Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng (Quảng Trị) Đình Bình cho biết, thực tế những năm vừa qua, bên cạnh tiềm năng, lợi thế và kết quả đạt được, ngành cà phê của huyện còn một số hạn chế.
Đó là: sản xuất thiếu ổn định và bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro do tác động của biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ; sản lượng và chất lượng cà phê thấp do diện tích cà phê già cỗi tăng cao, nhiễm sâu bệnh nặng; sản xuất chưa gắn với bảo vệ môi trường; việc áp dụng kỹ thuật mới về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch của người dân còn hạn chế nên sản phẩm có sức cạnh tranh thấp so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, dẫn đến hiệu quả sản xuất cà phê chưa cao. Mặt khác, chuỗi giá trị của ngành hàng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm chưa gắn kết chặt chẽ…
Để giúp người trồng cà phê cải tạo chất lượng vườn cây, ổn định năng suất và sản lượng, từ năm 2017 đến 2022, huyện Hướng Hóa đã triển khai chương trình tái canh cây cà phê, với diện tích hơn 560 ha. Hầu hết các vườn tái canh đều phát triển tốt, năng suất đạt 15 tấn quả tươi/ha, cao hơn 1,2 đến 1,5 lần so với các vườn chưa được tái canh.
Năm 2023, Hướng Hóa sẽ tiếp tục thực hiện tái canh 160 ha, trong đó trồng mới 140 ha, cải tạo, phục hồi trồng xen ghép cây ăn quả 20 ha ở các xã Hướng Phùng, Tân Hợp, Hướng Tân, Tân Liên, Ba Tầng, thị trấn Khe Sanh. Với chính sách hỗ trợ một lần tối đa 70% chi phí giống cà phê để thực hiện tái canh, định mức Nhà nước hỗ trợ tối đa 7 triệu đồng/ha.
Cùng với tập trung đầu tư tái canh cây cà phê của huyện và người trồng cà phê, cần có sự hợp tác của các doanh nghiệp về trồng và chế biến cà phê, để cà phê Hướng Hóa ngày càng khẳng định được thương hiệu của minh trong và ngoài nước, mang lại nguồn thu nhập cao cho người trồng cà phê, nhất là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)