Trong 2 năm 2021 và 2023, cà phê Arabica Khe Sanh của Công ty TNHH Pun Coffee đã khẳng định chất lượng thơm ngon, được vinh danh ở ngôi vị cao nhất cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” do Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk tổ chức.
Thế nhưng, thương hiệu vùng cà phê Khe Sanh - Quảng Trị đến nay vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến, vì người làm cà phê chưa chú trọng đến mảng cà phê nhân chất lượng cao và chế biến đầu cuối. Để nâng tầm giá trị cà phê Khe Sanh vươn ra thị trường trong nước và thế giới, gần đây, một số hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp và hợp tác xã cà phê trên địa bàn quay lại cách làm cũ canh tác hữu cơ với tư duy mới tìm lối đi khác biệt, mở rộng quảng bá, xây dựng thương hiệu chất lượng cao cho sản phẩm cà phê Khe Sanh.
Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết, tính đến cuối năm 2022, tổng diện tích cà phê trên địa bàn huyện khoảng hơn 4.000 ha; trong đó gần 50% diện tích cây cà phê già cỗi, hiệu quả sản xuất không cao. Để giúp nông dân ổn định cuộc sống từ cây cà phê, từ năm 2017 đến năm 2022 huyện Hướng Hóa đã thực hiện chương trình tái canh cây cà phê, diện tích hơn 560 ha. Hầu hết các vườn cà phê tái canh đều phát triển tốt, năng suất đạt 15 tấn quả tươi/ha, cao hơn 1,2- 1,5 lần so với vườn chưa tái canh.
Trong năm 2023, dự kiến địa phương tiếp tục tái canh 160 ha cây cà phê. Đồng thời, huyện thực hiện kế hoạch hỗ trợ trồng 1,5 vạn cây mắc ca phân tán che bóng mát, làm bờ bao chắn gió cho cây cà phê, vừa đánh giá năng suất, hiệu quả cây mắc ca để có kế hoạch đưa vào quy hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, đồng hành với nông dân trong sản xuất và chế biến cà phê “sạch”, Hợp tác xã Nông sản Khe Sanh, Công ty TNHH Pun Coffee đã liên kết hỗ trợ sản xuất cà phê hữu cơ, thực hiện mô hình đưa rừng về vườn, phát triển vùng nguyên liệu cà phê theo tiêu chí nông - lâm kết hợp, tạo sự đa dạng sinh học từ vườn rừng và đa dạng sinh kế cho nông dân. Mô hình nông - lâm kết hợp mang lại giá trị bền vững, góp phần loại bỏ hóa chất ra khỏi canh tác cà phê, cải tạo dinh dưỡng cho đất, chất lượng quả cà phê được cải thiện rõ rệt.
Trước đây, trong quá trình canh tác, do chưa có “nhạc trưởng” gắn kết chặt chẽ chuỗi giá trị ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, nên nông dân khi thu hoạch mạnh ai nấy làm, thu hái cà phê không bảo đảm tỉ lệ quả chín, trộn lẫn tạp chất để tăng trọng lượng, dần dần làm mất thương hiệu cà phê Khe Sanh.
Từ sự kiện năm 2021 Công ty TNHH Pun Coffee ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa đoạt giải Nhất và Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị đoạt giải Nhì cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam”, thì cà phê Khe Sanh - Quảng Trị được biết đến nhiều hơn, giá trị cà phê Khe Sanh trên thị trường cũng được nâng lên. Phát triển cà phê đặc sản trở thành chiến lược để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho cây cà phê của tỉnh.
Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sau thời gian chuyên gia công cà phê nhân xanh cho các thương lái, nhãn hàng khác nhau, nay đã chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị để chế biến cà phê nhân chất lượng cao và cà phê rang xay đầu cuối, xây dựng thương hiệu, cạnh tranh trên thị trường. Yêu cầu về chất lượng cà phê đặt ra cũng cao hơn, mối liên kết, gắn kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người trồng cà phê chặt chẽ hơn, giá trị gia tăng cà phê cao hơn.
Một số doanh nghiệp như Công ty TNHH Pun Coffee còn cam kết ký hợp đồng xây dựng vùng nguyên liệu thu mua sản phẩm cà phê lâu dài cho nông dân với giá cao “G+5” (giá thị trường cộng thêm 5.000 đồng/ kg) và hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật canh tác cho nông dân. “Đến thời điểm này, giấc mơ vùng nguyên liệu cà phê hữu cơ được phủ xanh với cây tán rộng, có sinh kế che bóng mát cho vườn theo tiêu chí nông - lâm kết hợp đang từng bước được Pun Coffee liên kết với các hộ dân thực hiện một cách chắc chắn.
Các nông hộ hợp tác với Pun Coffee chắc chắn có thu nhập cao và bền vững hơn. Đây là thành công trong hợp tác để Pun Coffee mang đến cho khách hàng sản phẩm cà phê đặc sản thơm ngon nhất theo tiêu chuẩn của Hiệp hội cà phê đặc sản thế giới SCA, do chính những nông dân đồng bào dân tộc Vân Kiều chăm sóc và thu hái; được rang xay thành phẩm đóng gói tại nhà xưởng đạt tiêu chuẩn ISO 22000- 2018 và kỹ thuật rang được chứng nhận bởi SCA”, Giám đốc Công ty TNHH Pun Coffee Phan Hồng Phong cho biết.
Cùng với khẳng định thương hiệu chất lượng cà phê thơm ngon bậc nhất Việt Nam thông qua tham gia cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam”, những người làm cà phê Hướng Hóa còn tìm tòi nhiều hướng đi khác biệt để nâng tầm giá trị cà phê Khe Sanh, như: mô hình nuôi chồn, cho chồn ăn trái cà phê chín thải ra cà phê hạt rồi chế biến cà phê chồn của chị Trần Mai Hương ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.
Ly cà phê chồn “tôi luyện”, “chế biến” trong dạ dày con chồn cho hương vị thơm ngon đặc biệt được nhắc đến trong áng văn tuyệt bút “Ngọn núi ảo ảnh” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cần được công nhận về chất chất lượng, đăng ký tiêu chuẩn, mẫu mã sản phẩm và quảng bá, xây dựng thương hiệu… Với cách làm cũ và tư duy mới, những người làm cà phê ở Hướng Hóa đang góp sức viết nên khát vọng nâng tầm giá trị thương hiệu cà phê Khe Sanh vươn ra thế giới.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)