Ngày 31/10, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển một số liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực giai đoạn 2022-2026, định hướng đến năm 2030. Nhu cầu kinh phí dự kiến thực hiện kế hoạch hơn 113 tỉ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hơn 53 tỉ đồng, còn lại là nguồn đối ứng của doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX).
Mục đích của kế hoạch nhằm thúc đẩy DN, HTX, nông dân tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành chuỗi giá trị nông sản bền vững trên địa bàn nhằm giải quyết các điểm nghẽn trong sản xuất, khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế của từng địa bàn đảm bảo sự hài hòa trong phát triển KT-XH và môi trường, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời hình thành các vùng nguyên liệu quy mô hàng hóa lớn, đồng nhất về quy trình, chất lượng sản phẩm và tạo liên kết ổn định, bền vững thông qua vai trò điều tiết, quản lý và đại diện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, người nông dân với đơn vị tiêu thụ.
Tạo nền tảng hội nhập kinh tế quốc tế, các sản phẩm sản xuất theo chuỗi. Áp dụng các quy trình kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Kế hoạch này hỗ trợ liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và diêm nghiệp. Đối tượng áp dụng là cá nhân, nông dân, chủ trang trại; HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác (gọi chung là HTX); DN. Trong đó, ưu tiên HTX nông nghiệp tham gia xây dựng liên kết chuỗi.
Một số liên kết chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong giai đoạn nói trên như: lúa chất lượng cao, cây dược liệu, hồ tiêu hữu cơ, cà phê, gỗ rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), chanh dây.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)