Trồng chanh leo “nuôi” cà phê

Lê An |

Thời gian gần đây, nhiều hộ trồng cà phê tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã kết hợp trồng chanh leo trong vườn cà phê tái canh giai đoạn kiến thiết cơ bản. Bên cạnh tác dụng che bóng cho vườn cà phê, cây chanh leo còn cho thu nhập tương đối ổn định, giúp người trồng cà phê “lấy ngắn nuôi dài”.

“Lấy ngắn nuôi dài”

Ông Trần Văn Hòa ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng cho biết, gia đình ông có hơn 3 ha cà phê đã trồng được trên 20 năm. Vườn cà phê của ông năng suất thấp, quả nhỏ. Cuối năm 2019, ông quyết định phá bỏ 1/2 diện tích cà phê già cỗi của mình để tái canh trồng mới.

Với kiến thức thu được sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, ông quyết định lựa chọn cây chanh leo, một loại cây trồng còn khá mới ở thời điểm đó để trồng xen trong vườn cà phê mới tái canh.

Trồng chanh leo xen trong vườn cà phê tại hộ ông Trần Văn Hòa ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa - Ảnh: L.A
Trồng chanh leo xen trong vườn cà phê tại hộ ông Trần Văn Hòa ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa - Ảnh: L.A

Theo ông Hòa, mục đích ban đầu của việc trồng xen này là lấy ngắn nuôi dài, lấy thu nhập từ cây chanh leo để có thêm ít vốn chăm sóc cho vườn cà phê. Thế nhưng, kết quả mang lại hơn những gì ông mong đợi.

Cây chanh leo phát triển nhanh đã trở thành “vệ sĩ” che chở cho cây cà phê, cây bơ (cây che bóng lâu dài) trồng mới phát triển xanh tốt, ít bị sâu bệnh. Quá trình chăm sóc cũng tiết kiệm được công, phân bón, hạn chế cỏ dại.

Đặc biệt, sau khi trồng khoảng 5-6 tháng, cây chanh leo bắt đầu cho quả, năng suất mỗi lần thu hoạch đạt từ 5-7 kg/cây. Với giá bán từ 10.000- 25.000 đồng/kg, mùa vụ thu hoạch hầu như quanh năm, thu nhập từ cây chanh leo đã giúp gia đình ông có tiền đầu tư thuê nhân công, mua phân bón cho cây cà phê.

Bước qua năm thứ 3, khi cây cà phê tái canh trồng mới bắt đầu giao tán và cho thu hoạch bói, ông tiến hành tháo bỏ và trồng mới lại cây chanh leo để tiếp tục làm cây che bóng vườn cà phê nhưng với số lượng ít hơn.

“Với cây chanh leo, trong 3 năm đầu tái canh cây cà phê, gia đình tôi vẫn có nguồn thu nhập ổn định. Điều đặc biệt, cây cà phê trong vườn tái canh có kết hợp trồng chanh leo phát triển rất tốt, bộ lá xanh mướt quanh năm, sâu bệnh ít, không bị mắc bệnh rệp sáp, rệp muội, khô cành như các vườn trồng thuần xung quanh. Niên vụ cà phê vừa qua, vườn tái canh đã cho thu hoạch bói, năng suất trung bình 1,5 kg quả tươi/cây, những cây phát triển vượt trội lên đến 3 kg quả tươi/cây”, ông Hòa phấn khởi nói.

Cũng tại thôn Cợp, anh Nguyễn Thanh Phong hiện đang triển khai mô hình trồng chanh leo xen cà phê tái canh trồng mới với diện tích 0,5 ha. Anh Phong cho biết, cuối năm 2022, nhận thấy việc phát triển cà phê gặp nhiều khó khăn do giá cả bấp bênh, cây cà phê già cỗi cho năng suất thấp nên đã quyết định phá bỏ toàn bộ vườn cà phê của mình để tái canh lại bằng phương pháp trồng mới kết hợp trồng xen thêm cây chanh leo.

Sau hơn 6 tháng xuống giống, cây chanh leo phát triển mạnh và bắt đầu cho thu hoạch. Cũng theo anh Phong, để chanh leo phát triển tốt, anh đã xây dựng hệ thống giàn ô vuông bằng lưới thép, giàn dây thép song song với các hàng cà phê và đầu tư thêm hệ thống tưới tự động.

Với mô hình trồng xen này, cây cà phê trồng mới ở phía dưới được che bóng mát, nền đất giữ được độ ẩm nên phát triển rất tốt. Hiện tại, ước tính mỗi tháng anh Phong thu hoạch khoảng 0,4 - 0,5 tấn quả chanh leo, mang lại nguồn thu nhập ổn định trong giai đoạn cây cà phê chưa cho thu hoạch.

Cây chanh leo cho năng suất bình quân khoảng 13 -15 tấn/ha - Ảnh: L.A
Cây chanh leo cho năng suất bình quân khoảng 13 -15 tấn/ha - Ảnh: L.A

Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương cho biết, toàn xã hiện có khoảng 95 ha diện tích trồng chanh leo, trong đó có khoảng 75 ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha. Đáng chú ý là ngoài diện tích trồng chuyên canh thì trong những năm trở lại đây, nhiều hộ trồng cà phê trên địa bàn xã đã đưa vào trồng thử nghiệm cây chanh leo xen canh trong vườn cà phê.

Đặc biệt là những vườn cà phê tái canh giai đoạn kiến thiết cơ bản. Bởi lẽ, bên cạnh thời gian cho thu hoạch ngắn hơn, chỉ từ 5 - 6 tháng, đầu ra tương đối ổn định thì cây chanh leo còn có tác dụng che bóng khá tốt, giúp cây cà phê phát triển tốt hơn.

Không nên mở rộng diện tích tự phát

Cũng theo ông Dương, xã Hướng Phùng hiện có khoảng 2.000 ha cà phê. Tuy nhiên, do trồng đã lâu nên phần lớn diện tích cà phê hiện đang già cỗi, năng suất thấp, dễ nhiễm sâu bệnh hại. Mặc dù hầu hết người trồng cà phê đều hiểu việc tái canh là cách duy nhất để trẻ hóa vườn cà phê, qua đó tăng năng suất, chất lượng nhưng việc tiến hành phá bỏ toàn bộ diện tích cà phê già cỗi để tái canh ít nhiều tác động đến tâm lý của người dân.

Bởi lẽ, khi tái canh cần một thời gian khá dài để kiến thiết cơ bản, bình quân phải mất ít nhất từ 3 - 4 năm cây cà phê mới cho thu hoạch bói. Trong khi thu nhập của người dân lại chủ yếu dựa hoàn toàn vào cây cà phê, vì vậy nhiều người dân vẫn còn dè dặt, chưa mạnh dạn để tái canh. Mô hình trồng kết hợp chanh leo trong vườn cà phê có thể xem là một giải pháp vừa đáp ứng được mục tiêu ổn định diện tích cây cà phê của địa phương, vừa tăng thu nhập trên cùng đơn vị canh tác.

Vườn cà phê tái canh trồng mới tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa-Ảnh: L.A
Vườn cà phê tái canh trồng mới tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa-Ảnh: L.A

Đồng thời, cây chanh leo trồng xen còn có tác dụng làm cây che bóng mát tạm thời, chắn gió và giữ ẩm cho cây cà phê giai đoạn còn non, hạn chế bốc hơi nước trong mùa khô, tạo môi trường sinh thái ổn định, ứng phó biến đổi khí hậu hiện nay và tạo cơ sở phát triển nông nghiệp bền vững.

“UBND xã đã hướng dẫn người dân sau khoảng 3 năm, khi cây cà phê khép tán, cây chanh leo cũng hết chu kỳ thu hoạch thì tiến hành phá bỏ toàn bộ các giàn chanh leo trồng xen trong vườn cà phê và có thể trồng lại với mật độ thích hợp để làm cây che bóng, chắn gió cũng như tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đồng thời khuyến cáo người dân không vì lợi ích trước mắt mà tự phát mở rộng diện tích trồng chanh leo ở những vùng đất đai, nước tưới và tiêu không thuận lợi. Đặc biệt, chúng tôi khuyến cáo người dân không được tự phát chặt phá các loại cây trồng khác, trong đó có cây cà phê để chuyển sang trồng chanh leo”, ông Dương cho biết thêm.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình, cà phê được xác định là cây công nghiệp chủ lực của huyện với diện tích đến năm 2030 duy trì ổn định khoảng 5.000 ha. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu tái canh, huyện Hướng Hóa luôn khuyến khích người dân thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, đưa một số giống cây ngắn ngày phù hợp như đậu đỗ, ném, gừng, nghệ trước đây hay hiện nay là cây chanh leo vào trồng xen canh với cây cà phê trong 3 năm đầu kiến thiết cơ bản.

Ông Bình thông tin, đối với cây cà phê trong thời kỳ kiến thiết cơ bản yêu cầu phải có cây che bóng tạm thời, trồng cây trồng xen để che phủ, bảo vệ, cải tạo đất. Đây là biện pháp rất quan trọng để cải thiện độ phì và tính chất lý hóa của đất sau một chu kỳ kinh doanh dài.

Do vậy, trong tình hình thời tiết diễn biến thất thường như hiện nay, việc nông dân đưa cây chanh leo trồng xen vào các vườn cà phê đã mở ra hướng mới trong việc lựa chọn cây trồng xen phù hợp, có giá trị kinh tế cao.

“Nếu tuân thủ quy trình kỹ thuật, việc trồng xen các cây trồng phù hợp có thể giúp tăng thêm thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/ha. Mô hình này sẽ mang lại nguồn thu nhập ổn định và rải đều trong năm giúp người trồng cà phê có điều kiện đầu tư lại vào vườn cà phê và phát triển kinh tế”, ông Bình khẳng định.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tìm hướng kết nối cung cầu tiêu thụ cà phê Arabica Hướng Hóa

Lê Trường |

Ngày 7/7, tại thị trấn Khe Sanh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND huyện Hướng Hóa, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Trị (VFBC) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới Việt Nam (WV) tổ chức hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm cà phê Arabica huyện Hướng Hóa năm 2023.

Cơ hội quảng bá thương hiệu cà phê Khe Sanh vươn xa

Thanh Trúc |

Phối hợp với UBND huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tổ chức hoạt động trưng bày, quảng bá và hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm cà phê Arabica năm 2023 đúng vào dịp huyện Hướng Hóa kỷ niệm 55 năm ngày Chiến thắng Khe Sanh - Giải phóng Hướng Hóa 9/7 (1968 - 2023), ngành nông nghiệp đã lựa chọn cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cà phê của huyện Hướng Hóa đến các du khách, người tiêu dùng, nhà phân phối và đại lý trong và ngoài tỉnh tham gia sự kiện quan trọng và ý nghĩa này.

Kỳ vọng cà phê Khe Sanh

Bích Liên – Khánh Hưng |

Khe Sanh từng được cả thế giới biết đến là “Trận Điện Biên Phủ thứ hai”, hay là “chốn địa ngục trần gian” theo cách nói của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tham chiến ở mặt trận Đường 9 - Quảng Trị năm 1968. Ngày nay, du khách về thăm chiến trường Khe Sanh năm xưa sẽ được thưởng thức ly cà phê đặc sản Arabica Khe Sanh tỏa ngát hương và kể câu chuyện hòa bình, về những nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa, trong đó có cả những câu chuyện về ước vọng đưa cà phê Khe Sanh vươn tầm thế giới…

Hướng Hóa: Sẽ tiếp tục tái canh 160 ha cà phê trong năm 2023

Nguyễn Đình Phục |

Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng (Quảng Trị) Đình Bình cho biết, thực tế những năm vừa qua, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được, ngành cà phê của huyện còn một số hạn chế.