Khe Sanh từng được cả thế giới biết đến là “Trận Điện Biên Phủ thứ hai”, hay là “chốn địa ngục trần gian” theo cách nói của lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã tham chiến ở mặt trận Đường 9 - Quảng Trị năm 1968. Ngày nay, du khách về thăm chiến trường Khe Sanh năm xưa sẽ được thưởng thức ly cà phê đặc sản Arabica Khe Sanh tỏa ngát hương và kể câu chuyện hòa bình, về những nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc huyện Hướng Hóa, trong đó có cả những câu chuyện về ước vọng đưa cà phê Khe Sanh vươn tầm thế giới…
Qua gian khó, vẫn một lòng gắn bó với cây cà phê
Tiểu vùng khí hậu ở dãi đất phía Tây Trường Sơn ở độ cao 550m, nền nhiệt độ bình quân trong năm tương đối ôn hòa, mang sắc thái á nhiệt đới, biên độ giữa ngày và đêm không lớn, lượng mưa nhiều được phân bổ đều quanh năm, số ngày có sương mù nhiều, độ ẩm không khí cao hơn các vùng trồng cà phê chè khác ở trong nước... Ngay từ những ngày đầu lên lập nghiệp tại vùng đất Khe Sanh, Hướng Hóa, nhiều người đã tận dụng những lợi thế đó để nhân rộng một loại cây làm nên thương hiệu nơi miền Tây của tỉnh Quảng Trị - Cà phê chè Arabica. Từ điều kiện tự nhiên vốn có đã giúp cây cà phê Khe Sanh tích lũy nhiều tinh dầu và hương thơm, tạo nên mùi vị đặc trưng không nơi nào có được.
Trên dải đất biên giới nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị, huyện Hướng Hóa hiện có gần 5.000 hecta cà phê, được trồng chủ yếu ở khu vực một số xã dọc đường 9 và phủ xanh các xã phía Bắc của huyện như Hướng Tân, Hướng Phùng.
Trồng cà phê tại Hướng Hóa cách đây khoảng 10 năm là thời kỳ hưng thịnh của nhiều gia đình cũng như các doanh nghiệp, công ty kinh doanh cà phê. Thời gian trở lại đây, do ảnh hưởng của giá cả cà phê thế giới hay sự bất thường của thời tiết mà năm cà phê được mùa thì mất giá, được giá lại mất mùa, người trồng cà phê tại đây dù bỏ nhiều công sức để khai hoang vỡ đất, ươm mầm tạo giống để hình thành nên những đồi cà phê xanh ngút ngàn, thu về những chùm cà phê chín mọng, vẫn không tránh khỏi tâm trạng chao đảo, bất an... Dẫu sao thì trồng cà phê dù là ở thời điểm nào, để thu về những quả chín mọng bắt mắt, người nông dân cũng tưới tắm vào đó nhiều mồ hôi, công sức và chấp nhận đương đầu với những rủi ro, thách thức.
Ông Văn Viết Long một trong những người trồng cà phê lâu năm trên địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. 25 năm từ khi rời quê hương Hải Lăng lên lập nghiệp tại vùng đất Hướng Phùng, chính nhờ trồng cà phê mà gia đình ông vượt lên nghèo khó, cho các con ông được ăn học đến nơi đến chốn. Hơn 20 năm sở hữu diện tích đất hơn 3 hecta cũng là từng ấy thời gian bao nhiêu mồ hôi, công sức, kỳ vọng ông gửi gắm vào cây cà phê. Khoảng thời gian dài, từ năm 2013 đến năm 2019, cà phê rớt giá, nguồn thu từ cà phê không ổn định khiến cuộc sống gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên, người nông dân này vẫn không có ý định từ bỏ loại cây vốn được xem là chủ lực trong phát triển kinh tế của gia đình này.
Không chỉ là loại cây thích hợp với điều kiện thời tiết mà cà phê là loại cây trồng đã gắn bó với gia đình ông Long từ khi ông đặt những nhát cuốc đầu tiên lên khai hoang mảnh đất này. Và cũng như những nông dân khác tại Hướng Hóa, ông Long vẫn luôn nuôi lớn một niềm tin rằng, những khó khăn gặp phải chỉ là rủi ro trong làm nông nghiệp, cà phê vẫn tiếp tục là cây trồng sẽ đem lại cuộc sống tốt đẹp cho gia đình ông.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê xanh ngát đang vào mùa cho quả, ông Long chia sẻ: “Tôi lên với đất Hướng Phùng lập nghiệp trước hết là mưu sinh, lo cho cuộc sống, rồi không biết từ khi nào, tôi gắn bó, đam mê, và trăn trở với nó. 25 năm lập nghiệp nơi mảnh đất này, dù thăng trầm, khó khăn, tôi chưa bao giờ có ý định chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác mà luôn cố gắng chăm sóc để thu về những quả cà phê chất lượng nhất. Tôi tin tương lai không xa, cà phê Khe Sanh được đứng vững trên thị trường và tôi sẽ tự hào vì có đóng góp chút công sức của mình trong đó”.
Niềm tin mà ông Long cũng như những người nông dân trồng cà phê Hướng Hóa đang nuôi lớn hàng ngày không phải là không có căn cứ. Qua thời gian, có thể khẳng định, trong số các mặt hàng nông sản của Việt Nam thì cà phê Khe Sanh tại huyện Hướng Hóa được xem là hội tụ đầy đủ nhất những đặc trưng để có thể xây dựng một thương hiệu nổi tiếng. Hương vị cà phê đặc trưng được chắt lọc từ mồ hôi, công sức người nông dân nơi miền sương này đã và đang tỏa hương trên đất bạn và đang dần khẳng định được mình.
Nỗ lực xây dựng vùng cà phê đặc sản
Để tìm hiểu về vị trí cà phê Khe Sanh khi ra thị trường thế giới, chúng tôi tìm đến Công ty TNHH Pun coffee ở Km 27, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa.
Vợ chồng chị Lương Thị Ngọc Trâm, chủ thương hiệu Pun Coffee, ra đời năm 2018 với khát vọng kể câu chuyện hành trình khẳng định giá trị chất lượng hàng đầu hạt cà phê Khe Sanh vươn ra thế giới. Chồng chị Trâm, anh Phan Hồng Phong sinh ra, lớn lên ở “thủ phủ” cà phê Hướng Phùng, chứng kiến hết thăng trầm sướng khổ của người làm cà phê Khe Sanh.
Hành trình cà phê Khe Sanh gần 100 năm, nhưng đến khi Pun coffee được xướng tên ngôi vị quán quân ở cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” năm 2021 thì vùng trồng cà phê nổi tiếng này mới được chú ý… Đặc biệt, tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam” 2021, mẫu cà phê chế biến Natural của Pun coffee đoạt giải cao nhất, với 84,5 điểm; mẫu cà phê chế biến Honey của Pun coffee đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản với 81,68 điểm; còn mẫu cà phê của Nhóm cà phê đặc sản Quảng Trị đoạt giải Nhì, với 84 điểm, dòng cà phê Arabica đặc sản Việt Nam.
Hiện nay, Pun coffee đã liên kết chặt chẽ phát triển sinh kế bền vững cùng các hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều thôn Xa Ry, xã Hướng Phùng thông qua mô hình đa dạng sinh học tạo tán rừng từ vườn cà phê. Chị Trâm chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng cho nhà chế biến cà phê nhỏ hơn cũng như đưa thương hiệu cà phê Khe Sanh ra với thị trường rộng lớn hơn. Năm 2022, tại Quảng Trị có 5 nhà chế biến đi thi cà phê đặc sản với 9 mẫu thì có 7 mẫu đạt cà phê đặc sản. Đó là điều chúng tôi tự hào khẳng định cà phê Khe Sanh là vùng cà phê đặc sản Việt Nam. Bên cạnh đó cũng đã xuất khẩu 2 tấn cà phê rang đi Mỹ, đây cũng là nỗ lực đưa cà phê Khe Sanh ra thị trường thế giới”.
Hiện tại Hướng Hóa, ngoài những thương hiệu cà phê được đông đảo mọi người biết đến như Pun Coffee, Ta Lư Coffee..., nhiều hộ nông dân trồng cà phê cũng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, học hỏi kinh nghiệm để làm cà phê đặc sản, giới thiệu cà phê Khe Sanh đến đông đảo bạn bè trong và ngoài địa phương thông qua nền tảng mạng xã hội.
Đến thăm “thủ phủ” cà phê Hướng Phùng, có thể cảm nhận hết khát khao xây dựng nên thương hiệu cà phê bền vững, trăn trở tìm chỗ đứng của những người gắn bó và đam mê với cây cà phê. Trải qua bao thăng trầm dâu bể, nhiều người đã chọn từ bỏ cây cà phê để chuyển sang các loại cây trồng khác, thế nhưng, một bộ phận nông dân lại có suy nghĩ khác. Từ đam niềm với hạt cà phê, những nông dân từng gắn bó với cây cà phê ở đây đã dày công nghiên cứu, áp dụng quy trình sản xuất thuận tự nhiên như sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất, sử dụng các loại phân bón hữu cơ, sinh học để cải tạo đất, sử dụng các loại thuốc sinh học trong phòng trừ sâu hại, tự trang bị máy móc để thực hiện rang, sấy, mày mò chế biến ra những loại cà phê, mang hương vị riêng biệt. Việc này không những giúp cho những hạt cà phê này trở nên giá trị mà còn tạo được thị trường tiêu thụ bền vững.
Hướng đi bền vững cho cà phê Khe Sanh
Trên những cánh đồng, nhà máy chế biến hay ở những quán cà phê tọa lạc tại Hướng Hóa, đâu đâu cũng có thể cảm nhận được niềm đam mê, niềm tin mãnh liệt và kỳ vọng của người dân ở đây về nỗ lực xây dựng thương hiệu cà phê bền vững mang tên “Cà phê Khe Sanh”. Người dân gắn bó với cà phê, làm cà phê Hướng Hóa có lẽ hiểu hơn ai hết những thăng trầm, song niềm đam mê, lòng tin luôn thôi thúc họ gắn bó và tìm hướng đi để đứng vững.
Chúng tôi tìm đến quán cà phê Hải, tại thị trấn Khe Sanh vào những ngày hè. Đến với Khe Sanh thì đây có thể xem là thời điểm lý tưởng để có thể nhấm nháp một ly cà phê đậm đặc để rồi cảm nhận vị cà phê đắng nhưng đầy mê hoặc của xứ sương mù nằm về phía Tây của tỉnh Quảng Trị này.
Tại đây, sau khi chọn cà phê do chính những người nông dân ở đây làm ra, họ sẽ thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt, thực hiện các công đoạn rang sấy, xay cà phê tại chỗ thành sản phẩm cà phê hòa tan phục vụ khách hàng. Tự tay pha cho chúng tôi một tách cà phê rang xay, anh Trần Quốc Hải, chủ thương hiệu Hai Coffee bộc bạch: “Làm cà phê với chúng tôi không hẳn là kinh doanh mà đã là đam mê. Có đam mê thì tôi mới đủ sức để đồng hành và đi qua những thăm trầm để góp phần cùng những nông dân tại Hướng Hóa làm nên thương hiệu cà phê Khe Sanh. Tại Hai Coffee, để làm ra ly cà phê rang xay đậm chất Khe Sanh thì 100% hạt cà phê phải được tuyển chọn, rang mộc. Hạt cà phê sau khi rang sẽ chín đồng đều, giữ được hương vị đặc trưng riêng của hạt cà phê, không bị cháy khét. Cà phê nguyên chất rang mộc luôn cho ra nước trong màu hổ phách cùng nhiều tầng hương vị thơm ngon bởi chuyên gia rang nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra, chất lượng luôn ổn định và đồng nhất về hương vị vì trong quá trình rang chúng tôi luôn nỗ lực để kiểm soát thời gian, nhiệt độ với công thức rang để những hạt cà phê thành phẩm có chất lượng tốt nhất.”
Đến Khe Sanh hôm nay, đi dọc con đường 9 huyền thoại hay rẽ vào các xã phía Bắc, hướng Sân bay Tà Cơn, có thể dễ dàng bắt gặp màu xanh ngút ngàn của những đồi cà phê. Tới thời điểm hiện tại, cà phê là một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện miền núi Hướng Hóa. Việc xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh để loại cây này đứng vững trên thị trường vẫn đang là bài toán đặt ra đối với doanh nghiệp, các ngành chức năng và cả chính người trồng cà phê Hướng Hóa.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa thông tin thêm: “Hiện nay, với diện tích hiện có, cây cà phê tại Hướng Hóa cho thu hoạch sản lượng gần 10 tấn cà phê nhân mỗi năm. Đây là nguồn nông sản xuất khẩu đem đến thu nhập khá cao cho nông dân. Hiện nay để phát triển vùng nguyên liệu cây cà phê, huyện vẫn tập trung cùng hỗ trợ nông dân tái canh cây cà phê, mỗi năm bình quân từ 100 – 120 ha, hướng tới để nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê đồng thời hướng tới xây dựng cà phê Khe Sanh trở thành cà phê đặc sản. Để mặt hàng cà phê đến với thị trường trong và ngoài nước, huyện cũng đã có những hỗ trợ đối với doanh nghiệp, các cơ sở chế biến cà phê thông qua các hình thức như xây dựng nhãn hiệu, xây dựng sản phẩm đạt các tiêu chuẩn OCCOP nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở chế biến đưa cà phê ra thị trường. Hiện nay, huyện đang phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông học của Bộ Nông nghiệp để xây dựng chỉ dẫn địa lý cà phê Hướng Hóa, tập trung công tác tái canh, nâng cao chất lượng trong thu hoạch, bảo quản nhằm tạo ra giá trị, nâng cao chất lượng cà phê.”
Hướng tới Kỷ niệm 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (09/7/1968-09/7/2023), Quỹ Phát triển những con đường hoa tỉnh Quảng Trị tổ chức Cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh".
* Thời gian nhận bài dự thi: Từ ngày phát động cuộc thi viết "Ký ức Khe Sanh" (ngày 05/5/2023) đến hết ngày 05/7/2023. Chi tiết: http://xanhx.vn/tin-tuc-noi-bat/to-chuc-cuoc-thi-viet-ky-uc-khe-sanh-23723.html