Nuôi chồn hương để sản xuất “cà phê chồn”

Bích Liên |

Với khát vọng vươn lên ổn định cuộc sống, tận dụng sự thuận lợi của thời tiết, khí hậu cùng quyết tâm làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình, gần đây nhiều nông dân tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả. 

Trong đó, mô hình nuôi chồn hương để tạo ra sản phẩm “cà phê chồn” của chị Trần Mai Hương ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng là mô hình độc đáo.

Ấp ủ ý tưởng từ lâu nhưng do tình hình COVID-19 kéo dài, đến đầu năm 2022, chị Hương mới bắt đầu khởi động việc nuôi chồn hương tại khu trang trại của gia đình. “Sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi qua sách báo kết hợp nhiều lần đi thực tế từ các trang trại nuôi chồn hương phía Nam, tôi đầu tư xây dựng hẳn một khu riêng biệt để nuôi chồn hương.

Khu vực nuôi được bố trí riêng biệt với diện tích từ 1 - 1,5 m2 cho mỗi cá thể chồn hương để đảm bảo có không gian vận động, chuồng luôn sạch, khô, thoáng, tránh ẩm thấp. Tổng kinh phí đầu tư ban đầu từ chuồng trại đến con giống gần 200 triệu đồng”, chị Hương cho biết.

Hiện khu chuồng trại của gia đình chị Hương có 20 cá thể chồn hương. Hàng ngày, ngoài công việc trên nương rẫy cà phê, chị dành thời gian dọn dẹp, chăm sóc chu đáo đàn vật nuôi. Thức ăn của loài vật này rất đa dạng, trong đó có nhiều loại trái cây như chuối, mít, chôm chôm… đặc biệt là quả cà phê chín.

Chị Trần Mai Hương kiểm tra lại sản phẩm “cà phê chồn” trước khi đóng gói gửi cho khách hàng -Ảnh: B.L
Chị Trần Mai Hương kiểm tra lại sản phẩm “cà phê chồn” trước khi đóng gói gửi cho khách hàng -Ảnh: B.L

Từ đây, ý tưởng sản xuất “cà phê chồn” của gia đình chị Hương hình thành. “Qua thời gian khoảng 1 năm, tôi thấy những cá thể chồn hương ở trang trại thích nghi nhanh với khí hậu Hướng Phùng, sức đề kháng cao.

Cà phê là thức ăn chính của đàn chồn hương của gia đình”, chị Hương chia sẻ. Theo chị, chồn hương là loài vật thích sạch sẽ, tĩnh lặng nên gia đình chị chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, đồng thời tìm hiểu, chủ động tiêm các loại thuốc phòng trừ dịch bệnh, hạn chế người tiếp xúc với đàn vật nuôi.

Để có sản phẩm “cà phê chồn” độc đáo, theo chị Hương mỗi con chồn từ khi sinh ra đến 7 tháng bắt đầu được chị cho ăn cà phê.

Sau khi tiêu hóa xong phần cùi, chồn sẽ thải ra những hạt cà phê còn lại, chị thu gom cà phê phơi nắng trong vòng 1 tuần, sau đó đem ủ vài ngày và tiếp tục đưa cà phê ra phơi nắng cho đến khi khô đạt ngưỡng 12,5 độ thì cất ủ. Từ khi nuôi đến nay, đàn chồn hương của gia đình chị đã “sản xuất” hơn 100 kg cà phê.

Cà phê chồn do gia đình chị làm ra chủ yếu bán cho khách nước ngoài và những khách hàng quen sành cà phê trong và ngoài địa phương. Trong đó, cà phê thóc được bán với giá 500.000 đồng/kg, cà phê nhân xanh được bán khoảng 1 triệu đồng/kg, cà phê rang xay bán với giá 2 triệu đồng/kg.

Hiện gia đình chị Hương có 3 ha cà phê trồng xen giữa rừng sản xuất gỗ lớn, ngoài thu hoạch cà phê để bán cho thương lái, chị cũng để dành quả làm thức ăn cho đàn chồn hương ăn quanh năm, bước đầu mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Ngoài mô hình này, gia đình chị Hương còn có 15 ha rừng sản xuất chuẩn bị cho khai thác. Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Hương cho biết, cùng với việc quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường, gia đình chị đang tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng đàn chồn hương sinh sản để vừa mở rộng việc sản xuất “cà phê chồn” vừa bán chồn hương giống cho các hộ dân trên địa bàn có nhu cầu để cùng nhau phát triển sản phẩm cà phê độc đáo này.

Ông Hà Ngọc Anh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân Hướng Phùng chia sẻ: “Có thể nói, mô hình nuôi chồn hương để sản xuất “cà phê chồn” của gia đình chị Hương là mô hình khá mới lạ, góp phần đa dạng hóa loài vật nuôi kết hợp hình thành một sản phẩm cà phê độc đáo cho địa phương. Mô hình này hứa hẹn mang lại kinh tế cao.

Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các điều kiện để gia đình phát triển đồng thời lan tỏa mô hình để những hộ nông dân khác học hỏi, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hội chợ Thương mại - Du lịch và quảng bá sản phẩm cà phê Hướng Hóa sẽ diễn ra vào tháng 7/2023

YMS |

UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) vừa ban hành kế hoạch tổ chức 55 năm Ngày Chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (9/7/1968-9/7/2023).

Lan tỏa hương vị cà phê Việt Nam ra thế giới

Hải Minh |

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển cà phê chất lượng cao, gia tăng giá trị chuỗi ngành hàng cà phê, nhất là tăng lợi nhuận trực tiếp cho người nông dân.

Hành trình từ hạt cà phê trên nông trại đến ly NESCAFÉ cho người yêu cà phê

PV |

Lễ Hội Cà Phê Buôn Ma Thuột 2023 chính thức khai mạc từ ngày 10 tới ngày 14 tháng 3 năm 2023 tại Tp.Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk. Tham gia Lễ Hội, NESCAFÉ đã chia sẻ về hành trình hơn 10 năm bền bỉ đồng hành cùng người nông dân trồng cà phê trong hoạt động canh tác bền vững nhằm sản xuất ra những hạt cà phê chất lượng cao vì ly cà phê ngon cho người Việt.

Triển lãm ảnh 'Cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới'

PV |

Ngày 9/3, Ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 khai mạc Triển lãm chuyên đề “Lịch sử cà phê thế giới”; trao giải và Triển lãm ảnh nghệ thuật “Cà phê Việt Nam - hành trình kiến tạo di sản văn hóa thế giới”.