Những năm qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) xác định mở rộng diện tích trồng cây ăn quả là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân. Do vậy, huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển mới nhiều diện tích cây ăn quả, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo của địa phương.
Với tổng diện tích trên 3.900 ha đất sản xuất, xã Vĩnh Thủy là miền quê giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp. Những năm gần đây, ngoài việc đầu tư phát triển các loại cây truyền thống, Vĩnh Thủy còn tập trung khai thác nguồn lực trong Nhân dân, cùng với các chương trình dự án đưa vào đầu tư mở rộng diện tích một số loại cây ăn quả có giá trị trên thị trường như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh…, tiến đến xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm để có điều kiện thâm nhập sâu vào thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Lê Thị Minh cho biết: “Hiện nay, ở địa phương nhiều mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGap cũng đã được hình thành với diện tích 106,5 ha, trong đó 62 ha cho khai thác như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ, ổi lê Đài Loan, chanh leo tím đã khẳng định thương hiệu và được thị trường ưa chuộng”.
Cũng như xã Vĩnh Thủy, nhận thấy tiềm năng sẵn có ở địa phương và giá trị kinh tế do cây ăn quả mang lại, những năm gần đây, thị trấn Bến Quan cũng đã tích cực vận động Nhân dân chuyển đổi một số diện tích đất đồi trồng cao su sang trồng các loại cây ăn quả, trong đó có giống cam Vân Du mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân.
Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bến Quan Đỗ Xuân Đức cho hay: “Nông dân thị trấn Bến Quan từ trước đến nay chủ yếu trồng chuyên canh cây cao su, hồ tiêu. Những năm gần đây, cao su rớt giá và chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Từ thực tế đó, có nhiều hộ chuyển đổi diện tích cây cao su hiệu quả kinh tế thấp sang trồng một số loại cây khác mang lại giá trị cao hơn. Nhận thấy mô hình trồng cam có hiệu quả kinh tế khá cao tại nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, hội đã tạo điều kiện cho các hội viên đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, sau đó về áp dụng trên địa bàn.
Hiện nay, thị trấn có trên 10 ha trồng cam. Theo tính toán, khi cây cam đến thời kỳ cho thu hoạch sẽ đạt năng suất tối đa 4 tấn/ha, với giá bán 25 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng/kg, sẽ mang lại thu nhập khá cho nông dân. Dự kiến trong năm 2023, sau khi đánh giá về tính hiệu quả, thị trấn Bến Quan sẽ vận động, khuyến khích người dân phát triển diện tích cây ăn quả lên 25 ha”.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm gần đây nhiều địa phương trên địa bàn huyện Vĩnh Linh đã chủ động đầu tư phát triển các loại cây ăn quả như ổi, vải thiều, thanh long ruột đỏ, chanh leo... vào trồng thay thế cho diện tích cây trồng kém năng suất và hiệu quả kinh tế thấp.
Hiện nay, diện tích trồng cây ăn quả toàn huyện đạt 300 ha. Việc phát triển cây ăn quả bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương.
Tuy nhiên, phần lớn diện tích cây ăn quả hiện tại là do người dân, hợp tác xã trồng theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây ăn quả trên địa bàn còn hạn chế, nhất là các khâu như chọn tạo, sản xuất giống. Sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn VietGap còn thấp. Sản phẩm chủ yếu là bán tươi cho thương lái tiêu thụ tại thị trường nội tỉnh và một số tỉnh lân cận, vì vậy, hướng tiêu thụ và giá cả không ổn định.
Nông dân thường rơi vào cảnh được mùa mất giá, do phải phụ thuộc vào thương lái, thiếu các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. Để hạn chế tình trạng này, dựa vào lợi thế từng vùng miền, huyện Vĩnh Linh đã thực hiện quy hoạch vùng sản xuất tập trung cây ăn quả để vừa cung cấp cho nhà máy và xuất khẩu, vừa khuyến khích Nhân dân tận dụng đất đai phát triển sản xuất rộng rãi để tăng nguồn cung cấp sản phẩm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Huyện phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung với diện tích 500 ha. Trong đó, vùng phía Tây huyện 300 ha; phía Đông huyện 200 ha. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Lê Thị Thúy Kiều cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động Nhân dân phát triển một số giống cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao, đã có uy tín thương hiệu trên thị trường như thanh long ruột đỏ, bơ 034, chanh leo, cam Vân Du, dưa lưới, dưa hấu.
Đặc biệt nghiên cứu lợi thế từng vùng miền để hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung. Khuyến khích người dân canh tác theo các mô hình sạch, chuẩn VietGap nhằm nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cây ăn quả. Đồng thời hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm để người dân yên tâm đầu tư sản xuất”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của huyện, sự vào cuộc phối hợp thực hiện của ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương, hy vọng việc mở rộng diện tích trồng cây ăn quả sẽ là một trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tếxã hội của địa phương tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)