Ngày 29/12/2023, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 19/2023/TTBLĐTBXH (Thông tư 19) bổ sung thêm nhiều nghề công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, trong đó có công việc “Trực tiếp rà phá bom, mìn, vật liệu nổ; xử lý bom, mìn sau rà phá”. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2024. Đây là tin vui cho người lao động rà phá bom, mìn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng vì từ trước đến nay những người làm công việc này chưa được hưởng chế độ nói trên.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, sau chiến tranh, tỉnh Quảng Trị có hơn 391.500 ha đất nghi ngờ bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, chiếm 83,8% diện tích toàn tỉnh.
Năm 1996, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước được tiếp nhận các nguồn lực của quốc tế về hoạt động rà phá bom, mìn nhân đạo. Theo Sở Ngoại vụ, hiện có khoảng gần 1.000 người lao động được đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế về rà phá bom, mìn, được các tổ chức phi Chính phủ như Renew, Mag, Cây Hòa bình Việt Nam trang cấp thiết bị, phương tiện hiện đại làm công tác rà phá bom, mìn trên địa bàn tỉnh.
Nhiều lao động làm công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ ở Quảng Trị đối mặt với rất nhiều nguy hiểm, rủi ro tiềm ẩn. Hằng ngày, các lao động sẽ khoanh vùng 1 diện tích đất, dùng công cụ dò tìm bom mìn, khi phát hiện có tín hiệu thì sẽ đào xuống lớp đất để tìm kiếm; khi phát hiện vật liệu nổ sẽ có phương án xử lý. Nhiều loại bom, mìn có tính sát thương cao, di chuyển có nguy cơ phát nổ thì được xử lý hủy nổ ngay tại hiện trường. Còn loại vật liệu nổ di chuyển được, nhân viên sẽ đưa về bãi hủy nổ tập trung. Thời gian qua có một số trường hợp lao động rà phá bom mìn, vật liệu nổ bị thương vong nhưng chưa được hưởng chế độ của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Đây là thiệt thòi lớn đối với người lao động.
Tháng 5/2023, tại phiên đối thoại giữa đoàn viên, người lao động với Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức, đại diện người lao động làm việc tại các dự án phi chính phủ như Mag, Renew trên địa bàn tỉnh đã trực tiếp kiến nghị cần bổ sung công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Lê, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Trị, người lao động rà phá bom mìn, vật liệu nổ nhưng không được hưởng chế độ công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm là rất thiệt thòi. Vì vậy, qua nắm tình hình và lắng nghe phản ánh, kiến nghị của đoàn viên, người lao động làm việc tại các dự án phi chính phủ, Công đoàn Quảng Trị đã gửi kiến nghị bằng văn bản đến Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Bộ LĐ, TB & XH cùng các cơ quan liên quan đề nghị bổ sung công việc này vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết: Trước tình hình thực tế tại Quảng Trị, sở cũng đã đề nghị Bộ LĐ, TB&XH xem xét quyết định bổ sung công việc rà phá bom mìn, vật liệu nổ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Bộ LĐ, TB&XH là cơ quan của Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn quyết định vấn đề này và đã ban hành Thông tư 19 như trên.
Theo đó, Thông tư 19 bổ sung danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm của 3 nhóm ngành: Xây dựng (xây lắp): 43 nghề/công việc; vận tải: 4 nghề/công việc; thương binh và xã hội: 4 nghề/công việc.
Cụ thể người lao động là: nhân viên tư vấn Tổng đài điện thoại Quốc gia bảo vệ trẻ em 111; giáo viên trực tiếp can thiệp, dạy văn hóa, dạy nghề, tư vấn việc làm, phục hồi chức năng, trợ giúp pháp lý, huấn luyện viên, bác sĩ khám phân loại thương tật thể thao, hỗ trợ đối với người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng; sản xuất, lắp ráp dụng cụ chỉnh hình, trực tiếp giải quyết chế độ chính sách đối với thương binh, bệnh binh và hỗ trợ trực tiếp người có công về điều dưỡng tại đơn vị sẽ được bổ sung vào danh mục trên. Đặc biệt là nghề/ công việc trực tiếp rà phá bom mìn, vật liệu nổ; xử lý bom, mìn sau rà phá có điều kiện lao động loại VI.
Thông tư 19 giúp người lao động làm việc trong 3 nhóm ngành được bổ sung, nhất là người lao động trực tiếp rà phá bom mìn, vật liệu nổ; xử lý bom, mìn sau rà phá với điều kiện lao động loại VI (nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm) sẽ yên tâm công tác, làm tốt công việc của mình.
Đến nay Quảng Trị đã rà phá được trên 800.000 quả bom, mìn các loại, làm sạch hơn 32.000 ha đất bị ô nhiễm bom, mìn nặng. Có được kết quả này là sự đóng góp đáng kể của lực lượng lao động trực tiếp rà phá bom mìn.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)