vườn tạp, bình quân mỗi hộ được nhận hỗ trợ 7 triệu đồng gồm cây giống và hệ thống nước tưới.
Là xã vùng gò đồi, người dân chủ yếu sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, đa số các hộ đều có diện tích đất vườn. Tuy nhiên trước đây, khi chưa có chủ trương cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu, người dân thường trồng nhiều loại cây trong vườn, chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc nên hiệu quả kinh tế chưa cao.Sau khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, xác định việc cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm là cần thiết, xã Vĩnh Thủy đã xây dựng kế hoạch cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu trên địa bàn nhằm bố trí lại không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, xây dựng các mô hình có hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài việc tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, với quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xã Vĩnh Thủy tiến hành quy hoạch các vùng đất để phát triển các loại cây trồng, con nuôi phù hợp. Đồng thời phối hợp tốt với các chương trình, dự án để chuyển giao các tiến bộ KHKT đến với người dân.
Hiện nay, địa phương đã xác định và phát triển được 3 loại cây trồng chủ lực gồm lúa chất lượng cao, thanh long ruột đỏ và bưởi da xanh. Toàn xã hiện có hơn 50 ha cây ăn quả đang cho thu hoạch, đem lại giá trị kinh tế khá cao. Hiện tại, xã Vĩnh Thủy đang tiến hành xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực của địa phương như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh và lúa sạch.
Thực tế cho thấy, vườn mẫu thực sự là mô hình phù hợp với điều kiện thực tiễn của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Với mức đầu tư không lớn, đây là mô hình có tính khả thi cao, là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ của người dân nông thôn.
Đồng thời, việc triển khai xây dựng và nhân rộng các vườn mẫu còn trực tiếp góp phần vào việc thực hiện, nâng cao một số chỉ tiêu của tiêu chí môi trường, thu nhập, hình thức tổ chức sản xuất… trong chương trình xây dựng NTM.
Cùng với đó, việc xây dựng vườn mẫu NTM cũng giúp người dân các vùng nông thôn thay đổi nhận thức, hành động. Từng bước hình thành nếp lao động có khoa học, sử dụng quỹ đất hiệu quả hơn, nâng cao ý thức về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ cảnh quan môi trường sống.Xác định rõ vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng vườn mẫu, tháng 8/2022, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí xây dựng vườn mẫu NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, để được công nhận đạt chuẩn vườn mẫu, các khu vườn phải đảm bảo đạt 5 tiêu chí gồm diện tích vườn, bố trí sắp xếp vườn mẫu; ứng dụng tiến bộ KHKT; sản phẩm từ vườn; môi trườngcảnh quan và thu nhập.
Đối với tổng thu nhập tối thiểu từ kinh tế vườn/năm, bộ tiêu chí cũng quy định rõ mức thu nhập đối với từng diện tích vườn theo từng khoảng thời gian cụ thể.
Cùng với đó, tỉnh đã giao Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan căn cứ tiêu chí, chỉ tiêu được phân công phụ trách để ban hành hướng dẫn thực hiện bộ tiêu chí và quy định điều kiện, trình tự, thủ tục xét công nhận và công bố vườn mẫu đạt chuẩn.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các xã lựa chọn hộ gia đình để xây dựng vườn mẫu; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các mô hình xây dựng vườn mẫu; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí.
Có thể khẳng định vườn mẫu là mô hình kinh tế hiệu quả, cần nhân rộng. Xây dựng thành công các vườn mẫu sẽ góp phần quan trọng tăng tính bền vững trong thực hiện mục tiêu củng cố nâng cao chất lượng của các tiêu chí NTM, đồng thời là giải pháp cải thiện đời sống vật chất và giá trị hưởng thụ của người dân nông thôn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)