Hướng Hóa thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc

Khánh Ngọc |

Những năm qua, huyện Hướng Hóa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền (Quảng Trị) vận động, tư vấn hướng nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức của Nhân dân, nhất là người lao động về các cơ chế, chính sách của Nhà nước hỗ trợ giải quyết việc làm, trong đó chú trọng đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.


Giai đoạn 2023-2025, huyện Hướng Hóa phấn đấu hằng năm đưa từ 100 - 120 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Việc thực hiện phương án thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo hình thức hợp tác giữa các địa phương của hai nước là giải pháp quan trọng nhằm tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) huyện Hướng Hóa Trần Trọng Kim, cho biết: 9 tháng năm 2024, huyện tạo việc làm mới cho 1.334 lao động, đạt 98,81%; trong đó số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 110 người, đạt 68,75% chỉ tiêu nghị quyết của HĐND huyện và quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND huyện đề ra.

Tuyên truyền, tư vấn giải quyết việc làm cho người lao động tại huyện Hướng Hóa - Ảnh: K.N
Tuyên truyền, tư vấn giải quyết việc làm cho người lao động tại huyện Hướng Hóa - Ảnh: K.N

Từ đầu năm đến nay, UBND huyện ban hành 3 kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tổ chức đào tạo 55 lớp với 1.121 học viên từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia. Hiện tại, tỉ lệ qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện đạt 47,03%; tỉ lệ có bằng cấp chứng chỉ nghề đạt 37,01%.

Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận của người dân trong việc chấp hành và thực hiện các chính sách của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là đối với huyện miền núi có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chất lượng thực sự của nguồn lao động qua đào tạo ở huyện Hướng Hóa còn thấp, tay nghề còn hạn chế nên tìm kiếm việc làm gặp nhiều khó khăn và thu nhập không ổn định.

Nhằm tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, huyện Hướng Hóa thực hiện phương án thí điểm đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo Nghị quyết số 59 của Chính phủ và Công văn số 2188 của Bộ LĐ,TB&XH về việc tiếp tục thực hiện thí điểm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.

Chủ trương thí điểm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc không mới, nhưng đối với địa bàn tỉnh Quảng Trị, đây là chương trình thí điểm đầu tiên và giao cho UBND cấp huyện ký kết biên bản ghi nhớ và hợp tác. Qua trao đổi với phía địa phương của Hàn Quốc về việc xây dựng, soạn thảo biên bản ghi nhớ hợp tác giữa địa phương hai nước phù hợp với Luật Thỏa thuận quốc tế của Việt Nam và luật pháp của chính quyền nước sở tại để tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác; Phòng LĐ,TB&XH tham mưu UBND huyện Hướng Hóa dự thảo “Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) thí điểm về đưa người lao động đi làm việc thời vụ giữa huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam và tỉnh Jeollanam, Hàn Quốc”.

Công tác tuyên truyền cho người dân về chương trình đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đã được Phòng LĐ,TB&XH huyện triển khai thông qua các cuộc hội nghị, truyền thông tại các xã, thị trấn. Đến đầu tháng 10/2024, trên địa bàn huyện đã có 6/21 xã, thị trấn báo cáo nhu cầu lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, với số lượng 30 lao động. Dự kiến, đầu năm 2025 huyện Hướng Hóa sẽ đưa người lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đợt đầu tiên.

Theo ông Trần Trọng Kim, UBND huyện Hướng Hóa cũng đã xây dựng phương án tối ưu để chống tình trạng bỏ trốn của người lao động địa phương khi đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc, tránh rơi vào trường hợp là địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cao và tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ảnh hưởng đến uy tín hợp tác quốc tế của địa phương.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người lao động, người dân về các quy định người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; chương trình đưa lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc theo Nghị quyết số 59 của Chính phủ; các biện pháp đảm bảo thực hiện hợp đồng và quản lý người lao động.

Ưu tiên tuyển chọn người lao động thuộc diện chính sách là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp; thân nhân của người có công với cách mạng tại địa phương. Phối hợp với địa phương của Hàn Quốc và cơ quan đại diện Việt Nam tại Hàn Quốc quản lý, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động thời vụ, giúp họ yên tâm khi đi làm việc ở nước ngoài.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Sức hút từ thị trường lao động Nhật Bản

Hồng Phúc |

Thị trường lao động Nhật Bản có sức hút lớn đối với lao động Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Bên cạnh thu nhập ổn định, nhiều công việc để lựa chọn, môi trường làm việc tốt, lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc khi hết thời hạn hợp đồng về nước có cơ hội phát triển sự nghiệp do đã vững tay nghề và có tác phong kỷ luật tốt.

Rủ nhau nấu cơm miễn phí cho người lao động khó khăn

Trúc Phương |

Với mong muốn giúp đỡ những người lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, anh Nguyễn Văn Tùng (sinh năm 1982), chủ quán Rex và anh Mai Vĩnh Tuấn (sinh năm 1993), chủ salon Anh Tuấn ở TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị rủ nhau trích một phần thu nhập để tổ chức bếp thiện nguyện (nấu, phát cơm trưa miễn phí). Hàng trăm hộp cơm được phát đi đã mang lại cho người lao động nghèo những bữa ăn thơm ngon, đảm bảo dinh dưỡng.

Chuyển dịch cơ cấu lao động gắn với tạo việc làm bền vững

Mai Lâm |

Những năm gần đây, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp ở Quảng Trị có xu hướng tăng lên, tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch còn chậm, chất lượng lao động của tỉnh đang ở mức thấp, chưa đồng đều. Vì thế cần sự định hướng của ngành chức năng, chính quyền địa phương để đảm bảo lao động chuyển dịch phù hợp, tạo việc làm bền vững.

Lao động tự do ở Lao Bảo chủ động chuyển đổi sinh kế

Thủy Ba |

Tận dụng lợi thế gần Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, những năm qua, nhiều người dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sang Lào buôn bán ở các khu vực như chợ Ca Rôn, Vi Lả, tỉnh Savannakhet. Tuy nhiên, từ sau COVID-19 đến nay, việc làm ăn gặp khó khăn nên số lao động người địa phương sang Lào làm việc giảm gần một nửa. Trước tình hình đó, nhiều người đã chủ động chuyển đổi sinh kế để tạo việc làm và thu nhập ổn định.