Hoàn thổ, trồng lại rừng ở địa bàn triển khai điện gió

Lê Trường |

Tỉnh Quảng Trị hiện đang triển khai nhiều dự án năng lượng nhưng vấn đề quan trọng là đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, bảo vệ môi sinh môi trường và ổn định đời sống dân sinh. Vì thế, phương án kết hợp giữa thi công, vận hành với hoàn thổ, trồng lại rừng để giảm thiểu thiên tai, tạo vành đai an toàn tại các địa bàn có dự án điện gió là hết sức cấp thiết.


Nguy cơ từ “đại công trường” điện gió

Tính đến tháng 9/2021, tỉnh Quảng Trị có 31 dự án điện gió với tổng công suất 1.177MW được phê duyệt, trong đó 2 dự án đã đi vào hoạt động gồm điện gió Hướng Linh 1, 2. Trong số 29 dự án còn lại, 26 dự án đang triển khai thi công đều thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa. Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương và quá trình kiểm tra, rà soát hiện trạng, tình hình thi công các công trình điện gió trên địa bàn huyện Hướng Hóa bước đầu cho thấy tại các công trình phụ trợ như đường công vụ vận chuyển thiết bị máy móc, nhà đầu tư thực hiện mở đường, bạt taluy dương, đắp nền đường tạo taluy âm xuất hiện nhiều vị trí có nguy cơ làm mất ổn định mái dốc, thanh thải đất đá gây thay đổi địa hình, cản trở khả năng tiêu thoát nước.

Đặc biệt, trong quá trình thi công dựng các trụ tuabin điện gió phải bạt đồi, đào đắp một khối lượng đất lớn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở. Không ít trụ điện gió và các công trình phụ trợ được xây dựng trên cao bên dưới là khu dân cư. Quá trình xây dựng tạo ra các bãi thải có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn tính mạng của người dân tại các khu vực lân cận, bồi lấp đất sản xuất, hư hỏng các công trình dân sinh…
Trồng cây xanh tại khu vực triển khai dự án điện gió để giữ đất chống sạt lở - Ảnh: L.T
Trồng cây xanh tại khu vực triển khai dự án điện gió để giữ đất chống sạt lở - Ảnh: L.T
 

Qua rà soát, đánh giá, nhận diện và khoanh vùng nguy cơ, huyện Hướng Hóa có 12 thôn/6 xã với 147 hộ/670 nhân khẩu có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do nằm trong phạm vi các dự án điện gió đang thi công. Riêng huyện Đakrông có 2 dự án điện gió là Hướng Hiệp 2 và Hướng Hiệp 3 chưa triển khai thi công, tuy nhiên có 16 hộ/72 nhân khẩu của thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp nằm trong vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của lũ quét do người dân sinh sống dọc suối Kreng, hiện nhiều đoạn bị bồi lấp, thu hẹp dòng chảy từ quá trình thải đất, đá làm đường thi công dự án Hướng Linh 1 từ năm 2016.

Kết hợp hoàn thổ và trồng rừng

Trước nguy cơ mất an toàn tại các dự án điện gió đã và đang triển khai, để thực hiện tốt chủ trương thu hút đầu tư các dự án năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường và sinh kế của người dân vùng dự án, trước mắt là đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu khẩn trương hoàn thành Đề án tổng thể phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh. Trong đó, chú trọng đánh giá tổng thể tác động môi trường, nhất là các dự án năng lượng tái tạo phía Tây của tỉnh; sớm tổ chức trồng rừng thay thế và thu hồi diện tích đất cấp tạm thời sau khi các dự án đã hoàn thành để bàn giao cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy định; các chủ đầu tư dự án đẩy nhanh tiến độ thi công, đồng thời có phương án khắc phục kịp thời các bãi thải đất có nguy cơ sạt lở; thực hiện cam kết với địa phương, trong đó hoàn thành các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường; xây dựng phương án bảo vệ công trình thi công trước mùa mưa lũ, phương án chống sạt lở, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn người dân trong vùng dự án. Không xem xét cấp chủ trương đầu tư các dự án năng lượng mới khi chưa hoàn thành việc đánh giá tổng thể tác động môi trường.

Được biết, trong số các dự án điện gió đang triển khai thi công tại huyện Hướng Hóa, có 11 dự án liên quan đến chuyển đổi đất rừng thuộc quản lý của BQL rừng phòng hộ Hướng HóaĐakrông. Theo đó, dự án chuyển đổi đất rừng lớn nhất là Nhà máy điện gió Tân Hợp 19,4ha, Nhà máy điện gió Phong Nguyên 16,4ha, Nhà máy điện gió Phong Huy 16,3ha…Theo đánh giá của ngành chức năng, các dự án điện gió có diện tích chiếm đất rất ít so với các dự án năng lượng khác, trong đó 1 MW có diện tích sử dụng đất có thời hạn là 0,65 ha, 0,3 ha đất sử dụng tạm thời. Sau khi các dự án hoàn thành, các diện tích sử dụng tạm sẽ hoàn trả cho địa phương để người dân tiếp tục sử dụng và sản xuất.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị Nguyễn Hồng Phương cho biết, đối với các dự án điện gió triển khai xây dựng trên diện tích đất có rừng nằm trong quy hoạch lâm nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và thực hiện phương án trồng rừng thay thế. Nếu trồng rừng thay thế trên diện tích rừng đã mất khi triển khai dự án thì phải trồng lại một diện tích tương ứng nhưng bắt buộc là rừng phòng hộ đặc dụng. Trong trường hợp nhà đầu tư có sở hữu diện tích đất trống thì tự trồng rừng thay thế nếu không nhà đầu tư phải nộp tiền vào quỹ bảo vệ phát triển rừng để bố trí trồng rừng thay thế đối với rừng phòng hộ đặc dụng.
Các dự án điện gió đang triển khai thi công - Ảnh: L.T
Các dự án điện gió đang triển khai thi công - Ảnh: L.T
 

Hiện nay, trong số 11 dự án liên quan đến chuyển đổi đất rừng thì có 8 dự án phải chuyển đổi hơn 85 ha rừng và hiện các nhà đầu tư của 8 dự án nói trên đã nộp tiền trồng rừng thay thế vào quỹ bảo vệ phát triển rừng. Đối với những diện tích đất cấp tạm thời, trước nguy cơ mất an toàn khi thiên tai xảy ra từ các dự án điện gió đang triển khai thi công, Sở Nông nghiệp và PTNT đã đưa ra giải pháp công trình. Trước mắt là xử lý, gia cố kịp thời các bãi thải đất đào đặt trụ tuabin, chân và mái taluy; hạ thấp các bãi thải có nguy cơ sạt trượt, lu lèn đảm bảo độ chặt trước khi tiếp tục đổ thải; khơi thông các lòng sông, suối bị bồi lấp do việc thanh thải trong quá trình thi công để tránh nguy cơ lũ quét cho vùng hạ du…

Ngoài ra, còn khuyến cáo các chủ đầu tư thực hiện thêm các giải pháp phi công trình như trồng cây xanh kèm rải lưới dưới gốc cây để giữ đất; kè bê tông, trồng cỏ để phủ xanh diện tích đất nhằm hoàn thổ, trả lại hiện trạng mặt bằng như trước khi thực hiện dự án.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã đưa ra các giải pháp và phương án đảm bảo an toàn tại khu vực đang triển khai thi công các dự án điện gió ở huyện miền núi Hướng Hóa. Tuy nhiên, bên cạnh các dự án điện gió đã thi công cơ bản và đang tiến hành thực hiện các phương án ứng phó với thiên tai do cơ quan chức năng đưa ra thì vẫn còn một số dự án điện gió đang thi công cấp tốc cho kịp tiến độ hưởng giá ưu đãi nên chưa chú trọng các giải pháp ứng phó khi mùa mưa bão đang đến.

Trước những diễn biến phức tạp, cực đoan của thiên tai, địa chất, địa hình ở khu vực miền núi tỉnh Quảng Trị cùng với đó là nguy cơ mất an toàn từ việc triển khai xây dựng các dự án điện gió, tỉnh Quảng Trị đã kịp thời chỉ đạo các chủ đầu tư cần phải có các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tối đa những tổn thất về người và tài sản. Trong đó, đặc biệt chú trọng công tác hoàn thổ, khôi phục lại mặt bằng, hiện trạng vị trí thi công; thực hiện đúng cam kết về thời gian bàn giao diện tích đất sử dụng tạm thời, triển khai nhanh phương án trồng rừng, trong đó ưu tiên những diện tích đất trống, đồi trọc, những địa điểm xung yếu. Việc trồng rừng, cần chú trọng thực hiện trồng các loại cây bản địa có sản phẩm lâm nghiệp để tạo sinh kế bền vững, quan tâm tạo việc làm, tích cực hỗ trợ các hoạt động an sinh xã hội tại địa bàn.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Sẽ trình Thủ tướng gia hạn giá FIT các dự án điện gió chậm tiến độ

P.V |

Do phần lớn các dự án bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 dẫn đến chậm tiến độ, các địa phương và doanh nghiệp đã kiến nghị Bộ Công Thương gia hạn giá FIT (giá mua điện ưu đãi, cố định trong 20 năm).

Tập đoàn Nhật Bản đầu tư dự án điện gió lớn nhất Đông Nam Á tại Lào, bán điện cho Việt Nam

P.V |

Nhà máy có công suất 600 MW, đã ký thoả thuận bán điện kéo dài 25 năm với EVN.

4.000 MW điện gió có nguy cơ không được hưởng giá ưu đãi

Thanh Hương |

Nếu không kịp về đích trước ngày 1/11/2021, có thể tới 4.000 MW điện gió sẽ không có cơ hội hưởng cơ chế giá cố định (FIT) khá hấp dẫn và kéo dài trong 20 năm như hiện nay.

Phải đảm bảo an toàn cho dân trong vùng làm dự án điện gió tại Quảng Trị

Lam Chi |

Dự báo ảnh hưởng bão số 5 (bão Conson) sẽ gây mưa lớn, nguy cơ sạt lở ở các vùng miền núi tỉnh Quảng Trị, đặc biệt là ở trong vùng đang thực hiện các dự án điện gió.