Tận dụng lợi thế gần Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, những năm qua, nhiều người dân ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) sang Lào buôn bán ở các khu vực như chợ Ca Rôn, Vi Lả, tỉnh Savannakhet. Tuy nhiên, từ sau COVID-19 đến nay, việc làm ăn gặp khó khăn nên số lao động người địa phương sang Lào làm việc giảm gần một nửa. Trước tình hình đó, nhiều người đã chủ động chuyển đổi sinh kế để tạo việc làm và thu nhập ổn định.
Gần 20 năm trước, vợ chồng ông Trần Nhơn Nam và bà Lê Thị Sim ở khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo sang Lào mưu sinh bằng nghề buôn bán hàng rong. Quá trình buôn bán tại đây, vợ chồng ông Nam nhận thấy thị trường ở Lào, nhất là các bản vùng xa thường thiếu nhu yếu phẩm sinh hoạt hằng ngày nên ông bà thường đưa hàng hóa từ Việt Nam sang đổi phế liệu, vải, dép...cho người dân Lào. Dần dần, ông bà tích lũy vốn mở được một quầy tạp hóa ở chợ Vi Lả. Việc kinh doanh khá thuận lợi nên sau đó vợ chồng ông Nam đưa thêm 2 người con sang Lào phụ việc, rồi dần dần mở được cơ sở ở chợ để tách ra buôn bán riêng.
Tuy nhiên, từ sau khi COVID-19 bùng phát, đặc biệt là sau này đồng Kip của Lào xuống giá, việc kinh doanh ngày càng khó khăn nên vợ chồng ông Nam nghỉ buôn bán ở Lào trở về quê từ năm 2021. May mắn là thời gian bên Lào, ông bà tích lũy được ít vốn nên trở về quê đã đầu tư trồng 6 sào chuối và chăn nuôi bò sinh sản.
Hiện nay, người con trai út của ông bà cũng từ Lào trở về nhà phụ ba mẹ chăm sóc vườn tược và đàn bò. “Trước đây, vợ chồng tôi dự tính ở Lào buôn bán thêm vài năm rồi để lại cơ sở cho con trai út. Tuy nhiên, trước tình hình khó khăn như vậy nên phải về quê sớm hơn dự định. Việc chuyển sang làm nông nghiệp cũng là để cho các con có việc làm trước mắt”, ông Nam cho hay.
Cũng kinh doanh ở chợ Vi Lả và trở về quê từ sau COVID-19 nhưng bà Trần Thị Thu, khóm Duy Tân, không được may mắn như gia đình ông Nam. Những năm buôn bán ở Lào, vì vốn ít, quầy hàng nhỏ, lại đông con nên hầu như bà Thu chỉ trang trải đủ cho gia đình chứ không tích lũy được nhiều. Vì thế, khi trở về quê, cuộc sống của gia đình bà gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tìm kiếm việc làm.
Năm 2021, cùng với một ít vốn dành dụm được, bà vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi ở Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hướng Hóa để mua 10 con dê, 2 con bò về nuôi. Nhờ tận dụng được diện tích đất ven sông Sê Pôn để trồng cỏ nên đàn gia súc của bà phát triển nhanh, thời điểm nhiều nhất là 8 con bò, 30 con dê. “Chăn nuôi mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình tôi.
Tuy nhiên địa hình ở đây đến mùa mưa thường ngập lụt nên việc chăn nuôi gặp bất lợi do cỏ trồng ven sông bị chết. Đồng cỏ tự nhiên để chăn thả gia súc rất ít nên việc tìm kiếm thức ăn cho đàn gia súc khó khăn. Vì thế, trước mùa mưa mỗi năm, tôi thường bán bớt vật nuôi, chỉ để một số con làm giống, ra giêng thời tiết ấm áp rồi mới tái đàn”, bà Thu chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải lao động tự do nào từ Lào trở về cũng có điều kiện để chuyển đổi sinh kế. Vì thế, người dân cần được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương trong việc lựa chọn mô hình sinh kế, vay vốn đầu tư...
Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Võ Thị Thúy, nếu như thời điểm trước COVID-19, thị trấn có khoảng 500-600 lao động sang Lào làm việc thì nay giảm xuống còn khoảng 300 lao động. Người lao động, trong đó có số lao động từ Lào về gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm vì các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, quy mô sản xuất nhỏ, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ít.
“Trước thực trạng đó, địa phương rất chú trọng đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Hằng năm, thị trấn đều tổ chức các đợt tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc làm cũng như công tác giải quyết việc làm để người dân được biết.
Bằng nhiều hình thức khác nhau, chúng tôi đã cung cấp thông tin thị trường lao động đến với người dân; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm; kết nối cung cầu lao động và hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động. Trong các chính sách về giải quyết việc làm, thị trấn ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo”, bà Thúy cho biết.
Ngoài ra, thị trấn Lao Bảo còn tranh thủ các nguồn lực xã hội, khuyến khích doanh nghiệp dịch vụ việc làm tham gia vào hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận thông tin thị trường lao động. Tư vấn, định hướng cho người lao động chưa có việc làm và có việc làm nhưng chưa ổn định lựa chọn ngành nghề phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường của bản thân.
Nhằm cung cấp thông tin, định hướng nghề nghiệp, việc làm cho người lao động trên địa bàn thị trấn Lao Bảo, hằng năm UBND thị trấn đều xây dựng kế hoạch giới thiệu việc làm và triển khai các chính sách hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, định hướng hướng nghiệp cho người lao động.
Việc xây dựng kế hoạch việc làm căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, trong đó chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống tuyên truyền viên trong tuyên truyền, giới thiệu việc làm.
Công tác định hướng về nghề nghiệp được chú trọng, từ đó vận động người lao động học nghề phù hợp với năng lực bản thân và nhu cầu xã hội để tạo việc làm, tìm việc làm và tham gia việc làm bền vững...
“Thị trấn Lao Bảo tạo mọi điều kiện để người lao động, nhất là lực lượng lao động người đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lao động tự do từ Lào được vay vốn phát triển sản xuất; tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập ổn định cuộc sống”, bà Thúy khẳng định.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)