Huyện Đakrông (Quảng Trị) có 62,226 km đường biên giới đất liền tiếp giáp với nước bạn Lào, 26 cột mốc biên giới trên địa bàn huyện, với 1 Cửa khẩu quốc tế La Lay, 1 cửa khẩu phụ Cóc, và 5 xã có chung đường biên với huyện Sa Muội, tỉnh Salavan (Lào). Những năm qua, địa phương đã tích cực thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại, góp phần quan trọng vun đắp tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai Đảng, hai dân tộc Việt Nam - Lào nói chung, hai tỉnh Quảng Trị - Salavan nói riêng.
Tháng 9/2023, bản Ra Poong, xã Ba Nang, huyện Đakrông và bản Hồ, cụm A Xóc, huyện Sa Muội, tỉnh Salavan (Lào) tổ chức lễ kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới. Với mối quan hệ dân tộc, thân tộc vốn có từ lâu đời giữa Nhân dân hai bản, từ khi kết nghĩa bản - bản đến nay, hai bên đã duy trì tổ chức các hoạt động giao ban, qua lại thăm nhau các dịp lễ, tết truyền thống.
Ông Hồ Quang Vinh, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Ra Poong cho biết, bản Hồ, cụm A Xóc, huyện Sa Muội có 37 hộ dân sinh sống, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần “tương thân tương ái”, từ khi kết nghĩa bản - bản đến nay, xã Ba Nang đã trao tặng 1 con bò giống, hỗ trợ cây giống, kết nối hỗ trợ 37 suất quà cho người dân bản Hồ.
“Sau khi kết nghĩa, hai bên thường xuyên giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xã hội. Thôn Ra Poong đã trao tặng cây giống, bò giống, hỗ trợ bạn về kỹ thuật nuôi, trồng. Mỗi khi có việc, các già làng hay các vị chức sắc của hai bản lại gặp gỡ, xử lý những việc xảy ra nơi vùng biên giới. Những tranh chấp lớn nhỏ được phân xử rạch ròi, làm rõ trước sự đồng thuận của đôi bên”, ông Vinh chia sẻ.
Mô hình kết nghĩa bản - bản được triển khai từ năm 2005, đến nay đã có 25 cặp bản kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Trị (Việt Nam) với 2 tỉnh Savannakhet và Salavan (Lào). Nét nổi bật trong hoạt động kết nghĩa bản - bản là hai bên thường xuyên tuyên truyền, giáo dục xây dựng và củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó của Nhân dân hai bản, góp phần xây dựng tình đoàn kết đặc biệt hữu nghị Việt - Lào.
Đồng thời thông qua hoạt động của phong trào đã thực sự giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự thôn bản, bảo vệ vững chắc đoạn biên giới tiếp giáp giữa hai bản.
Qua hoạt động trao đổi tình hình và công tác tuyên truyền, nhận thức về biên giới, chủ quyền lãnh thổ của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, ý thức chấp hành pháp luật và hoạt động qua lại biên giới của cư dân đúng pháp luật, không có trường hợp người dân hai bản vi phạm quy chế biên giới.
Những năm qua, huyện Đakrông chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Thực hiện tốt các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản”, “Kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới”.
Thường xuyên thông tin, phối hợp với huyện Sa Muội hỗ trợ người dân trong phát triển kinh tế, thúc đẩy giao thương, xóa đói giảm nghèo. Tăng cường phối hợp trong đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy, lôi kéo người vào đạo trái phép.
Huyện cũng đã tích cực phối hợp với Sở Tư pháp triển khai thực hiện nội dung của thỏa thuận giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào về giải quyết người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào.
Các hoạt động đối ngoại của huyện Đakrông trong năm qua đã tiếp tục góp phần giữ gìn mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp mà hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào đã dày công vun đắp.
Bên cạnh công tác đối ngoại với các địa phương có chung đường biên giới, huyện Đakrông luôn chú trọng việc duy trì, củng cố và phát triển các mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, thu hút các nguồn lực từ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tổ chức phi chính phủ (NGO) như: Plan, Tầm nhìn Thế giới, Zhisan Foundation, Sunflower Mission, CARE International, Cây xanh Hòa bình, Vòng tay Thái Bình... Trong năm 2023, huyện đã tiếp nhận viện trợ từ các dự án với tổng giá trị hơn 13,6 tỉ đồng.
Nhìn chung, các chương trình, dự án viện trợ từ nguồn vốn ODA và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện trên địa bàn huyện tập trung vào các lĩnh vực: phát triển giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, đầu tư cơ sở hạ tầng hỗ trợ sản xuất, đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo, đảm bảo nước sinh hoạt và ứng phó biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Các chương trình, dự án đã giúp cải thiện cơ sở hạ tầng giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển sinh kế đã và đang thực sự có ý nghĩa thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục, giải quyết những vấn đề khó khăn tại địa phương.
Phát huy những kết quả đạt được, huyện Đakrông xác định tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế. Thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về hoạt động đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa công tác đối ngoại với quốc phòng- an ninh, đảm bảo an ninh chính trị và trật an toàn xã hội. Tiếp tục duy trì công tác thông tin đối ngoại với các huyện của nước bạn Lào có chung đường biên giới; thực hiện tốt việc kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới. Đồng thời tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức để vận động viện trợ từ nguồn ODA, NGO và các nguồn hợp pháp khác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác thông tin đối ngoại với giữ vững chủ quyền biên giới; đảm bảo quốc phòng- an ninh, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)